Độc quyền & gian lận

Độc quyền & gian lận
TP - Danh sách 11 doanh nghiệp bán xăng rởm vừa được công bố tại TPHCM một lần nữa làm giật mình hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước.

> Đường đi của xăng dỏm
> Công khai 11 doanh nghiệp bán xăng dỏm

Xăng A92 nhưng thực chất chỉ có A83, A95 nhưng chỉ là A92 hoặc lơ lửng ở mức giữa. Đáng chú ý, thực trạng gian lận này có thể đã kéo dài nhiều năm qua.

Các chuyên gia tính rằng, với mỗi lít xăng gian lận kiểu này khách hàng bị móc túi mất 300 đồng. Thử hỏi một cây xăng bán ra hàng ngàn lít mỗi ngày, một năm có 365 ngày, 11 cây xăng bị “chỉ mặt, vạch tên” nói trên đã thu lợi bất chính bao nhiêu tiền ? Nếu tính trên phạm vi cả nước, chắc chắn không chỉ dừng lại ở hơn chục cây xăng trên, và tổng thiệt hại của người tiêu dùng hẳn sẽ là một con số lớn khủng khiếp.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND TPHCM bức xúc : “Nếu đủ yếu tố thì đề nghị xử lý hình sự, phải xử lý kiên quyết nếu mức phạt hành chính không đủ sức răn đe”. Ông Hà cũng thừa nhận một bất cập lớn trong quy định của pháp luật, một mặt cho phép xử phạt từ 3-5 lần giá trị lô hàng vi phạm, trong khi pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính lại khống chế mức phạt tối đa ở lĩnh vực này chỉ là 30 triệu đồng.

Người mua xăng dầu không chỉ bị ăn cắp tiền công khai bởi hành vi gian lận về chất lượng nêu trên, mà họ còn bị gian lận cả về số lượng như báo chí thường xuyên phản ánh. Đã vậy họ còn đang bị mất một trong những quyền cơ bản nhất của người tiêu dùng – Quyền được “lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” (Khoản 3, Điều 8, Luật Bảo vệ người tiêu dùng).

Xăng dầu hiện vẫn là lĩnh vực kinh doanh độc quyền của nhà nước với 60% thị phần của Petrolimex và phần còn lại của một vài DNNN khác. Chính vì vậy, giá cả, dịch vụ chỉ có một mặt bằng được thống nhất trên toàn quốc, người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác.

Nếu có quyền lựa chọn, người tiêu dùng sẽ đồng loạt tẩy chay 11 cây xăng nói trên và hệ thống liên quan tới nó, khi đó doanh nghiệp làm ăn gian dối chỉ còn nước đứng trước bờ vực phá sản - Đó là kịch bản mà mọi doanh nghiệp đều rất lo sợ.

Do vậy để giải quyết tận gốc nạn “buôn gian, bán lận” xăng dầu, ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, rất cần một môi trường làm lành mạnh hóa, minh bạch hóa thị trường này, mà cái gốc của nó chính là từng bước xóa bỏ tình trạng độc quyền hiện nay.

Độc quyền trong kinh doanh làm nảy sinh nhiều nghịch lý. Chẳng hạn như lỗ lớn tới 10.000 tỷ đồng song lương ngành Điện vẫn cao ngất ngưởng, hay như giá xăng thế giới cả tháng qua liên tục giảm thì trong nước lại “án binh bất động”, Petrolimex luôn kêu lỗ ấy vậy mà khi chuẩn bị phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng lại báo lãi lớn...

Chừng nào còn độc quyền, chừng đó lợi ích của người tiêu dùng còn bị xâm hại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG