Petrolimex lẩn tránh sự thật

Hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước đòi hỏi minh bạch giá xăng dầu. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước đòi hỏi minh bạch giá xăng dầu. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính), thông tin lãnh đạo Petrolimex cung cấp cho báo chí có gì đó khuất tất, che giấu sự thật. Việc Bộ trưởng Tài chính lập ba tổ kiểm tra chắc chắn sẽ làm rõ trắng đen...

> “Petrolimex độc quyền một cách tự nhiên”
> Phải loại bỏ lợi ích nhóm

Hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước đòi hỏi minh bạch giá xăng dầu. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước đòi hỏi minh bạch giá xăng dầu. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Mập mờ giá nhập

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, cung cấp thông tin cho báo chí ngày 21-9, rằng chỉ lãi 441 đồng trước khi giá xăng giảm. Thực chất, với lãi định mức của họ là 300 đồng/lít, cộng với tiền lãi 441 đồng nữa thì là đúng lãi hơn 700 đồng/lít.

Cần đặt câu hỏi tại sao ở cuộc họp có Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, khi người ta cho rằng Petrolimex có lãi 780 đồng/lít, ông Bảo không phản ứng ngay tại đấy mà hôm sau gặp báo chí lại nói khác. Dường như có điều gì đó khuất tất, không rõ ràng, lẩn tránh sự thật.

Về nguyên tắc, trong kế toán, không bao giờ một đơn vị hạch toán lại hạch toán chung. Bao giờ cũng hạch toán từng mặt hàng một, mặt hàng nào lỗ, lãi. Cho nên khi IPO (đấu giá cổ phần) thì họ thông báo lãi liên tục: Năm 2008 lãi hơn 913 tỉ đồng, năm 2009 lãi 2.880 tỉ đồng, năm 2010 lãi 81 tỉ đồng. Năm 2011 dự kiến lãi khoảng 598 tỉ đồng.

Người tiêu dùng có quyền đặt nghi ngờ sao lại lỗ lãi không rõ như vậy. Họ cũng nói đó là mức lãi chung còn tách riêng mặt hàng xăng dầu thì lỗ. Như vậy là ông có hạch toán riêng thì mới biết lỗ hay lãi. Cách nói như ông Bảo là không đúng, trốn tránh sự thật. Bây giờ có người phanh phui vấn đề trong cơ cấu giá xăng, mới lộ ra nhiều chuyện.

Qua đây, thấy một dấu hỏi về bảng giá tính cơ sở của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã công bố có đáng tin cậy hay không? Theo ý kiến của người tiêu dùng, cái quan trọng là phải kiểm tra được sự minh bạch, hợp lý trong cơ cấu bảng tính giá cơ sở của đơn vị cung ứng xăng dầu trong cơ cấu mỗi lít xăng. Đây là căn cứ để xem xét giá bán đã hợp lý hay chưa?

Ông Bảo nói giá nhập là giá tạm tính cũng là sai. Vì khi mua thì phải ký hợp đồng mà quan trọng nhất là xác định giá rồi mới ký hợp đồng chứ. Có thể phương thức thanh toán trả trước trả sau thôi.

“Chỉ cần nâng 100 đồng/lít xăng thì 1 triệu lít đã được tiền tỉ rồi. Mà doanh nghiệp bán hàng triệu lít/ngày. Còn quỹ bình ổn giá lúc thu lúc không cũng đã có được gần 8.000 tỉ đồng. Ông chỉ cần nói doanh nghiệp lỗ lãi 100 – 200 đồng/lít là chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng rồi”, ông Long nói.

Về bản chất giá xăng dầu luôn minh bạch. Minh bạch ở chỗ luôn có giá vốn, giá nhập khẩu. Cộng với các loại thuế, phí, các khoản thu khác, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức thì các khoản đó rõ rồi. Mập mờ ở chỗ là giá nhập khẩu. Vì vậy họ có thể công bố thế này thế kia. Có thể mua tháng trước là hạ nhưng vẫn bảo mua giá cao. Cơ quan chức năng phải kiểm tra mới biết.

