Bao giờ hết ngồi viện?

Bao giờ hết ngồi viện?
TP - “Nếu tôi đi khám với tình cảnh như thế thì cũng không chịu nổi”, lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi thị sát bệnh viện ở Hà Nội.

> Thuốc nào chữa quá tải cho bệnh viện ở Hà Nội?

“Kể cả ở châu Phi, tình trạng các bệnh viện quá tải cũng không như Việt Nam”, vẫn lời của Bộ trưởng Tiến khi thị sát bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Có thể có người đặt câu hỏi, trước nay bà Bộ trưởng khám bệnh ở đâu, hay chưa bao giờ bị bệnh? Tuy nhiên, những câu hỏi đại loại như thế không dẫn tới kết quả nào cả, còn dễ che lấp điều đáng kể: Bộ trưởng đã nhìn thấy, đã rất bức xúc trước thực trạng của chính ngành mình.

Người lãnh đạo nhìn thấy thực tế thì hy vọng có giải pháp đúng cho các vấn đề. Bộ trưởng Tiến còn nói, đất cho sân golf, dự án đô thị thì dễ dàng, bao nhiêu cũng có, còn đất cho bệnh viện thì rất khó khăn. Tầm nhìn không còn trong khuôn viên bệnh viện nữa mà đã rộng ra ngoài, ít nhất đến trụ sở chính quyền các địa phương.

Khi họp với lãnh đạo Hà Nội, Bộ trưởng Tiến gợi ý, xây dựng các bệnh viện tuyến huyện thành vệ tinh của những bệnh viện lớn, những bệnh viện có thương hiệu. Trước đó, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đề xuất: “Việc chuyển giao chuyên môn cho bệnh tuyến dưới chưa tạo được sự tin tưởng ở người bệnh, mà cần có bệnh viện cơ sở hai, bệnh viện vệ tinh của bệnh viện tuyến trên tại các tỉnh mới giúp người bệnh tin tưởng điều trị”.

Hãy nhìn từ cấp huyện trở xuống, trước năm 2008, trạm y tế cấp xã được phòng y tế huyện quản lý nhưng hướng dẫn và giám sát về chuyên môn lại do trung tâm y tế dự phòng huyện. Nên trạm y tế xã èo uột, bác sỹ không muốn về công tác. Từ năm 2008, trạm y tế xã trở thành đơn vị chuyên môn kỹ thuật trực thuộc trung tâm y tế huyện thì chất lượng khám chữa bệnh ở cấp xã có được nâng lên.

Hẳn cũng hợp lô-gich, nếu suy nghĩ tiếp lên bệnh viện cấp tỉnh và trung ương, trong điều kiện đi lại thuận tiện, có nhiều thông tin. Thực tế, một số bệnh viện tuyến huyện được đầu tư khá hiện đại nhưng người bệnh không đến, tình trạng quá tải chỉ ở các bệnh viện lớn. Và hãy hỏi người dân, khi bị bệnh sẽ vào đâu khám và điều trị?

Thực ra, cái “mô hình” bệnh viện ba cấp đã không còn được cuộc sống chấp nhận từ lâu rồi. Người có bệnh cần chữa đã tìm đến thương hiệu và căn cứ túi tiền, không chỉ phạm vi trong nước. Chuyển giao kỹ thuật khám và chữa bệnh cho con người không thể như khuyến nông theo mùa vụ, mà phải thường trực và chịu trách nhiệm hoàn toàn thì mới tạo dựng được niềm tin. Nhiều bệnh viện tư nhân xây dựng hệ thống liên hoàn cả nước, đã thành công nhờ vậy.

Người bệnh từ lâu đã hỏi, tại sao các bệnh viện (công) có thương hiệu không liên kết hay hợp tác xây dựng cơ sở vệ tinh, để họ phải dồn vào một nơi ở thành phố lớn quá khổ sở? Câu hỏi bức thiết nhưng chưa được lắng nghe, những người có trách nhiệm mải đuổi theo “mô hình” cũ với các “quyết tâm chính trị”. Mấy đời Bộ trưởng Y tế hứa hẹn rồi ra đi, còn người bệnh điều trị theo thương hiệu đã phải ngồi viện thay vì nằm viện, muốn nằm phải xuống gầm giường.

Hiển nhiên, giải quyết một vấn đề xã hội cần nhiều thời gian, nhất là giảm tải bệnh viện. Tuy nhiên, khi chính người đứng đầu ngành y tế đã bức xúc, đã nhận thấy “mô hình” cũ không còn phù hợp, thì người dân cũng có cơ sở để hy vọng cảnh ngồi viện sẽ chấm dứt trong tương lai không xa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG