PGS Nguyễn Văn Nhã: Sàng mà vẫn đỗ 99% thì làm sàng để làm gì

PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, Nguyên trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội
PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, Nguyên trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội
TPO - Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - nguyên trưởng ban đào tạo trường ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá kỳ thi "hai trong một" chỉ phù hợp cho học sinh tốt nghiệp THPT còn việc xét tuyển vào đại học là chưa ổn.    

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ GD&ĐT ngày 21/8, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chỉ ra nhiều vấn đề của kỳ thi THPT quốc gia và đề xuất tách hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học.

Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, Nguyên trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Kỳ thi 2 trong 1: “Tuyệt vời lắm cũng không hẳn, mà nói xấu lắm bỏ đi thì cũng không nên”

PV: Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, ông đánh giá  kỳ thi "hai trong một" có đáp ứng được vừa xét tuyển ĐH vừa xét tốt nghiệp không, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Văn Nhã: Cái đó chưa nên đánh giá vội, có đáp ứng hay không phải tùy theo góc độ.

Nhưng tôi ủng hộ thi theo đánh giá năng lực bởi vì trong tổ chức một kì thi với hơn 1 triệu người thì theo hình thức nay sai sót là ít nhất, chấm nhanh nhất. Nhưng gọi đánh giá năng lực thì phải có phần tự luận nữa.

Thi theo kiểu trắc nghiệm thì không thể gọi là đánh giá theo năng lực được.
Tổ chức thi trắc nghiệm cho hơn 1 triệu người thì rất nhanh, đỡ tốn trong công tác chấm thi và sử dụng công nghệ thông tin phù hợp với thời đại. Ưu điểm của nó là thế đấy.

PV: Vậy theo ông, các môn để đánh giá năng lực của thí sinh, bài thi ngoài phần trắc nghiệm, phần thi tự luận nên chiếm bao nhiêu %?

Cái đấy tùy môn và yêu cầu của từng môn. Môn nào cần đánh giá học sinh phải thông minh thì bắt buộc phải có thi tự luận, nhưng như môn ngoại ngữ chẳng hạn thì không cần phải có phần tự luận.

PV: Có ý kiến cho rằng, đề thi chưa chuẩn hóa và khó đáp ứng để lựa chọn học sinh giỏi vào đại học, ý kiến của ông thế nào?

Không hẳn là như vậy. Nói một cách khác ngay trong đạo đức xã hội không có cái gì xấu hoàn toàn, cái gì tốt hoàn toàn mà bao giờ vấn đề cũng có 2 mặt của nó. Hãy nhìn mặt tốt và cả mặt xấu để rút kinh nghiệm. Nói kì thi tuyệt vời lắm cũng không hẳn, mà nói xấu lắm bỏ đi thì cũng không nên.

PV: Vậy theo ông, kì thi vừa qua được gì và điều gì cần phải thay đổi?

Thứ nhất, kì thi đó gọn nhẹ, không gây sức tải cho các thành phố lớn, giảm tải cho xã hội, mọi người đều hoan hỉ cả.

Nhưng kì thi đó chỉ phù hợp cho học sinh được tốt nghiệp THPT còn việc xét tuyển vào đại học lại là việc khác.

Ghép hai kì thi là không phù hợp

PV: Nhiều ý kiến cho rằng nên tách kì thi ĐH, CĐ và tốt nghiệp THPT. Ý kiến của ông như thế nào?

Thi THPT quốc gia có thi hay không là nhiệm vụ của các Sở GD&ĐT. Quy trình đạo tạo phổ thông  đầu vào, đầu ra phải có “hàng rào” để nói em học sinh đó đã đủ khả năng tốt nghiệp không. Còn bây giờ ghép kì thi 2 trong 1 là không phù hợp. Như trong các món ăn thì chuyên hàng bún- phở- cháo thì các món này đạt nhưng ăn món lẩu trong đó chắc chắn sẽ không đạt.

Tuyển sinh là trách nhiệm của các trường đại học. Người ta phải chịu trách nhiệm đầu vào. Tùy theo khả năng, chất lượng của họ mà họ tuyển sinh theo tiêu chí khác nhau. Đó là một khâu trong quá trình đào tạo của các trường đại học. Cái đó Bộ cứ làm hộ, còn các trường thấy thế an nhàn, sung sướng hay cứ nói cần cải tiến kĩ thuật tý là xong. Các trường không cần làm gì cả mà nhà nước tuyển hộ.

Nhưng ít nước trên thế giới làm theo kiểu này nữa.

PV: Theo ông, một kỳ thi đại học đúng nghĩa cần phải đáp ứng những tiêu chí gì?

Câu hỏi quan trọng nhất là bạn có đủ năng lực là sinh viên của trường tôi hay không.

