Năng lực quản lý VSATTP chưa... đáp ứng yêu cầu

Năng lực quản lý VSATTP chưa... đáp ứng yêu cầu
"Nước tương chứa chất gây ung thư" là sự kiện đang được dư luận quan tâm. Tiến sĩ Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế - người trực tiếp chỉ đạo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ( VSATTP) thừa nhận : Năng lực quản lý VSATTP chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

>> Một sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng!
>> Toàn cảnh vụ nước tương nhiễm chất gây ung thư
>> TP HCM : Sản xuất nước mắm, thấy mà kinh ! 
>> Phát hiện đường hóa học bị cấm dùng trong nước mắm

>> Bánh phở formol : Phải cấm hành nghề vĩnh viễn!

Năng lực quản lý VSATTP chưa... đáp ứng yêu cầu ảnh 1
Khách hàng nghi ngờ về nước tương có chất  3-MCPD

Xin Thứ trưởng cho biết sự thật của việc mua bán và sử dụng nước tương có chất 3-MCPD quá mức cho phép xuất hiện trên thị trường?

Thứ trưởng Cao Minh Quang : Hệ thống Cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) của Ủy ban An toàn thực phẩm Liên minh Châu Âu gửi tới Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo ngày 3 tháng 4 năm 2007 về việc phát hiện lô hàng nước tương Chin-su được nhập khẩu vào thị trường Phần Lan do Công ty Vitecfood (Việt Nam) sản xuất có chứa 3-monoclo-1.2-propandiol (3-MCPD) với hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép.

Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các cơ quan hữu quan xét nghiệm 26 mẫu sản phẩm nước tương Chin-su trên thị trường nhưng đã không phát hiện có 3-MCPD.

Đồng thời, Đoàn kiểm tra đã xét nghiệm 221 mẫu với các sản phẩm nước tương khác và sản phẩm nước tương do Công ty Vitecfood sản xuất (trừ nhãn hiệu Chin-su), phát hiện 99 mẫu có 3-MCPD (10 mẫu là sản phẩm do Công ty Vitecfood sản xuất), trong đó 82 mẫu vượt quá giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

Xin thứ trưởng cho biết việc thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với các cơ sở vi phạm VSATTP như thế nào?

Trước mắt, Bộ Y tế đã có hàng loạt các công văn chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm nước tương không đạt tiêu chuẩn trên toàn quốc; đồng thời báo cáo về tình hình xét nghiệm và các nội dung triển khai liên quan đến chất 3-MCPD trong nước tương và công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng.

Ngày 1/6/2007, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra 30 cơ sở sản xuất và lấy 33 mẫu nước tương. Kết quả xét nghiệm 22 mẫu của 20 cơ sở cho thấy 18 mẫu của 17 cơ sở có chứa chất 3-MCPD vượt quá giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Sở đã xử lý 16 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 180 triệu đồng và đình chỉ sản xuất 1 cơ sở cũng như tổ chức tiêu hủy các sản phẩm không đạt yêu cầu.

Qua sự việc này, dư luận xã hội cho rằng năng lực quản lý đối với chất lượng VSATTP chưa ổn, ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?

Đúng vậy! Năng lực quản lý đối với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ Bộ đến các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Trước mắt, Bộ Y tế triển khai các biện pháp cấp bách, tăng cường giáo dục truyền thông về VSATTP; khẩn trương kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống quản lý;

thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh; tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý thật nghiêm các vi phạm; tăng đầu tư về ngân sách, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng được yêu cầu cơ bản kiểm soát VSATTP từ Trung ương đến cơ sở.

Bộ Y tế triển khai Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm lâu dài bằng công thức 1-3-6-9, gồm 1 mục tiêu, 3 phương châm hành động, 6 nguyên tắc hành động, 9 giải pháp.

Theo đó, mục tiêu là: Bảo đảm VSATTP phục vụ tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. 3 phương châm: Xã hội hóa các hoạt động vì chất lượng VSATTP, trong đó lãnh đạo và chính quyền các cấp, các đơn vị phải là người chủ trì. Tuyên truyền giáo dục là biện pháp trung tâm đi trước một bước trong các hoạt động vì chất lượng VSATTP.

Dựa trên những quy định của pháp luật, cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra thực phẩm và kiểm nghiệm thực phẩm. 6 nguyên tắc: Chính quyền chủ trì trong các hoạt động vì chất lượng VSATTP gắn với phát triển kinh tế địa phương; ngành y tế có vai trò tham mưu; ngành giáo dục tuyên truyền tới các đối tượng; huy động các ngành, các cấp tham gia; cam kết của chủ hộ, chủ cơ sở về việc thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; duy trì giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời.

Xin Thứ trưởng nói rõ hơn giải pháp của ngành?

Ngành y tế tập trung tăng cường năng lực quản lý nhà nước và xây dựng hệ thống tổ chức quản lý VSATTP hiệu quả từ trung ương đến địa phương; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thông tin và giáo dục truyền thông về VSATTP tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP; xây dựng và phát triển hệ thống kiểm nghiệm VSATTP tại các bộ, ngành và trên phạm vi cả nước; giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Ngành thiết lập chương trình phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; xây dựng hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tham gia hệ thống giám sát ô nhiễm thực phẩm và giám sát ngộ độc thực phẩm quốc tế; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến về lĩnh vực VSATTP; tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực VSATTP và cuối cùng là nâng cao mức đầu tư cho công tác VSATTP từ trung ương đến địa phương.

Có người cho rằng vấn đề VSATTP đang bị “thả nổi" và “cha chung không ai khóc'', ý kiến của Thứ trưởng thế nào?

Chúng tôi đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, gồm: Cục VSATTP, đại diện Bộ Công nghiệp, Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại), Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ Khoa học và công nghệ), Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), Viện Vệ sinh y tế công cộng, Viện Dinh dưỡng.

Với phương thức kiểm tra: Không thông báo trước. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, siêu thị có sản phẩm nước tương, dầu hào, xì dầu.

Bộ Y tế triệt để thực hiện các biện pháp trong Chỉ thị 06/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3/2007, thực hiện nghiêm quy định về điều kiện vệ sinh an toàn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện tuyệt đối không cho sản xuất kinh doanh.

Bộ Công nghiệp hướng dẫn chỉ đạo cho các doanh nghiệp cải tiến công nghệ sản xuất. Cần giám sát thực hiện tiền kiểm, hậu kiểm thường xuyên và xử lý nghiêm vi phạm. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng kiến thức VSATTP.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng !

Theo Nguyễn Thị Thúy
TTXVN

Theo bạn giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra có khả thi ? Hãy đề xuất cùng chúng tôi giải pháp của bạn.

MỚI - NÓNG