Siết quản lý game online và thuê bao di động bằng luật

Siết quản lý game online và thuê bao di động bằng luật
TPO – Tại cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân chiều 12 – 6, Bộ thông tin truyền thông cho biết, thời gian tới sẽ có luật về quản lý game online và thuê bao di động.

 > 'Chúng ta không có báo lá cải'

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trước những ý kiến cho rằng, game online đang phát triển mạnh và gây nhiều hậu quả khó lường cho xã hội như làm cho trẻ em mất phương hướng, ảnh hưởng đạo đức, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, game online là dịch vụ có tính hai mặt.

“Thứ nhất, nhiều game có nội dung lành mạnh là công vụ giải trí hiện đại và hấp dẫn, thậm chí nếu có tính giáo dục thì có thể giúp bổ sung tri thức, rèn luyện một số kỹ năng...

Ở góc độ đó, game online có đóng góp vào sự phát triển nội dung số và có tác động tích cực tới trẻ em, nhất là trong bối cảnh sân chơi cho trẻ em đang rất thiếu như hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những game online không lành mạnh, thậm chí là độc hại, có tác động tiêu cực rất mạnh tới tâm sinh lý người chơi, nhất là trẻ em.

Việc chơi game quá nhiều cũng có thể dẫn tới nghiện game và người chơi có thể tìm mọi cách thỏa mãn cơn nghiện, dẫn tới vi phạm pháp luật như bạn nói…

Ngoài ra, bên cạnh các trò chơi trực tuyến hợp pháp, cũng có còn những trò chơi bất hợp pháp và phần lớn có nội dung không lành mạnh, được cung cấp từ các máy chủ ở nước ngoài” – Ông Hải nói.

Theo ông Hải, từ thực tế đòi hỏi chúng ta phải có chế tài đề hạn chế tác động tiêu cực và phát huy tác dụng tích cực của game online.

Trước hết, phải tăng cường công tác thẩm định nội dung các trò chơi, đảm bảo trò chơi hợp pháp chắc chắn có có nội dung lành mạnh, khuyến khích phát triển trò chơi lành mạnh, mang tính giáo dục.

Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các vi phạm, kể cả việc sử dụng biện pháp kỹ thuật để hạn chế các trò chơi không lành mạnh, phạm pháp, các trò chơi từ nước ngoài…

Giải pháp tiếp theo là cung cấp nhiều các trò chơi lành mạnh, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực của game.

Thứ tư là xây dựng cơ sở dữ liệu chứng minh thư điện tử để có thể quản lý chặt chẽ hơn người chơi.

Giải pháp thư năm là tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chơi, của các cấp các ngành, đặc biệt là của gia đình và nhà trường trong vấn đề này.

“Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo dự thảo Nghị định về quản lý internet, trong đó nội dung về game online chiếm một vị trí quan trọng. Chúng tôi hi vọng vấn đề này sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới. “ – Ông Hải thông tin.

Thuê bao ảo, tin nhắn rác: Cần sự hỗ trợ của nhân dân

Về việc bùng nổ sim điện thoại di động, tình hình sim rác, tin nhắn rác, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định, đây là vấn đề rất nóng hiện nay.

“Thời gian qua, chúng ta đã phát triển bùng nổ về điện thoại di dộng. Trước kia, đây là dịch vụ xa xỉ, nhưng nay đã rất phổ biến, bình dân, ai cũng có thể tiếp cận. Hiện Việt Nam có 88 triệu dân nhưng có tới 130 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 122 triệu là trả trước, 8 triệu là trả sau. Thực trạng này khá ngược so với thế giới, khi các nước quy định rất chặt chẽ, phức tạp về việc sở hữu sim trả trước.” – Ông Son nói.

Người đứng đầu Bộ Thông tin truyền thông cũng nêu lên một thực tế, nhiều khi có sự cạnh tranh không lành mạnh khi nhà mạng thi nhau hạ giá… để thu hút thêm thuê bao trả trước.

“Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải chế tài quản lý, nhất là hiện tượng sim rác, và Bộ Thông tin và Truyền thông đã han hành Thông tư 04 quy định vấn đề này.

Thông tư nêu rất rõ, từ 1-6, tất cả mọi người muốn sử dụng dịch vụ sim trả trước phải có chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu và trong thời hạn 72h mà không kích hoạt thì sim sẽ bị khóa, nghiêm cấm sử dụng chứng minh thư của người khác để mua sim hoặc dùng chứng minh thư của mình mua sim cho người khác…” – Bộ trưởng Son cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Son, dù đã truyên truyền, người dân đã ủng hộ, nhưng vẫn còn không ít nhà mạng và đại lý vi phạm quy định của Thông tư 04 và từ 1-6, có rất nhiều thông tin về sai phạm này.

“Thời gian tới, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành, nhân dân ủng hộ chủ trương này. Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị các cấp các ngành tăng cường thanh tra giám sát để Thông tư sớm đi vào cuộc sống…” – Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông đề nghị.

Theo Viết
MỚI - NÓNG