Vedan 'giết' sông Thị Vải

Vedan 'giết' sông Thị Vải
Phải mất ba tháng mật phục và trinh sát, cảnh sát môi trường mới bắt được quả tang Công ty Vedan xả trực tiếp nước thải ra môi trường không qua xử lý. Đây chính là bằng chứng không thể chối cãi ai đã góp tay và bằng cách nào “giết chết” dòng sông Thị Vải.

>> Đồng Nai : Chỉ 1/3 lượng nước thải công nghiệp được xử lý

Vedan 'giết' sông Thị Vải ảnh 1

Nhà máy Vedan sạch đẹp nhìn từ cổng trước - Ảnh: Tuổi trẻ

Ngày 14-9, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai Lê Viết Hưng nói: “Nước thải chưa qua xử lý nhưng Vedan dùng hệ thống bơm hai chiều, lén lút cho bơm nước thải thẳng ra sông Thị Vải là hành động không thể chấp nhận. Sở chưa biết Vedan xây dựng hệ thống bơm này vào lúc nào. Hành vi này rất nghiêm trọng, nó được xếp vào loại tội phạm về môi trường”.

Theo ông Hưng, thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường từng phát hiện Vedan gây ô nhiễm môi trường và xử lý vi phạm. Riêng Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai kiểm tra, xử phạt Vedan ba lần với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng.

Vedan 'giết' sông Thị Vải ảnh 2
Họng cống xả nước thải từ nhà máy Vedan ra sông Thị Vải - Ảnh: Tuổi trẻ

Từ giữa năm 2006, Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) đã phát hiện Công ty Vedan xả nước thải trực tiếp ra sông Thị Vải tại ba vị trí. Cục này kết luận: “Hiện tượng xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải rất khó kiểm soát, phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Thế nhưng, tình trạng xả nước thải vẫn tái diễn và lần này lại bị bắt quả tang.

Trưa 14-9, có mặt tại khu vực này, một tài xế thường chở cát ra vào ở cảng Gò Dầu A (ấp 1, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai), đưa chúng tôi đến họng cống mà Vedan lén lút xả nước thải ra sông.

Chúng tôi thấy miệng cống rộng khoảng 4m. Anh tài xế này nói: “Ban đêm lượng nước thải ra từ họng cống này rất nhiều. Nếu đứng gần không thể chịu được vì nước bốc mùi hôi thối. Việc này diễn ra công khai, nhiều năm nhưng không thấy ai xử lý mạnh tay. Giờ đây bắt quả tang Vedan xả nước thải cần xử lý nghiêm minh”.

Ông Phạm Minh Đạo - chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết: “Vụ việc này tỉnh rất quan tâm. Vedan có nỗ lực đầu tư bể sinh học xử lý nước thải nhưng nay sai phạm đến đâu, phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Hiện chưa thể nói gì thêm vì đã có Luật môi trường rồi nên hành vi sai phạm của Vedan đến đâu cũng phải căn cứ vào quy định của luật”.

Mật phục ba tháng mới bắt được quả tang

Ngày 14-9, đại tá Lương Minh Thảo - phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường - khẳng định hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của Công ty Vedan VN mới bị phát hiện là đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi xả nước thải có chứa nhiều chất độc hại chưa qua xử lý ra sông Thị Vải của đơn vị này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng ô nhiễm đến mức báo động của dòng sông này trong những năm qua.

Để kiểm tra và phát hiện các vi phạm tại Công ty Vedan, các trinh sát của Cục Cảnh sát môi trường đã phải trinh sát, mật phục khoảng ba tháng để thu thập các bằng chứng về hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường của VN. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát môi trường trước khi bắt quả tang vụ việc trên, chỉ tính riêng tại Công ty Vedan, có thời điểm đã thải ra sông Thị Vải khoảng 50.000m3 nước thải/ngày đêm.

Sau khi nắm được hành vi vi phạm của Công ty Vedan, sáng 8-9 lực lượng cảnh sát môi trường Bộ Công an và đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tài nguyên - môi trường đã kiểm tra nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN nằm tại huyện Long Thành, Đồng Nai.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện công ty đã lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật xả trực tiếp một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải. Chất thải bị đổ xuống sông chủ yếu là dịch thải lỏng chứa nước mật rỉ đường và các chất đặc sau khi chế biến từ các bể chứa lớn có dung tích 6.000-15.000m3. Hệ thống đường ống xả nước thải được thiết kế đi chìm, có trụ bơm cắm sâu xuống lòng sông Thị Vải, tránh không bị phát hiện.

