> Đề nghị thu hồi bốn dự án cải tạo chung cư
> Xây dựng đô thị kiểu 'mỡ nó rán nó'
Đó là ý kiến trong tham luận của Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN, một trong hàng chục tham luận của các chuyên gia đầu ngành về đô thị tại Hội thảo Xây dựng chính sách cải tạo các đô thị cũ vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc đã tập trung phân tích những thực trạng và vướng mắc hiện nay trong cải tạo đô thị cũ, chung cư cũ.
Chung cư cũ chậm cải tạo, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN cho rằng, tại Hà Nội, TPHCM và nhiều đô thị lớn mới đang mải mê mở rộng các khu đô thị mới mà dường như quên mất nhiệm vụ cải tạo đô thị cũ, nơi tập trung đông người nhưng đang từng ngày quá tải và xuống cấp trầm trọng.
“Tại các khu vực lõi của đô thị cũ, giao thông tắc nghẽn, môi trường ô nhiễm, bản sắc đô thị giảm sút, tệ nạn xã hội tăng nhanh. Tình trạng cấy quá nhiều cao ốc trong trung tâm khiến hạ tầng thêm quá tải, định hướng tái phát triển các khu đất có công trình, nhà máy phải di dời chưa rõ ràng, thiếu cân nhắc”- ông Liêm nói.
Phân tích sức ép của dân số, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) khẳng định, không gian quy hoạch chung đã bị phá vỡ do mật độ dân cư quá lớn so với thiết kế ban đầu.
Bà Lã Kim Ngân - Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội cho hay, các biện pháp hạn chế tăng dân số vào khu vực trung tâm, khu phố cổ Hà Nội theo yêu cầu của Quy hoạch chung năm 1998 đã không thành hiện thực. Dân số không giảm xuống được 800.000 người như kế hoạch mà còn tăng thêm hàng vạn người…
Nhiều chuyên gia cho rằng, hàng triệu người dân đang từng ngày mong chờ việc cải tạo lại đô thị cũ, chung cư cũ và những trường hợp cố tình gây khó khăn chỉ là số rất ít. Nhằm sớm cải thiện những hạn chế của đô thị cũ, ông Phạm Sỹ Liêm kiến nghị, chiến lược 10 năm 2011-2020 cải tạo đô thị cần xây dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế thích hợp. Quản lý nhà nước về cải tạo đô thị cần được chuyên trách hóa. Chính quyền thu hồi đất và chuẩn bị hạ tầng rồi mới giao cho các dự án cải tạo.
Bà Lã Kim Ngân cho rằng, với khu phố cổ Hà Nội cần xây dựng chiến lược bảo tồn, triển khai nhanh việc di dân. Với khu phố cũ, bên cạnh việc thống kê phân loại biệt thự cũ để bảo tồn, quản lý cần giảm mật độ xây dựng trong từng ô phố, khống chế chiều cao xây dựng từ 4-6 tầng, lựa chọn một số vị trí phù hợp xây cao từ 12-15 tầng để tạo điểm nhấn.
Liên quan đến tình trạng hàng loạt nhà máy ở nội thành sau di dời biến thành chung cư cao tầng, bà Ngân kiến nghị, khi di dời phải ưu tiên diện tích cây xanh, hạ tầng xã hội và kỹ thuật của đô thị, nhà trẻ, trường học, bãi đỗ xe và hạn chế tối đa chất tải thêm dân số vào nội đô…
Phải buộc doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân
Hôm qua, tại Bình Dương, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo về nhà ở cho công nhân (CN). Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, cho rằng: “Trước hết, các DN sử dụng lao động cần phải coi việc giải quyết nhà ở cho công nhân làm việc trong DN của mình là nhân tố quyết định sức cạnh tranh của DN, phải có chế tài cho DN sử dụng lao động xây dựng nhà ở cho công nhân. Đối với DN kinh doanh BĐS cũng phải có chế tài yêu cầu họ tham gia đầu tư nhà ở cho CN, bên cạnh nhà ở thương mại.
Theo ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành, nhà ở cho CN chỉ nên xây căn hộ có diện tích: 20-40m2, dành cho 1 -2 người, nhưng phải quy hoạch thành cụm cư dân 10 -100 ha với đầy đủ cơ sở hạ tầng và kỹ thuật xã hội mới thu hút được CN vào ở.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN trong cả nước. Trong đó có trên 70% lao động là người ngoại tỉnh đến làm việc có nhu cầu thuê nhà ở, chỉ có 7-10% số lao động này được ở trong các khu nhà ở được xây từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc từ doanh nghiệp. Còn lại trên 90% số lao động có nhu cầu thuê nhà ở phải tự thu xếp thuê nhà trọ của các hộ dân tự xây trong các khu dân cư lân cận các KCN.
Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 66 (2009) của Thủ tướng Chính phủ, cả nước mới chỉ có 27 dự án được khởi công, giải quyết được 13% số công nhân có nhà ở (140.000 công nhân).