Bạn có đạo đức không, có trình độ là đã tốt nghiệp THPT, học bạ tốt, quá trình học tập có ngoan không? Nếu trường đó chỉ đào tạo về Toán- Lý- Hóa thì không cần phải Văn- Sử- Địa, ngoại ngữ nhiều. Nếu trường đẳng cấp quốc tế thì chắc chắn Ngoại ngữ phải đạt 6 hay 8.0 IELST chẳng hạn. Còn trường không cần ngoại ngữ thì mang ngoại ngữ ra để làm gì.

Tất cả phải do mục tiêu đào tạo, mục tiêu của trường là đào tạo ra con người như  thế nào. Chứ bắt phát triển một con người toàn diện thì khó lắm. Thi vào kiến trúc thì chỉ cần vẽ giỏi, có khả năng vẽ thì duyệt cho vào học, còn không vẽ giỏi mà Toán giỏi thì cũng không tuyển vào làm kiến trúc sư.

“Sàng” rồi mà đỗ vẫn 99% thì làm sàng để làm gì?

PV:  Như vậy, chúng ta có nên bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT không, thưa ông?

Bất cứ một quá trình đào tạo nào cũng phải tổ chức thi cử. Nếu như học mà không thi kể cả ngắn hạn thì cái đó giống như trò cho không, chỉ đi nước ngoài 7 ngày xong về có chứng chỉ workshop (trao đổi kiến thức) thì chả có tác dụng gì. Nhưng nếu em tổ chức kì thi nào đó, có bài kiểm tra đánh giá năng lực tự nhiên sẽ khác hẳn. Người được cấp chứng chỉ người ta vui vì được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. 

Nhân loại từ trước đến nay đều tổ chức thi. 

Kì thi tốt nghiệp THPT như cái “sàng” ý và cái “sàng” này phải làm sao cho tốt. Sàng mà lắc đi lắc lại rồi mà cả thóc, cả gạo cùng xuống, không còn gì. Sàng rồi mà đỗ vẫn 99% thì làm sàng để làm gì, không cần thiết. 

Sàng đó là sàng vớ vẩn, sàng lỗi! Còn sàng phải thóc ra thóc, gạo ra gạo, chấu ra chấu mới là sàng tốt. Người làm ra đề thi là làm sao làm được điều đó mới chuẩn.

“Hãy để họ tự trách nhiệm với trường của họ”

PV: Vậy nếu lại để cho các trường tự tổ chức thi ĐH như trước đây thì sẽ về vòng luẩn quẩn như 15 năm về trước, thưa ông?

Đừng nghĩ là các trường đại học tự tổ chức là các trường lại đi tuyển sinh như trước đây. Bây giờ cách mạng 4.0 đã đến cửa nhà mọi người rồi mà mình lại cứ lại mang dùi đục đi thì không được. 
Tuyển sinh là đánh giá cả quá trình. Các trường tiên tiến trên thế giới người ta xem học bạ, xem học sinh qua thư giới thiệu của một giáo sư, thầy nào đó và còn phải qua vòng phỏng vấn  nữa.

Chính hiệu trưởng ĐH Oxford (Anh) khi tôi tham dự bàn về giáo dục, ông có nói rằng trong khi tuyển sinh ông chỉ hỏi: Bạn có đủ khả năng vào học trường tôi hay không? Vậy chỉ với câu đấy, phòng đào tạo lo điểm tuyển sinh đầu vào, phòng tài chính lo nhà người ta có đủ tiền để trả học phí hay không. Đấy, mỗi thứ phải kiểm tra chứ tuyển sinh đâu phải chỉ có một việc. 

PV: Theo ông, Việt Nam có thể áp dụng tuyển sinh như các nước trên thế giới như nói ở trên?

Cái này phụ thuộc vào hiệu trưởng của các trường. Đã giao quyền tự chủ rồi thì để họ có trách nhiệm với trường của họ, chất lượng của họ chứ đừng làm thay nhau. Các hiệu trưởng họ thông minh lắm, họ rất biết họ đang làm gì.

PV: Vậy, nếu được đưa ra một cách xét tuyển vào ĐH của trường mình, ông sẽ làm thế nào?

Tại sao thi bằng lái xe ô tô và xe máy không phải một đợt mà thi quanh năm được. Tại sao khám sức khỏe, đi bộ đội hay đi nước ngoài, khám quanh năm được. Không đủ sức khỏe thì về bồi dưỡng rồi khám lại. Tại sao người ta tổ chức được việc đó, vì có trung tâm lo việc thi cử ấy. 

Ngoại ngữ đạt 7.0 IELST là đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài thì họ đâu có rầm rộ đến trung tâm để thi một đợt đâu. Họ thi lúc nào được, nhưng bằng đó 3 năm hết hạn. Mình cũng làm thế trong tuyển sinh, sao mà không được.

Theo tôi, phải có tư tưởng đột phá, tư tưởng đổi mới, áp dụng công nghệ mới. Tất cả các trường đã sẵn sàng rồi, chỉ một điều họ không được giao nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.