Hệ thống xả nước thải của Công ty Vedan được lắp đặt không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Vedan chấm dứt việc xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, giữ nguyên hiện trạng để chờ xử lý.

Ngay sau khi bắt quả tang, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, đại diện lãnh đạo Công ty Vedan đã ký vào biên bản thừa nhận sự việc và các sai phạm của mình. Các cơ quan chức năng đã lấy mẫu chất thải để kiểm định, xác định mức độ vi phạm của công ty để xử lý.

Đại tá Lương Minh Thảo cho biết sau khi có kết quả kiểm định, cơ quan chức năng sẽ xem xét các điều kiện liên quan để quyết định hình thức xử lý hình sự hay hành chính đối với đơn vị này. Ông Thảo khẳng định hành vi xả chất thải ra sông của Công ty Vedan đã vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường của VN và các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật.

Chiều 14-9, quyền tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) Bùi Cách Tuyến cho biết Bộ Tài nguyên - môi trường đã cử hai đoàn thanh tra vào làm việc, phối hợp cùng cảnh sát môi trường để xử lý các vi phạm của các đơn vị gây ra ô nhiễm trên dòng sông Thị Vải, trong đó có vụ việc xảy ra tại Công ty Vedan VN.

Quan điểm của Bộ Tài nguyên - môi trường là sẽ xử lý nghiêm minh, doanh nghiệp nước ngoài tại VN phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tại VN.

Theo Tuổi trẻ

Nhiều năm đổ chất thải ra sông

Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN (Vedan) được thành lập theo giấy phép đầu tư số 171A/GP do Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch - đầu tư) cấp ngày 1-8-1991, với 100% vốn của Tập đoàn các xí nghiệp liên hợp Vedan Đài Loan.

Đến năm 1993, công ty này đã triển khai xây dựng nhà máy chế biến bột mì và sản xuất bột ngọt tại Khu công nghiệp Gò Dầu có diện tích 120ha ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai. Từ khi công ty đi vào hoạt động đã gây ảnh hưởng môi trường sinh thái và đời sống người dân xung quanh. Các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có Tuổi Trẻ, đã liên tục phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của công ty này. Có thể điểm lại một số cột mốc chính như sau:

* Tháng 10-1994, người dân các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) đòi bồi thường do nước sông Thị Vải ô nhiễm làm chết tôm, cá, gây thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng.

* Tháng 12-1994, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Sở KH-CN&MT Đồng Nai tiến hành điều tra, xử lý việc sản xuất gây ô nhiễm sông Thị Vải và các khu vực lân cận của Công ty Vedan.

* Tháng 6-1995, trong cuộc họp với đoàn chuyên gia của Cục Môi trường (Bộ Khoa học - công nghệ) và Sở KH-CN&MT Đồng Nai, Công ty Vedan thừa nhận đã gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải và khu vực lân cận. Công ty Vedan đồng ý bồi thường người dân huyện Nhơn Trạch hơn 7 tỉ đồng, huyện Long Thành gần 4,5 tỉ đồng, huyện Tân Thành hơn 7 tỉ đồng và huyện Cần Giờ (TP.HCM) hơn 2,7 tỉ đồng.

* Ngày 8-11-1995, kết quả cuộc họp do Sở KH-CN&MT Đồng Nai chủ trì với sự tham dự của đại diện các địa phương và Công ty Vedan đã chốt lại số tiền bồi thường chỉ 15 tỉ đồng nhưng dưới danh nghĩa “hỗ trợ phát triển ngư nghiệp”!

* Ngày 16-9-2002, Bộ KH-ĐT cấp phép điều chỉnh (lần thứ 11) chuẩn y việc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của Tập đoàn các xí nghiệp liên hợp Vedan Đài Loan trong Công ty Vedan cho Công ty Burghley Enterprises Pte Ltd (có trụ sở tại Singapore) theo hợp đồng ký ngày 5-8-2002.

* Tháng 6-2006, theo Cục Bảo vệ môi trường Bộ Tài nguyên - môi trường, kết quả năm đợt kiểm tra, khảo sát và lấy mẫu đột xuất phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm trong nước thải của Công ty Vedan cho thấy hầu hết các mẫu phân tích đều có các thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng và vi khuẩn vượt tiêu chuẩn. Tại đây còn có hiện tượng xả trực tiếp nước thải ra ngoài môi trường không qua xử lý...

* Ngày 8-9-2008, Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an và đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường bắt quả tang Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.

Theo N. Triều
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG