Người đàn ông biến rác thành vàng

Doanh nhân Mostafa Hemda. Ảnh: BBC
Doanh nhân Mostafa Hemda. Ảnh: BBC
Mostafa Hemdan kiếm sống bằng việc biến rác thải thành vàng, nhưng con đường tới thành công của anh đầy chông gai.

Theo BBC, Hemdan, 25 tuổi, là người sáng lập ra công ty Recyclobekia ở Ai Cập, một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở khu vực Trung Đông tái chế rác thải điện tử.

Anh bắt đầu sự nghiệp của mình cách đây 5 năm, tại nhà để xe của bố mẹ  ở Tanta, thành phố cách thủ đô Cairo 90 km về phía bắc. Lúc đó Hemdan là một sinh viên ngành kỹ thuật và cùng với 19 sinh viên cùng trường, anh tham gia cuộc thi kinh doanh có tên Injaz Egypt.

Giải thưởng cho người chiến thắng là 10.000 USD để khởi nghiệp. Hemdan phải nghĩ ra đề xuất kinh doanh của chính mình và ý tưởng đã tới trong một lần anh xem tivi.

"Tôi đang xem một bộ phim tài liệu nói về tái chế đồ điện tử và nhận ra rằng có rất nhiều tiềm năng trong việc chiết xuất kim loại từ bo mạch chủ như vàng, bạc, đồng và bạch kim. Đây là một nền công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ nhưng chưa có ai ở Trung Đông làm vậy".

Đó là lúc mà ý tưởng về Recyclobekia ra đời và Hemdan đã bắt tay vào thực hiện để chiến thắng cuộc thi.

Tên của công ty xuất phát từ tiếng Arab ở Ai Cập "roba bekya" có nghĩa là "đồ cũ", từ này thường xuyên xuất hiện trên đường phố ở Cairo, nơi những người bán hàng cũ thu mua đồ dùng gia dụng bỏ đi.

Hiện doanh nhân người Ai Cập này có 20 nhân viên làm việc tại 4 nhà kho và bán được 2,4 triệu USD rác điện tử mỗi năm.

Trên đường tới thành công, Hemdan đã phải vượt qua nhiều trở ngại, bao gồm việc không hoàn thành đơn hàng, tự gây áp lực cho bản thân và bối cảnh biến động chính trị và bất ổn xã hội ở Ai Cập kể từ sau mùa xuân Arab.

Đơn hàng đầu tiên

Khởi nghiệp năm 2011, Hemdan bước chân vào kinh doanh khi đặt quảng cáo trên trang web thương mại điện tử toàn cầu Alibaba. Đơn hàng đầu tiên của Recyclobekia là của một khách hàng ở Hong Kong đặt 10 tấn đĩa cứng.

"Lúc ấy tôi thậm chí còn không biết mình gom ở đâu cho đủ số lượng ấy, nhưng tôi đã đồng ý", Hemdan nói. 

Để tìm nguyên liệu tái chế, anh đã chuyển tới Cairo, nơi có 17 triệu dân với 15.000 tấn rác mỗi ngày.

Hầu hết rác thải thành phố được xử lý bởi Zabbaleen, một cộng đồng những người nhặt rác theo đạo Thiên Chúa sống ở Mokattam, đông nam Cairo và được phân loại các thành phần một cách tỉ mỉ để bán lại nhựa, giấy và kim loại.

Người đàn ông biến rác thành vàng ảnh 1

Cộng đồng Zabbaleen sống nhờ thu mua rác thải ở Cairo. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, những người Zabbaleen không thu nhặt rác điện tử như máy tính cũ hoặc máy in. Bởi vậy, Recyclobekia gom những loại rác như vậy về công ty. Để hoàn thành đơn hàng đầu tiên từ Hong Kong, Hemdan nhận ra rằng anh phải có được trong tay 15.000 USD nhưng đó là trước khi anh thắng giải Injaz Egypt. Thay vào đó, để đảm bảo số tiền cần có, Hemdan đã xoay xở để thuyết phục một giảng viên đại học cho anh vay tiền, đổi lấy 40% lợi nhuận từ đơn hàng đầu tiên. Bốn tháng sau, việc giao hàng đã được hoàn tất.

Trở ngại

Việc chiến thắng cuộc thi kinh doanh đã giúp cho Recyclobekia đảm bảo được vốn đầu tư để mở rộng kinh doanh, bao gồm 120.000 USD từ hai nhà đầu tư nổi tiếng người Ai Cập, Khaled Ismail và Hussein el Sheikh. Hai người này đang nằm trong hội đồng quản trị của công ty.

