Quả trứng và con gà

Quả trứng và con gà
TP - Có một tình huống thường được nêu ra trong các sách triết học: Con gà có trước hay quả trứng có trước. Câu chuyện này đến nay chưa có hồi kết, và mỗi khi bị trẻ con lôi ra hỏi, chắc không ít người lớn chỉ có thể trả lời chung chung, vì mối quan hệ con gà-quả trứng, tính đến thời điểm này, rất khó để có thể xác định đâu là nhân, đâu là quả.

> Sẽ cấm xe máy tại các đô thị lớn
> Hà Nội: Kiến nghị phân làn trên 12 tuyến phố

Ít nhất, đó là một trong những vấn đề, những bí ẩn của vũ trụ mà cả nhân loại cho đến nay vẫn đang phải đi tìm câu trả lời.

Nhưng câu chuyện cấm xe cá nhân ở các đô thị lớn thì khác. Có thể xác định ngay ít nhất hai mối quan hệ nhân- quả. 1. Nhiều xe+ đường hẹp=tắc đường (kẹt xe). Tắc đường+ nhiều xe+ đường hẹp= cấm xe.

Chuyện tắc đường, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị quá tải thì không có gì mới vì đó là “chuyện thường ngày ở phố”. Điều “mới lạ” là những biện pháp nhằm tiến tới giải quyết nạn ùn tắc giao thông cho đến nay vẫn không mới.

Có vẻ người ta vẫn đang loay hoay giải bài toán “con gà có trước hay quả trứng có trước”: Cấm xe cá nhân trước hay ưu tiên phát triển giao thông công cộng trước rồi mới cấm. Nhưng cuộc sống không chấp nhận, cũng không chờ đợi bất cứ biện pháp nào cản trở nhịp sống, sinh hoạt bình thường của người dân.

Cấm đăng ký xe máy ở nội thành thì người ta ra ngoại thành đăng ký, cấm một người đăng ký sở hữu hơn một xe thì nhờ người thân đứng tên giùm. Dân chúng không đi tìm cách đối đầu với cơ quan công quyền nếu cuộc sống không thực sự thúc bách họ. (Không những thế, xét về luật, việc cấm công dân sở hữu tài sản còn là vi hiến).

Vậy thì, mấu chốt của việc giải quyết vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông chắc chắn vẫn là phát triển hệ thống giao thông công cộng. Nhưng cũng có người nói, vậy thì có gì mới. Cái mới, cũng là cái ta chưa làm được, là biến hệ thống giao thông vận tải công cộng thực sự thân thiện với người dân. Và phải làm ngay từ bây giờ, với phương tiện hiện có là xe buýt, không phải chờ khi các dự án đường sắt trên cao, tàu điện ngầm… đi vào hoạt động.

Vì nếu không nỗ lực thay đổi hình ảnh của các phương tiện giao thông công cộng ngay từ bây giờ, hình ảnh những chiếc xe buýt hung thần, chậm chạp, bỏ bến, bỏ chặng, nhân viên cục cằn, thô lỗ sẽ là sự ám ảnh nặng nề đối với công chúng ngay cả khi chúng ta có xe lửa trên cao hay tàu điện ngầm… Có lẽ, cần đột phá trong tư duy phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Thay vì cấm người dân sở hữu xe, hãy tiên phong cấm công chức sử dụng xe cá nhân, xe công, buộc họ đi xe buýt. Đồng thời, biến xe buýt thành phương tiện giao thông thân thiện, lịch sự, tiện nghi, giá vé hấp dẫn dù có phải bù lỗ.

Vì suy cho cùng, ngân sách vẫn phải bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để giải quyết ùn tắc giao thông nhưng không hiệu quả thì chính là một sự lãng phí rất lớn. Khi người dân đã coi phương tiện giao thông công cộng là một lựa chọn quan trọng, ưu việt thì vấn nạn ùn tắc giao thông ít nhất đã tìm thấy một lối ra khả thi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG