Chuyện xe ba gác

Chuyện xe ba gác
TP - Là người không sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn, nhưng giờ đi đâu, ai hỏi nhớ gì của Sài Gòn nhất, nhất thời không ít lần tôi buột miệng: “cái tiếng nổ tồng tộc rất đặc trưng của mấy cái xe ba gác máy, tiếng nổ mà dân Bắc chúng tôi quen gọi là tiếng ống pô Xì-gòng”.

> Kinh hoàng 'hung thần' đường phố
> 'Hung thần' nghênh ngang trên đường phố Hà Nội

Một buổi sớm nào đó, bỗng nhiên dậy sớm, ra đường, nghe tiếng ba gác máy cùng mùi khói xăng khen khét, với đủ thứ, nào sầu riêng, nào khóm, nào dưa hấu, đến rau cỏ, thịt cá, vật liệu xây dựng, xà bần, tất tần tật chất trên ba bánh xe ấy. Đó đích thị là Sài Gòn, náo nhiệt đấy, ồn ào đấy, sang trọng đấy nhưng cũng không thiếu cái tất bật, lam lũ, khắc khổ trong cuộc mưu sinh.

Hình ảnh xe ba gác ăn sâu vào tâm hồn người Sài Gòn đến độ khi chính quyền ra lệnh từ 1-1-2010 cấm hoàn toàn xe ba, bốn bánh tự chế, nhiều người không chạy xe ba gác cũng cảm thấy có cái gì thân thương, quen thuộc sắp mất đi.

Chẳng vậy mà có những thành viên trên diễn đàn mạng trước giờ G đã kịp ghi lại và chia sẻ với nhau những hình ảnh cuối cùng của thứ đồ vật mà dân tếu táo thường đùa là xe “ba gác má”. Ở Sài Gòn, có những gia đình ba, bốn thế hệ gắn bó với xe ba gác, từ thời trước giải phóng còn thô sơ, kéo tay, đạp chân, đến sau này gắn thêm động cơ.

Có những “nghiệp đoàn” gần 20 con người cũng phải ngậm ngùi tìm kế khác mưu sinh. Ai cũng hiểu chính quyền hoàn toàn có lý khi cấm thứ xe kềnh càng, không tuân theo tiêu chuẩn thiết kế, đăng kiểm nào và là một trong những “tác nhân” làm gia tăng tai nạn giao thông.

Dù mức hỗ trợ đối với người giao nộp xe tự chế vẫn còn khiêm tốn (từ 5-9 triệu đồng/xe) nhưng người ta hiểu, chính quyền cũng đã hết sức tạo điều kiện, nhưng một đô thị văn minh không thể chấp nhận loại xe luôn tiềm ẩn gây ra nguy hiểm không chỉ cho chủ nhân mà còn cho bất cứ người tham gia giao thông nào.

Cho đến nay, có thể nói những chiếc xe ba gác tự chế đã vắng bóng tại các quận trung tâm TPHCM như quận 1, 3, 10, Phú Nhuận. Tuy vẫn còn đâu đó có những chiếc xe ba gác thô sơ, nhưng chủ nhân cũng chỉ dám “lách luật” bằng cách kéo tay (không nổ máy), đi trong các hẻm nhỏ, nơi xe ba bánh (nhập từ Trung Quốc), xe tải nhỏ không thể vào được.

Mấy hôm rồi, các quận vùng ven như Tân Phú, quận 12… lại “ra quân”, “truy quét” tiếp những xe ba gác còn sót lại. Một cán bộ công an quận Tân Phú nói, “cũng toàn bà con nghèo, nhưng không thể không xử lý vì đây là chủ trương của chính quyền, vì sự an toàn của người dân và bộ mặt đô thị. Không thể có sự xuê xoa”.

Trong khi ấy, tại thủ đô Hà Nội những ngày gần đây, xe ba gác vẫn thoải mái lưu hành trên các tuyến đường, lạng lách, đánh võng ngay trong giờ cao điểm và luôn là ẩn họa giao thông cận kề bất cứ lúc nào. Với các chủ xe ba bánh, vấn đề quan tâm đầu tiên là khách thuê trả bao nhiêu tiền trong một lần chở, còn bao nhiêu hàng và chạy vào giờ bất kỳ nào họ cũng ok.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Xót cảnh dưa hấu cho bò ăn, vứt bỏ la liệt
Xót cảnh dưa hấu cho bò ăn, vứt bỏ la liệt
TPO - Do thời tiết diễn biến bất thường năng suất dưa hấu giảm mạnh, cộng với giá chỉ còn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, người dân trồng dưa hấu ở Gia Lai đối diện với cảnh thua lỗ nặng; có hộ dân mặc ruộng dưa bò ăn, vứt bừa bãi trên ruộng.