Tuy nhiên, việc đầu tư ngay từ ban đầu đã trở nên bất ổn.

"Đây là lúc vấn đề bắt đầu", Hemdan nhớ lại, nhấn mạnh "làm việc với những ông lớn trong khi bạn không biết làm thế nào để điều hành một công ty" có thể dẫn tới sai lầm.

Sai lầm của Hemdan là mở rộng kinh doanh quá nhanh và đánh giá nhầm số lượng rác có thể thu gom. Mặc dù đã hợp tác với nhiều công ty để mua lại rác nhưng số lượng rác họ bán ra thấp hơn nhiều so với dự kiến của Recyclobekia, trong 6 tháng chỉ thu được 6 tấn, quá thấp so với dự định. Để khắc phục tình trạng này, Hemdan đã nhận ra rằng anh cần phải nhanh chóng cải thiện kiến thức của anh về một nền công nghiệp đang trong giai đoạn trứng nước ở Ai Cập.

Bởi vậy, anh đã bay tới Hong Kong để học hỏi một công ty tái chế ở đây. Chuyến đi đã khiến cho Hemdan nhận ra rằng anh phải thay đổi mô hình kinh doanh của Recyclobekia. Ở thời điểm đó, công việc của công ty anh đó là thu gom những đồ điện tử cũ và gửi chúng tới người mua ở Hong Kong. Sau đó họ sẽ đập vỡ rác, phân loại nguyên liệu rồi bán chúng cho những công ty khác để đun chảy và chiết xuất kim loại.

Hemdan nhận ra rằng Recyclobekia có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu cắt bớt được bước trung gian và tự làm công việc tháo rỡ. Giá rác có thể sẽ được cải thiện nếu được đập vỡ và phân loại sẵn.

Sau đó, anh chấm dứt đơn hàng với Hong Kong và ký kết với một công ty chiết xuất ở Đức. Điều này cũng làm giảm chi phí vận chuyển hàng cho Recyclobekia.

Bất ổn xã hội

Nhưng khi Hemdan đang chuẩn bị bay chuyến đầu tiên tới châu Âu thì anh gặp phải một chướng ngại vật khác.

"Nghĩa vụ quân sự là trở ngại lớn nhất cho việc xây dựng kinh doanh của tôi", Hemdan nói. Ở Ai Cập, tất cả đàn ông ở độ tuổi 18 - 30 đều phải nhập ngũ từ 1-3 năm.

Trong khi những sinh viên như Hemdan có thể trì hoãn cho tới khi học xong thì họ lại không được phép đi ra nước ngoài nếu không có sự cho phép đặc biệt của Bộ Quốc phòng.

"Theo luật thì tôi chỉ được phép đi ra nước ngoài trong kỳ đầu tiên của mỗi năm học, nghĩa là tôi phải trì hoãn các chuyến bay và đợi hết tháng".

Tháng 6/2013, Recyclobekia sắp sửa hoàn thành thoả thuận với một công ty đầu tư ở Đức nhưng một tháng sau, công việc bị đình trệ khi quân đội Ai Cập đã lật đổ cựu Tổng thống Mohamed Morsi.

"Báo chí nói rằng mọi con đường đều đã bị quân đội đóng cửa và những kẻ khủng bố thì đầy trên đường. Đó là một thảm hoạ đối với chúng tôi. Tới cuối năm 2013, chúng tôi đã mất gần hết vốn đầu tư mà mình đã nhận được", Hemdan nhớ lại.

Người đàn ông biến rác thành vàng ảnh 2

Tái chế rác thải điện tử là lĩnh vực kinh doanh của Recyclobekia. Ảnh: BBC

Cuộc đảo chính cùng với những biến động trong giá vàng đã đưa công ty đến bờ vực phá sản, nhưng các doanh nghiệp đã vượt qua bão tố bằng cách tìm kiếm các đối tác thay thế ở bên kia Đại Tây Dương, nơi cung cấp điều kiện thanh toán tốt hơn.

Hemdan đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh ra khắp Trung Đông. Doanh nhân này cũng đã gia nhập lực lượng với nhà bán lẻ trực tuyến châu Phi Jumia để cho phép người sử dụng đổi rác điện tử của họ lấy voucher mua sản phẩm khác.

Con O'Donnell, một nhà đầu tư chuyên cung cấp vốn cho các ý tưởng khởi nghiệp, đồng sáng lập sự kiện kinh doanh hàng đầu của Ai Cập, RiseUp Summit, nói: "Hemdan đã phạm phải sai lầm mà rất nhiều doanh nhân trẻ mắc phải. Nhưng anh ấy không thất bại mà học hỏi từ đó".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.