Giá nhập khẩu xăng dầu thực là dấu hỏi lớn cần được làm rõ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Giá nhập khẩu xăng dầu thực là dấu hỏi lớn cần được làm rõ.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Một phần thu nhập của người tiêu dùng bị tước đoạt

Theo Bộ Công Thương, Tổng Cty Dầu Việt Nam (PV Oil) hiện chiếm 25%, Saigon Petro chiếm 8% còn Petrolimex chiếm khoảng 55% thị trường xăng dầu cả nước. Ở các vùng có cạnh tranh cao như Hà Nội hoặc TPHCM thì thị phần của Petrolimex chiếm trên dưới 40%, nhưng ở các vùng như Sơn La, Lai Châu, Tây Nguyên thì có nơi thị phần của Petrolimex gần như 100%.

Nên việc Nghị định 84 trao toàn quyền định giá bán lẻ xăng dầu vào tay doanh nghiệp là không ổn. Bởi ngành xăng dầu vẫn tồn tại tình trạng độc quyền do có doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Trong cơ chế thị trường, việc kiên quyết thực hiện cơ chế giá thị trường là hoàn toàn đúng. Song, theo nguyên tắc quản lý giá của cơ chế kinh tế thị trường, đối với doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm độc quyền, thì giá cả phải do Nhà nước định. Nếu để cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự định giá, đó là trái với nguyên tắc quản lý giá trong cơ chế thị trường và sẽ có những thiệt hại cho người tiêu dùng.

Điều này thấy rõ qua việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian vừa qua khi diễn biến giá xăng dầu thế giới luôn giảm thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa giảm giá bán xăng trong nước kịp thời.

Doanh nghiệp độc quyền toàn quyền quyết định giá bán, nên họ không có động lực giảm chi phí sản xuất thông qua cải tiến công nghệ, cải tiến sản phẩm như trong trường hợp cạnh tranh. Xu hướng cơ bản của độc quyền là hạn chế sự tăng trưởng kinh tế.

Giá độc quyền tạo ra sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập quốc dân qua giá. Cụ thể, một phần thu nhập của người tiêu dùng bị chuyển sang thành phần thu nhập của doanh nghiệp độc quyền. Doanh nghiệp độc quyền giàu lên bằng cách tước đoạt một phần thu nhập của người tiêu dùng.

Cần luật hóa quản lý giá DN độc quyền

Giải pháp tối ưu nhất đến nay là Nhà nước định giá để kiểm soát đối với các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, Nhà nước với vai trò là người quản lý chung của nền kinh tế, phải có trách nhiệm tìm ra mức giá này và ấn định bằng luật bắt buộc các doanh nghiệp độc quyền phải thi hành.

Để kiểm soát giá, có thể ban hành và thực hiện nghiêm ngặt chính sách và kiểm soát giá cả sản phẩm độc quyền. Nói cụ thể hơn là chính sách định giá sản phẩm độc quyền, bao gồm cả giá bán và giá mua.

Từ thực tiễn quản lý kinh tế ở nước ta cho thấy, yêu cầu tăng cường quản lý và kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông của các doanh nghiệp độc quyền, các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế Nhà nước là cần thiết và đã được thể hiện rõ nét hơn ở các văn bản của Đảng và Chính phủ.

Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn trên mới chỉ dừng lại ở các văn kiện của các cơ quan hành pháp là Chính phủ, chưa được Quốc hội thể chế hóa thành hành lang pháp lý. Khi hành lang pháp lý về vấn đề này được thiết lập, việc kiểm soát chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp độc quyền, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của bản thân doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Phạm Tuyên (lược ghi)

Bộ Tài chính kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu

Ngày 20/9, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đã ký quyết định thành lập 3 tổ kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại Tổng công ty xăng dầu Việt Nam; Tổng công ty Dầu Việt Nam và tại các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (gồm Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu thành phố Hồ Chí Minh và công ty TNHH một thành viên thương mại dầu khí Đồng Tháp).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG