Giáo viên đổi tình lấy biên chế: Nỗi đau ngành sư phạm?

Bà Thắm kể lại sự việc với phóng viên
Bà Thắm kể lại sự việc với phóng viên
TPO - Việc điều động giáo viên tiếp khách là không đúng mục đích hay giáo viên đổi tình lấy biên chế đã mặt nào thể hiện việc xin việc ở ngành sư phạm rất khó", hiện tượng nhiều người theo đuổi hợp đồng, "mai phục" để vào biên chế là khá phổ biến như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học vừa qua.

Với hy vọng “sếp” sẽ giúp đỡ vào biên chế, cô giáo đã đồng ý đi nhà nghỉ; sau đó giữa hai người xảy ra bất hoà, tới mức xúc phạm nhau ở trường học và đỉnh điểm là trưng cả những hình ảnh riêng tư trên Facebook. 

Giáo viên phải đổi tình, đi tiếp khách

Nguồn tin từ UBND huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) xác nhận, đã nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Anh (tên nhân vật được thay đổi, công tác tại huyện Buôn Đôn) tố ông Hoàng Hữu Huy (Hiệu phó Trường tiểu học Kim Đồng, xã Cuôr Knia) có quan hệ bất chính với vợ mình là bà Vũ Thị Thắm (tên nạn nhân được thay đổi); nhắn tin, đăng tải “clip nóng” cảnh quan hệ với vợ mình lên mạng xã hội, cướp điện thoại… 

Theo lời kể của bà Thắm, khoảng tháng 3/2013, bà được nhận vào dạy hợp đồng tại Trường tiểu học Kim Đồng. Sau khoảng 2 tháng làm việc, bà bắt đầu có mối quan hệ tình cảm với ông Huy và cả hai nhiều lần đi chơi riêng với nhau.

Trong một lần vào nhà nghỉ, ông Huy đề nghị sử dụng điện thoại quay clip cảnh hai người đang ân ái và bà Thắm đồng ý.

Trong thời gian quen nhau, ông Huy đã lập email, Facebook riêng cho bà Thắm và hứa hẹn xin cho bà này vào biên chế.

Theo bà Thắm, mối quan hệ giữa bà với ông Huy sau đó bị chồng và người nhà ông Huy phát hiện. Bà Thắm đã chủ động nói lời chia tay với ông Huy nhưng ông này không chấp nhận, tìm cách níu kéo.

Mỗi lần bà nói chia tay là điện thoại nhận được tin nhắn quấy rối, dọa gửi “clip nóng” cho chồng và lời nhắn không cho vào viên chế từ số máy lạ.

Bà Thắm còn tố cáo, nhiều lần từ chối đi chơi, né tránh không gặp mặt ông Huy thì bị ông này chặn đường đánh đập. 

Cụ thể, vào tháng 3/2016, khi bà đang nằm nghỉ tại phòng bảo vệ của trường thì ông Huy vào xô xát, lấy đi chiếc điện thoại di động của bà. Sự việc đã được Công an xã Cuôr Knia lập biên bản.

Trước đó, ngành giáo dục cũng xôn xao liên quan việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều cô giáo đi tiếp khách, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc này rất không tốt.

Theo Phó thủ tướng Đam, một số cơ quan yêu cầu nhân viên nữ tiếp khách trong những dịp lễ, kỷ niệm. Đây là những việc không cần thiết, cần chấn chỉnh.

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ khi trả lời chất vấn quốc hội cũng cho rằng việc điều động giáo viên tiếp khách là không đúng mục đích và không phù hợp, rất ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo.

Ngành sư phạm, vênh thực tế và đào tạo

Năng lực đào tạo ngành sư phạm của các trường đại học, cao đẳng sư phạm đang lớn hơn quá nhiều so với nhu cầu về số lượng giáo viên cần đào tạo, nhưng lại chưa đáp ứng được về chất lượng của đội ngũ giáo viên các bậc học. 

Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 14 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Hệ thống cơ sở đào tạo ngành sư phạm phân bố tương đối đều trong cả nước. Các tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (trừ tỉnh Đắk Nông).

Quy mô đào tạo ngành sư phạm (gồm cả hệ chính quy và đào tạo từ xa) của các cơ sở này gần 50.000 sinh viên một năm. Chỉ tiêu đào tạo hàng năm lớn, nhưng cơ cấu đào tạo ngành nghề chưa hợp lý dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không tìm được việc làm ngày càng tăng, nhiều địa phương cũng đang dôi dư giáo viên bậc phổ thông.

Một báo cáo về  về tình hình sinh viên sư phạm sau khi ra trường thất nghiệp có đến 170.000 - 200.000 người.

Giáo viên phải “mai phục” vào biên chế

Sinh viên sư phạm tốt nghiệp không xin được việc. Phải nói thẳng là “chạy việc” khó. Thậm chí nhiều giáo viên phải “mai phục” bằng dạy hợp đồng tại các trường để chờ cơ hội vào biên chế", , Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học vừa qua.

Phó Thủ tướng cho rằng nếu chế độ đãi ngộ giáo viên chưa thể điều chỉnh ngay theo mong muốn nhưng nếu ra trường có việc làm thì ngành sẽ vẫn hấp dẫn người học hơn rất nhiều.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định không có ngành nào lại biết trước nhu cầu nhân lực cụ thể như ngành giáo dục. Có phòng giáo dục, có sở giáo dục, nắm được số liệu dân cư trên địa bàn, dự báo được tình hình, biên chế cần thiết giáo viên từng môn, từng cấp. 

Câu chuyện để thừa giáo viên dẫn đến nhiều hệ lụy, Phó thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT bàn với Bộ Nội vụ thống nhất để giải quyết. 

Nỗi đau chưa thể nói hết

Mùa tuyển sinh 2017, trừ hai đại học lớn là Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM có điểm chuẩn cao, phần đông trường địa phương lấy điểm trúng tuyển ngành sư phạm bằng hoặc hơn một chút so với mức sàn 15,5 của Bộ Giáo dục. Nhiều trường cao đẳng sư phạm lấy điểm chuẩn đầu vào chỉ là 9, tức trung bình mỗi môn chỉ 3 điểm.

Ấy vậy mà khi dùng đủ chiêu để vét thí sinh, nhiều trường cũng đói nguồn tuyển khi thi sinh ngoảnh lưng thờ ơ. Đã hết thời sinh viên lao vào sư phạm như một lựa chọn tiềm năng.

Đến nỗi không ít người ngao ngán nhận định' Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm', và lo lắng một lứa ' giáo viên dốt' sẽ làm hỏng các thế hệ sau này. Có quá nhiều lo lắng nếu giáo viên dốt xin được việc sẽ là bi kịch cho xã hội.

GS.TS Đinh Quang Báo- Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng phải bức xúc thốt nên 3 điểm/môn trúng tuyển ngành sư phạm thì đúng là thảm họa của ngành giáo dục. Bởi lẽ, để có nền giáo dục phát triển thì giáo viên chính là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia. 

MỚI - NÓNG