Siết quản lý, tăng hình phạt để giảm tắc giao thông

Siết quản lý, tăng hình phạt để giảm tắc giao thông
Việc quản lý nhà nước trong đảm bảo an toàn giao thông còn nhiều yếu kém, nhiều địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cá nhân trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp…

> Giảm tai nạn giao thông 5-10% mỗi năm 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thừa nhận, đó là những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông trong thời gian qua.

Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012 ngày hôm nay (28-11).

Việc tiến hành đổi giờ làm sẽ làm giảm ùn tắc giao thông trong thành phố. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+
Việc tiến hành đổi giờ làm sẽ làm giảm ùn tắc giao thông trong thành phố. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+.

Giảm 5-10% tai nạn, 20% ùn tắc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu vấn đề: “Từ lâu nay chúng ta đã đổi mới nhiều biện pháp, đưa ra nhiều chủ trương, bộ máy quản l‎ý cũng đồ sộ mà sao vấn đề trật tự an toàn giao thông vẫn không có những bước đột phá. Phải chăng chúng ta đang làm theo kiểu đầu voi đuôi chuột, lúc làm lúc không?”

Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an toàn giao thông thời gian qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng thẳng thắn nhận khuyết điểm khi mà "việc quản lý nhà nước trong đảm bảo an toàn giao thông còn nhiều yếu kém," trong khi nhiều địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cá nhân trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp…

Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng, sau 10 tháng đầu năm 2011, toàn quốc đã xảy ra 11.036 vụ, làm chết 9.265 người và bị thương 8.379 người, so với cùng kỳ năm 2010 đã giảm 181 vụ (1,61%). Tai nạn giao thông đường sắt tăng cao cả 3 tiêu chí. Ùn tắc xảy ra 172 vụ kéo dài trên 1 giờ (giảm 5 vụ so với năm 2010), song tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho biết sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP, việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ chưa mạnh mẽ, chưa tiến hành việc di dời các cơ sở giáo dục, y tế đông người ra ngoài khu vực nội thành; quy hoạch và phát triển giao thông chưa thực sự gắn liền với sự phát triển đô thị; công tác kiểm tra, xử l‎ý, giữ gìn trật tự đô thị trên hè phố, lòng đường chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, trông giữ xe trái phép vẫn diễn ra phổ biến...

Để tháo gỡ thực trạng này, theo Bộ trưởng Thăng, lực lượng liên ngành phải tiếp tục tập trung xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông; tịch thu phương tiện đối với đua xe trái phép đồng thời đẩy nhanh tiến độ phát triển các phương thức vận tải khách công cộng nội đô; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào; giảm bớt số lượng xe taxi trong thành phố.

Về lâu dài, Bộ trưởng Thăng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với hai thành phố khẩn trương triển khai việc di dời hệ thống trường học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ra khỏi khu vực nội thành, không phát triển mở rộng bệnh viện trong nội thành.

Với những giải pháp tổng thể đưa ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm tối thiểu 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương; giảm tối thiểu 20% vụ ùn tắc giao thông.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho rằng, ngành giao thông có thể sẽ nghiên cứu phương án lập báo cáo Chính phủ những địa phương để xảy ra nhiều tai nạn, để xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương đó.

Đồng tình với những giải pháp này, Trung tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, hiện nay có tới 80% số vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách thuộc xe tư nhân, doanh nghiệp nhỏ không có thương hiệu. Vì vậy, cần phải tăng cường quản l‎ý chặt hoạt động vận tải bằng ôtô.

“Bộ Giao thông Vận tải nên chỉ đạo quyết liệt việc hình thành các công ty vận tải, xã hội hóa vận tải hành khách ở những chặng đường ngắn. Về vận tải khách đường dài nên thành lập các tập đoàn, các Tổng Công ty để họ có điều kiện quản l‎y cả hoạt động lẫn lái xe, đảm bảo an toàn cho hành khách. Kiên quyết không cho phương tiện không đủ tiêu chuẩn tham gia giao thông,” Trung tướng Quang đề xuất.

Trước những giải pháp của ngành Giao thông và Công an đưa ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Mỗi người phải tự thay đổi nhận thức và ‎ý thức của người tham gia giao thông, phải coi việc giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mình và toàn xã hội, chứ không thể coi là nhiệm vụ của riêng hai ngành giao thông và công an."

Cấm xe giờ cao điểm, thu phí lưu thông

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Thăng cho hay trong năm tới ngành giao thông sẽ nghiên cứu cấm taxi, xe tải lưu thông giờ cao điểm tại một số tuyến phố.

Cùng với việc thực hiện thay đổi giờ làm việc, giờ học, kinh doanh của các cơ quan, trường học, cơ sở kinh doanh bắt đầu từ tháng 1/2012, giải pháp được tính đến là sẽ tiến hành cấm lưu hành phương tiện giao thông cá nhân trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường trọng điểm, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Thăng, thời gian quan tình trạng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe còn nhiều cái sai, trách nhiệm một phần là của ngành giao thông.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến vào tháng 4-2012 sẽ chính thức cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới, tăng cường kiểm tra, rà soát lại các trung tâm đào tạo, cấp phép lái xe. Khi xảy ra tai nạn giao thông có thể nghiên cứu trách nhiệm liên đới của đơn vị đào tạo cấp phép lái xe, đơn vị đăng kiểm chất lượng phương tiện…

“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu phương án xử phạt vi phạm giao thông qua thẻ ngân hàng đồng thời nghiên cứu thu phí lưu hành ôtô cá nhân, thu phí phương tiện cá nhân vào khu vực thường xuyên ùn tắc…,” Bộ trưởng Thăng cho biết thêm.

Để khắc phục tình trạng nhiều lái xe sau khi vi phạm thì bỏ trốn luôn, chủ xe không chịu nộp phạt, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị bãi bỏ hình thức nộp phạt tại kho bạc mà nên áp dụng hình thức xử phạt thông qua tài khoản. Do đó, mỗi chủ xe ôtô sẽ phải mở và duy trì tài khoản tại ngân hàng với giá trị từ 10-20 triệu đồng và coi đây là yêu cầu bắt buộc khi điều khiển ôtô tham gia giao thông...

“Đối với lái xe vi phạm nhiều cũng nên thu bằng và kiểm điểm cả cơ sở đào tạo ra cấp giấy phép cho lái xe đó,” trung tướng Quang cho hay.

Về tình trạng đua xe trái phép, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, thời gian qua khó xử lý dứt điểm tình trạng này vì lực lượng chức năng không được tịch thu phương tiện, hơn nữa những phương tiện được các đối tượng dùng để tổ chức đua thường là xe đi mượn của người khác, hoặc đã sang nhượng nhưng chưa sang tên nên không thể tịch thu được vì không chính chủ.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Thăng, Chính phủ cần có quy định cho tịch thu phương tiện đua xe trái phép dù đó là xe chính chủ hay không đồng thời yêu cầu chủ phương tiện khi đã sang nhượng phải làm thủ tục sang tên nếu không sẽ tịch thu. Như vậy chắc chắn sẽ không ai còn dám đua xe.

“Với nhiều giải pháp đồng bộ như: Cấm xe lưu thông giờ cao điểm tại một số tuyến phố, thu phí phương tiện, tịch thu đua xe, đổi giờ học làm việc, di dời dân cư trong đô thị, tăng cường rà soát xử lý nghieme vi phạm trong sát hạch cấp phép lái xe... sẽ phấn đấu mục tiêu giảm tối thiểu 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương; giảm tối thiểu 20% vụ ùn tắc giao thông trong năm 2012," Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Theo Việt Hùng
Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG