Quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo

Quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo
“Để giải quyết tiêu cực trong dạy thêm học thêm, cần phải vừa thực hiện giải pháp quyết liệt trước mắt, vừa thực hiện giải pháp căn cơ, lâu dài” - ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, bày tỏ quan điểm sau hai tháng triển khai thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm.

Vụ bắt dạy thêm như bắt trộm:

Quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo

>Bắt dạy thêm như bắt trộm

Ông Bằng chia sẻ:

Thông tư số 17 quy định về dạy thêm học thêm (DTHT) với nhiều nội dung mới, quan trọng về nguyên tắc DTHT, các trường hợp DTHT, tổ chức DTHT, thủ tục cấp phép, trách nhiệm quản lý... đã tạo khung pháp lý để quản lý DTHT lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thật của xã hội, hạn chế, tiến tới loại bỏ hành vi DTHT mang tính tiêu cực. Nhiều nơi đã chủ động triển khai, bước đầu chấn chỉnh tốt hoạt động DTHT. Song còn có nơi băn khoăn, thậm chí cho rằng khó thực hiện một số điểm của thông tư.

Đã có nơi cấm DTHT tuyệt đối. Thậm chí một vài địa phương lại thực hiện những giải pháp được xem là thô bạo với nhà giáo và phản cảm trong mắt học sinh như thành lập đoàn kiểm tra, bao gồm cả công an để “bắt quả tang giáo viên dạy thêm”. Đó có phải là “giải pháp quyết liệt” cần thiết không, thưa ông?

"Tinh thần thông tư 17 không cấm việc dạy thêm học thêm. Dạy thêm đúng quy định, đáp ứng đúng nhu cầu học thật và dạy có chất lượng thì không nên cấm và không thể cấm" - Ông Nguyễn Huy Bằng

DTHT trái quy định thực chất là hành vi vi phạm pháp luật, cần được phát hiện kịp thời, xử lý đúng quy định pháp luật. Vi phạm này tồn tại dai dẳng nhiều năm, phải có giải pháp vừa quyết liệt, vừa căn cơ. Tuy nhiên, quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo.

Tôi không đồng tình với cách “đi bắt giáo viên dạy thêm” thô bạo như Tuổi Trẻ phản ánh bởi phản giáo dục. Không chỉ học trò mà xã hội sẽ nhìn nhận hình ảnh người thầy méo mó. Giáo dục cần có môi trường sư phạm với quan hệ đặc biệt giữa thầy và trò. Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra là cần thiết với kết luận rất cụ thể, song không thể dùng giải pháp hạ thấp danh dự của thầy cô như việc lập biên bản hoặc có lời lẽ nặng nề trước mặt người học. Cũng không nên tổ chức đoàn rầm rộ, gây hoang mang học sinh trong và ngoài trường.

Cái khó với nhà quản lý giáo dục là làm sao phân biệt được dạy thêm có chất lượng, theo nhu cầu thật với dạy thêm mang màu sắc tiêu cực. Đây cũng là một phần lý do khiến nhiều nơi thực hiện thông tư 17 một cách cực đoan và có phần thô bạo. Ông nghĩ sao về nhận định này?

DTHT cần được phân tích ở cả khía cạnh tích cực và tiêu cực. Vấn đề này cần được thông tin rõ ràng để xã hội cùng biết, đánh giá công bằng và cùng góp ý, hiến kế khắc phục bất cập. Tại hội nghị giao ban giáo dục năm thành phố trực thuộc trung ương, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) nói sau khi được phổ biến thông tư 17, các thầy cô giáo có dạy thêm ở nhà, tại các trung tâm đều đến đăng ký với nhà trường và cam kết sẽ thực hiện đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực.

Dư luận bức xúc nhất trong thời gian qua có lẽ tập trung nhiều vào việc DTHT tiểu học. Kết quả thanh tra tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy tình trạng này là không ít. Với chương trình và yêu cầu của Bộ GD-ĐT hiện nay, học sinh tiểu học đã học hai buổi/ngày tại trường thì không được dạy thêm với bất cứ hình thức nào. Kể cả có sự đồng tình từ phụ huynh, việc dạy thêm đối tượng này cũng không được làm. Quy định trong thông tư 17 với đối tượng học sinh tiểu học cũng rất rõ.

Có giáo viên nói việc học thêm là nhu cầu tự nguyện và thực tế các cháu đi học thêm thường có kết quả học tập cao hơn. Ông có đồng quan điểm như vậy không?

