Lộ sai phạm tại “lò” đào tạo tiến sĩ

TP - Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội. 

Theo đó, hai năm 2015, 2016, Học viện cho ra lò 2.811 thạc sĩ. Trong khi đó học viện không có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về công tác đào tạo trình độ thạc sĩ vào tháng 12 hàng năm theo quy định của Bộ.

Đối với chỉ tiêu đào tạo, năm 2015, Học viện tự xác định chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ là 350, 1.600 thạc sĩ. Năm 2016, chỉ tiêu gồm 400 tiến sĩ và 1.600 thạc sĩ. Tuy nhiên, trong kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT cho thấy, đội ngũ giảng viên cơ hữu được Học viện kê khai để xác định chỉ tiêu tuyển sinh bao gồm các cán bộ nghiên cứu của toàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (gồm cả cán bộ của Học viện KHXH và cán bộ của các Viện, các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội). Học viện kê khai có 21 GS, 184 PGS, 249 TS.

Nhưng qua kiểm tra, cho thấy số lượng  thực tế có chênh lệch giảm 10 PGS so với số lượng Học viện đã báo cáo. Đội ngũ giảng viên của Học viện KHXH tại thời điểm tháng 01/2017 có 7 PGS và 17 TS (khối ngành III có 3 PGS, 6 TS; khối ngành VII có 4 PGS, 11 TS).

Như vậy, căn cứ theo quy định Thông tư 32 của Bộ GDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2017 của Học viện KHXH còn 86 chỉ tiêu (33 chỉ tiêu khối ngành III và 53 chỉ tiêu khối ngành VII), không còn chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ của khối ngành I và trình độ tiến sĩ của tất cả các khối ngành.  Trong khi đó, Học viện tự xác định  chỉ tiêu thạc sĩ năm 2017 là 1.600.

Cũng tại bản kết luận, Thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định năm 2017, thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 32, Học viện không còn năng lực tuyển sinh trình độ tiến sĩ và trình độ thạc sĩ khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên).

Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ  năm 2015 Học viện phân công nhiều hướng dẫn nghiên cứu sinh vượt quá số lượng quy định của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, GS.TS Võ Khánh Vinh hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh. TS Phạm Hữu Nghị hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh, PGS.TS Nguyễn Như Phát hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, PGS.TS Hồ Sỹ Sơn mỗi người hướng dẫn 9 nghiên cứu sinh...

Không những thế, kiểm tra danh sách hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành quản lý giáo dục (năm 2015) cho thấy có nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn chưa đúng quy định. PGS.TS Lê Phước Minh là tiến sĩ ngành Kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh Trần Thị Lan Thu chuyên ngành Quản lý giáo dục; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn được phân công hướng dẫn đồng thời 3 nghiên cứu sinh ngành kinh tế trong cùng năm; TS Nguyễn Thị Song Hà ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh ngành Dân  tộc học.

Kiểm tra xác suất  5 hồ sơ nghiên cứu sinh cho thấy có 3/5 hồ sơ nghiên cứu sinh có bằng thạc sĩ không phải là ngành đúng và ngành phù hợp với ngành/chuyên ngành nghiên cứu sinh đang học hoặc đã tốt nghiệp.

Với nhiều sai phạm liên quan đến đào tạo, thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị đối với Học viện kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm trong kết luận thanh tra. Đối với  Học viện  Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam  cần làm rõ đặc thù trong việc sử dụng cán bộ khoa học của toàn Việt hàn lâm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện và địa điểm đào tạo Học viện gửi Bộ GD&ĐT để thực hiện thống nhất theo quy định.

MỚI - NÓNG