> Vòi tín dụng “đen”
> 'Chơi' thì lỗ, bỏ thì sạt
> Tín dụng 'đen' dồn ép ngư dân
Tàu cá nằm bờ vì thiếu vốn. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Thủ tục làm khó ngư dân
Tiếp sức ngư dân bám biển, các tỉnh miền Trung triển khai hàng loạt biện pháp: Hỗ trợ chi phí xăng dầu, đóng mới tàu thuyền, lập quỹ hỗ trợ ngư dân… Tuy nhiên, nhiều giải pháp chậm triển khai vì vướng thủ tục hành chính và bản thân ngư dân chưa mặn mà.
Ông Phan Huy Hoàng - Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi lý giải: Tỉnh có tới hơn 5.600 tàu thuyền, tổng công suất 5.400 CV với hơn 40.000 lao động. Trong đó, tàu thuyền xa bờ chiếm đến 40%. Đời sống ngư dân nhiều bấp bênh bởi thiếu vốn, lệ thuộc tín dụng “đen”, thiên tai, nhân tai trên biển.
Để hỗ trợ, mới đây Quảng Ngãi lập Quỹ hỗ trợ ngư dân, HTX dịch vụ nghề cá, Nghiệp đoàn tàu cá... Trong số 600 tàu thuyền xa bờ (công suất từ 90CV) hiện có gần 440 chiếc được phê duyệt hỗ trợ xăng dầu. Các mức hỗ trợ từ 18–60 triệu đồng/ mỗi chuyến ra khơi tùy công suất máy. Ngư dân phải đảm bảo công suất, đúng khu xác nhận điểm khai thác, chuyến đi...
Quyết định ban hành từ tháng 6, nhưng đến nay, sở chỉ nhận được 14 hồ sơ ngư dân gửi nhận trợ cấp xăng dầu. Theo ông Hoàng, một trong những nguyên nhân chính là ngư dân khó xác định được điểm khai thác. Ảnh hưởng thiên tai, tàu thuyền rất khó cập bờ khu vực khai thác mong muốn. Trong khi đó, các thiết bị định vị (tự động xác định điểm khai thác cho ngư dân) cũng chưa được triển khai nhanh, mạnh.
Toàn tỉnh, hiện chỉ có 1 máy định vị trên bờ và 3 tàu thuyền đầu tư loại máy hỗ trợ này. Mỗi máy 28 triệu đồng. Ngư dân ứng tiền mua trước, lấy hóa đơn sẽ được tỉnh chi trả toàn bộ số tiền lắp đặt. Nhưng vì khó khăn nên chỉ ít hộ đầu tư.
Tại Quảng Nam, ngoài hỗ trợ xăng dầu, từ năm 2010, tỉnh ban hành đề án “Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ”. Tuy nhiên sau hơn 1 năm ban hành, chưa có ngư dân nào được nhận hỗ trợ. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam: Ngư dân không đủ điều kiện quy định của đề án. Để nhận hỗ trợ, tàu máy thủy phải mới (chưa qua sử dụng, chưa “độ” lại), nhưng phần lớn tàu thuyền đều mua lại máy, “độ” nâng công suất.
Chủ tàu Nguyễn Thành Trung (46 tuổi, Núi Thành, Quảng Nam) cho hay, dự thảo ban đầu đưa ra cả hai điều kiện là dùng máy thủy mới 100% và máy đã qua sử dụng, chỉ cần từ 90CV trở lên. Nhưng khi thực hiện lại yêu cầu máy thủy phải mới 100%. Trong khi đó, đầu tư máy thủy tốn gần gấp 2 lần máy “zin”.
Bình thường loại máy Hino 8 (350CV), Hino 10 (hơn 400CV) cả hộp số giá 400 - 500 triệu đồng nhưng nếu máy đập hộp đến cả tỷ bạc. Dễ gì ngư dân đáp ứng nổi.
Sống chung với tín dụng “đen”
Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) là một trong những tâm điểm để tàu thuyền của miền Trung về neo đậu và xuất hải sản. Vậy nhưng hàng loạt doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản ngay cạnh cảng luôn đói hàng. Đầu nậu thâu tóm và chi phối tất cả.
"Sắp tới sẽ có một hội nghị, tập trung các ngân hàng nhà nước, các ban ngành. Nói chung, phải quyết liệt mới đẩy lùi được tín dụng “đen”. Đây là một cuộc chiến cam go”. - Ông Đoàn Phúc. |
Lãnh đạo một DN chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản (yêu cầu giấu tên), nói: “Bà con ngư dân không mặn mà lắm với chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng giúp nhân lực để phân loại, đóng gói. Về giá cả chúng tôi mua theo giá thị trường, không chèn ép. Nhưng mới thỏa thuận xong thì ngay hôm sau, người chúng tôi xuống, bà con lại từ chối. Vì bà con đã nhận tiền của chủ nậu, không dám bỏ ngang. Còn nếu nói chúng tôi bỏ tiền đầu tư cho ngư dân là cả một câu chuyện dài. Đây không phải việc từ thiện, chúng tôi cũng cần đảm bảo”.
Ông Trần Văn Lĩnh – GĐ Cty thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, bất cứ trong lĩnh vực nào, đã có chủ nậu, thì người làm ra sản phẩm phải chịu thiệt thòi. Nếu bây giờ ngân hàng nhà nước, cho ngư dân vay vốn để họ không qua nậu, rồi chính quyền tạo điều kiện để họ bán thẳng ra chợ, bán thẳng cho công ty, tạo nên một lộ trình và thành thói quen, ngư dân sẽ nhận thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.
Theo ông Lĩnh, chủ nậu dám bỏ cả tiền tỷ đầu tư tàu cho ngư dân, rồi xuất vài trăm triệu cho họ lấy vốn ra khơi, nhưng khi gặp rủi ro, ngư dân thiệt 10 thì chủ nậu cũng mất 8. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Cồn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà - người từng là ngư dân, từng bán tàu, chia sẻ: Nhà nước đã hỗ trợ, nhưng có hạn, vậy nên ngư dân phải “chơi” với tín dụng “đen” thôi. Còn cách nào khác ?
Thiếu chiến lược dài hơi?
Tại sao gần 90% ngư dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung vẫn phải sống dựa vào tín dụng “đen”? Sau mẻ cá, thúng mực của ngư dân còn có dáng dấp của chủ quyền cương thổ. Theo ông Đoàn Phúc - Phó GĐ Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đà Nẵng, cần một chiến lược dài hơi và đồng bộ, huy động tất cả ban ngành liên quan cùng vào cuộc, bài toán mới mong có lời giải.
Theo đó, chiến lược dài hơi đầu tiên là vốn vay. Ngân hàng NN&PTNT cùng các ngân hàng nhà nước khác phải quyết liệt vào cuộc hơn nữa, bung vốn cho ngư dân vay trung và dài hạn với lãi suất thấp. Ngoài ra, nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất 50% như Đà Nẵng từng làm sau cơn bão Chanchu (2006).
“Vốn vay cho ngư dân hiện nay quá nhỏ giọt. Có vốn vay lớn, các ngành NN&PTNT, bảo hiểm, khuyến ngư... vào cuộc, phân công trách nhiệm rõ ràng. Lúc đó, sẽ tập hợp ngư dân giỏi để đạt năng suất cao. Tôi không tin là không thể làm được”, ông Phúc nói.