Tâm lý nhiều phụ huynh cũng sốt ruột khi thấy con mình không đi học thêm thì điểm trên lớp thấp hơn bạn học thêm. Người tìm hiểu kỹ hơn thì nói có nơi cô tổ chức dạy trước, hôm sau đến lớp hỏi, các cháu biết rồi nên điểm cao, cháu không đi học thêm không biết nên điểm thấp?!

Nếu có như vậy là vi phạm quy định rồi. Cô tổ chức dạy thêm nói “không bắt buộc”, nhưng khoảng cách điểm số của các em buộc phụ huynh phải có “nhu cầu”. Học thêm và không học thêm có thể tạo ra chút lệch về điểm số và bị ngộ nhận là người đi học thêm sẽ giỏi hơn người không học thêm. Cái “giỏi hơn” ấy không có giá trị thực tế.

Cuộc chạy đua này có nguyên nhân từ phía phụ huynh. Do đó, việc “không dạy thêm cho học sinh tiểu học” không chỉ thực hiện nghiêm với thầy cô mà còn phải tuyên truyền cho phụ huynh.

Nhưng ở bậc trung học chương trình quá tải, thi cử nặng nề, trình độ giáo viên không đồng đều nên nhu cầu học thêm là có thật. Làm cách nào xử lý tiêu cực dạy thêm nhưng không ngăn cản quyền được học, được lựa chọn thầy, cô tốt của học sinh?

Tôi cho rằng cần thực hiện ngay và nghiêm việc thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên trong các nhà trường, thanh tra cả nội dung DTHT, để nhà giáo dạy ở các lớp học thêm kiểu gì cũng không được dạy trước chương trình, thầy giáo trên lớp cũng dạy đúng chương trình. Làm việc này thường xuyên sẽ ngăn được giáo viên cắt xén giờ chính khóa để dạy bên ngoài, hoặc không làm đúng nhiệm vụ, có hành vi sai trái ép học sinh học thêm.

Giáo viên có thể dạy cho các trung tâm hay do cá nhân tổ chức nhưng phải đảm bảo những yêu cầu như thông tư 17 quy định. Việc thanh tra không chỉ để chấn chỉnh sai phạm mà còn tư vấn, hướng dẫn, giúp các địa phương, các nhà trường, thầy cô giáo tháo gỡ vướng mắc và thực hiện đúng các quy định DTHT.

Quản lý dạy thêm: nên giao cho hiệu trưởng

* DTHT là nhu cầu có thật, khó có thể cấm được việc này. Cách hay nhất là đưa về cho hiệu trưởng các trường quản lý. Hãy để giáo viên thoải mái đăng ký với hiệu trưởng: dạy thêm ở đâu, thời gian ra sao, sĩ số học sinh, học phí như thế nào… ban giám hiệu trường sẽ dễ dàng nắm được giáo viên đó giảng dạy có chất lượng hay không (thông qua bài vở của học sinh hoặc từ thực tế kiểm tra). Trong nhà trường, ban giám hiệu cũng dễ dàng nhắc nhở, giáo dục tư tưởng…cho giáo viên hoặc nhân rộng những gương điển hình về dạy thêm,…

Bà Võ Ngọc Thu (trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, TPHCM)

* Dạy thêm hiện tồn tại cả hai mặt tích cực và tiêu cực: đối với những giáo viên giỏi thì dù họ ở chỗ nào phụ huynh cũng tìm ra và xin cho con em được học thêm. Đây là công việc làm thêm chính đáng của giáo viên trong khi mức lương vẫn chưa đủ sống. Mặt tiêu cực là có một số giáo viên tìm cách ép buộc học sinh phải đi học với mình. Tuy nhiên, số giáo viên này rất nhỏ. Để quản lý số giáo viên này không khó, hãy giao về cho hiệu trưởng các trường. Từ thông tin của phụ huynh (bằng việc phản ảnh trực tiếp hay điện thoại, thư…), của học sinh (từ hộp thư “Điều em muốn nói”, phiếu thăm dò…), hiệu trưởng các trường sẽ biết ngay giáo viên nào tiêu cực và ngược lại. Nếu gặp trường hợp tiêu cực thì khống chế bằng cách bố trí lại số tiết dạy của giáo viên, làm sao để “trong tay” giáo viên này có càng ít (hoặc không có) học sinh chính khóa càng tốt. Khi không có học sinh trong tay thì làm sao giáo viên ép buộc được các em học thêm?

Ông Đặng Thanh Tuấn (trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, TP.HCM)

Theo Vĩnh Hà – Ngọc Hà
Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG