Phó Thủ tướng: Giáo viên phải 'mai phục' chờ vào biên chế

Phó Thủ tướng: Giáo viên phải 'mai phục' chờ vào biên chế
TPO - Sinh viên sư phạm tốt nghiệp không xin được việc. Phải nói thẳng là “chạy việc” khó. Thậm chí nhiều giáo viên phải “mai phục” bằng dạy hợp đồng tại các trường để chờ cơ hội vào biên chế. Bộ GD&ĐT có thống kê được số liệu giáo sinh ra trường không?..., Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016 -2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 21/8 tại 64 điểm cầu trực tuyến, ông Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đưa ra một số kiến nghị đối với Bộ GD&ĐT. Trong đó, với kỳ thi THPT quốc gia, ngành giáo dục tỉnh Nam Định đề xuất tiếp tục giữ ổn định phương thức tổ chức thi trong những năm tiếp theo, chỉ nên điều chỉnh kỹ thuật, tránh thay đổi lớn gây khó khăn cho học sinh. 

Kiến nghị thứ hai là rà soát lại hệ thống các trường ĐH, CĐ. “Có thể nói, bậc giáo dục phổ thông đã bàn giao cho các trường ĐH những học sinh tốt nhưng sau khi tốt nghiệp ĐH, nhiều tân cử nhân không đáp ứng yêu cầu, thất nghiệp. Vậy đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT xem xét lại bậc học ĐH để tránh lãng phí” – ông Trần Lê Đoài phát biểu.

Cũng theo ông Đoài, với ngành sư phạm, có thể dự báo nhu cầu xã hội khá chính xác. Song những năm qua, quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên và không căn cứ nhu cầu, đào tạo chồng lấn nhiệm vụ của các trường CĐ sư phạm dẫn đến tình trạng giáo viên vừa thừa, vừa thiếu; các trường CĐ sư phạm đứng trước nguy cơ giải thể/ Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT xem xét những bất cập này.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cho rằng đề án ngoại ngữ 2020 đã tạo ra một bước chuyển trong dạy và học ngoại ngữ tại các địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, với cách thi như hiện nay là thi theo chương trình cũ nên không phát huy được những cái mới mà đề án đang hướng tới. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để đổi mới cách đánh giá học tiếng Anh của học sinh trong thời gian tới.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định thì đề nghị Bộ GD&ĐT cần xem xét giảm bớt điểm ưu tiên khu vực để tạo công bằng cho thí sinh trong xét tuyển ĐH.

Đứng về phía các trường ĐH, ông Hoàng Minh sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng kỳ thi THPT quốc gia nên tiếp tục được giữ ổn định. Nhưng cần sửa những bất cập như bài tổ hợp thay vì 3 môn/3 bài thì chỉ còn 1 bài là đủ.

Không có ngành nào lại biết trước nhu cầu nhân lực cụ thể như ngành giáo dục. Có phòng giáo dục, có sở giáo dục, nắm được số liệu dân cư trên địa bàn, dự báo được tình hình, biên chế cần thiết giáo viên từng môn, từng cấp. Câu chuyện để thừa giáo viên dẫn đến nhiều hệ lụy. Thừa bao nhiêu giáo viên sao Bộ GD&ĐT không có chương trình bồi dưỡng? 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam 

Phát biểu tại Hội nghị, GS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội cho rằng thi phổ thông là để công nhận học sinh tốt nghiệp sau 12 năm học. Còn tuyển sinh là chuyện của các trường ĐH, tùy theo yêu cầu của từng trường mà có cách tuyển phù hợp. Lấy thi phổ thông để áp dụng tuyển sinh ĐH là rất khó.

“Thi phổ thông là dành cho đa số nên chuyện các em thi phổ thông đạt 28 điểm, cộng điểm ưu tiên lên trên 30 điểm là bình thường. Còn thi ĐH là tuyển những em có năng lực nhất định vào ngành nghề cần đào tạo” – GS. Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành giáo dục cần tập trung khâu ra đề tốt hơn. Theo Phó Thủ tướng, tuyển sinh là tự chủ của các trường ĐH. Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT đủ trung thực để  cung cấp dũ liệu tin cậy cho các trường tham khảo tuyển sinh. Với tinh thần vì học sinh, Phó thủ tướng cho rằng có nhất thiết phải chia nhỏ hai bài thi tổ hợp không?  Mục đích của việc chia nhỏ này là đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của các trường ĐH.  Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu cần xem xét lại bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia tới.

Đối với ngành sư phạm, Phó Thủ tướng cho rằng nếu chế độ đãi ngộ giáo viên chưa thể điều chỉnh ngay theo mong muốn nhưng nếu ra trường có việc làm thì ngành sẽ vẫn hấp dẫn người học hơn rất nhiều.

Phó Thủ tướng khẳng định không có ngành nào lại biết trước nhu cầu nhân lực cụ thể như ngành giáo dục. Có phòng giáo dục, có sở giáo dục, nắm được số liệu dân cư trên địa bàn, dự báo được tình hình, biên chế cần thiết giáo viên từng môn, từng cấp. Câu chuyện để thừa giáo viên dẫn đến nhiều hệ lụy. Thừa bao nhiêu giáo viên sao Bộ GD&ĐT không có chương trình bồi dưỡng? Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT bàn với Bộ Nội vụ thống nhất vấn đề này để giải quyết.

“Nhưng thực tế hiện nay, sinh viên sư phạm tốt nghiệp không xin được việc. Phải nói thẳng là “chạy việc” khó. Thậm chí nhiều giáo viên phải “mai phục” bằng dạy hợp đồng tại các trường để chờ cơ hội vào biên chế. Bộ có thống kê được số liệu giáo sinh ra trường không? Có chứ, để định hướng từng địa phương.  Các trường CĐ sư phạm tại địa phương sẽ làm nhiệm vụ đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ này, không cần phải đào tạo mới. Cái này phải làm ngay” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

MỚI - NÓNG