Hội chứng “đồng phục”

Hội chứng “đồng phục”
TP - Năm học này, thêm nhiều trường tiểu học ở Hà Nội bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần, thay vì chỉ ngày đầu tuần hoặc cuối tuần như trước đây. Thậm chí có trường còn yêu cầu học sinh mặc cả đồng phục thể thao trong giờ thể dục.

Quy định trên tưởng chừng như không có gì phải bàn cãi, bởi đã là học sinh thì phải mặc đồng phục, giờ thể dục mặc đồ thể thao là đúng rồi còn gì ? Ấy vậy mà, hầu hết các phụ huynh đều không đồng tình vì xung quanh quy định này có quá nhiều điều bất cập.

Trời nóng, lớp học đông đúc, chật chội lên tới 60-70 cháu/lớp, các cháu vẫn phải xúng xính, nhễ nhại mồ hôi với đồng phục chất vải ni-lông rẻ tiền suốt cả ngày. Vào ngày có tiết thể dục, hầu hết các cháu phải mặc đồng phục thể thao bó sát ngay từ nhà, và mặc luôn suốt cả ngày, vì trường không có chỗ thay quần áo.

Với quy định trên, trước đây các phụ huynh chỉ phải mua một bộ đồng phục để mặc ngày đầu tuần, nay phải mua ít nhất 3 bộ để thay đổi trong suốt tuần, ngoài ra họ còn được yêu cầu phải mua 2 bộ đồng phục thể thao nữa. Tất cả đều có bán sẵn ngay trong trường với giá niêm yết.

Chưa hết, mới đây báo chí đưa tin nhiều trường tiểu học ở Hà Nội còn quy định đồ dùng học tập cũng phải “đồng phục” nốt. Từ vở, bút, bảng... đến cả giấy kê tay cũng đều phải mua đúng loại do cô giáo chỉ định, thậm chí vở phải mua đúng loại do nhà trường phát hành.

Đến đây thì buộc chúng ta phải đặt câu hỏi, liệu đằng sau những câu chuyện “đồng phục” trên là cái gì ? Liệu có nhóm lợi ích nào chi phối những quy định đầy lãng phí và bất tiện này của các vị hiệu trưởng ? Các doanh nghiệp sản xuất đồng phục, đồ dùng học tập đóng vai trò gì trong các quyết định trên ?

Hỡi các vị hiệu trưởng, xin đừng để mặt trái kinh tế thị trường len lỏi và làm hoen ố môi trường sư phạm cao quý, ngay từ những thứ hàng hóa nhỏ nhặt nhất như quyển vở, cây bút đến chiếc áo đồng phục của học sinh thân yêu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG