Tranh của nguyễn xuân hoàng. |
Câu hỏi từ một dân tộc từng bị đô hộ
Yoshiharu Tsuboi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam từ năm 1973, khi chiến tranh vẫn đang diễn ra. Trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam còn bị chia cắt, kinh tế xã hội không mấy phát triển, ngoài tình yêu đối với đất nước hình chữ S, Yoshiharu Tsuboi cũng chưa hình dung được hết khó khăn mà mình gặp phải. Đơn giản nhất là việc anh sẽ đi đâu để mà nghiên cứu về Việt Nam? Nơi chiến trường không có nhiều viện nghiên cứu.
Giáo sư dạy Yoshiharu Tsuboi đã khuyên anh nên… sang Pháp để nghiên cứu Việt Nam. Nơi đó không có chiến tranh và sự phức tạp của nó. Nơi đó có nhiều tài liệu. Yoshiharu Tsuboi đã học ở Pháp 6 năm về lịch sử Việt Nam, viết sách ở Pháp. Anh mày mò trong các thư viện, để tìm tư liệu về Việt Nam, bằng tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc.
Anh đã khám phá ra rất nhiều điều về đất nước ở châu Á của anh từ những người bạn Việt Nam lưu lạc trên đất Pháp, hoặc làm việc trong các thư viện và kho lưu trữ. Yoshiharu Tsuboi ngạc nhiên trước kiến thức của họ, cũng như tình cảm của họ với quê hương mình.
Luận án tiến sĩ của Yoshiharu Tsuboi hoàn thành năm 1982. Đề tài của anh tập trung nghiên cứu là nguyên nhân mà Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp. Quả thực, đó là hướng nghiên cứu cần thiết đối với một nhà khoa học có tâm. Nó không xuất phát từ một chiến thắng vẻ vang được nhiều người rải thảm đỏ mời nghiên cứu, mà tìm về một thất bại chua xót ai cũng muốn lãng quên.
Thất bại là mẹ của thành công - Người Việt Nam có câu nói như vậy.
Cuốn sách rút ra từ đề tài tiến sĩ của Yoshiharu Tsuboi, đã đi tìm câu trả lời cho một sự thật là: cùng khối sử dụng chữ Hán, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, vì sao chỉ Việt Nam lại rơi vào tay thực dân phương Tây? Điều gì đã đưa đẩy dân tộc Việt Nam vào tình thế đó?
Ông Yoshiharu Tsuboi. |
Người bạn 20 năm
Những năm 1980, khi Yoshiharu Tsuboi đến Việt Nam làm việc, kinh tế còn rất khó khăn. Đời sống tinh thần cũng hết sức đơn điệu, bảo thủ, trì trệ. Việt Nam trải qua chiến tranh biên giới phía Bắc, vấn đề được nêu ra trong cuốn sách của anh, xem ra cũng chưa có nhiều cơ hội đến với bạn đọc.
Bởi trong cuốn sách của mình, Yoshiharu Tsuboi đã sớm đặt ra vấn đề Việt Nam sẽ tồn tại thế nào giữa một bên là nước Trung Hoa đồ sộ và bên kia là các thế lực từ châu Âu? Những sự thật tế nhị về mối quan hệ đó cũng được đề cập.
"Khoảng thời gian từ nay đến năm 2016 là thời kỳ rất quan trọng với Việt Nam. Nếu người VN không đoàn kết thì khó vượt qua được thời kỳ gọi là chiến tranh kinh tế như hiện nay”. |
Năm 1989, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đang ngày đêm nghiên cứu về địa bạ ở trung tâm lưu trữ quốc gia, nhằm vẽ lên bức tranh về các làng xã Việt Nam thời phong kiến đến thời hiện đại. Một hôm, ông được nhân viên thư viện nhờ làm phiên dịch hộ vì “có ông khách Nhật đến để muốn xem châu bản thời Nguyễn”.
Người Nhật, nhưng lại nói tiếng Pháp, muốn xem tài liệu chữ Hán. Bất đắc dĩ, Nguyễn Đình Đầu đã làm thông ngôn miễn phí cho vị khách đặc biệt này. Người đó chính là Yoshiharu Tsuboi.
Yoshiharu Tsuboi đã giới thiệu cuốn sách của mình cho Nguyễn Đình Đầu. Nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu nhớ lại: “Tôi rất ngạc nhiên trước cuốn sách giá trị. Thậm chí nó còn giúp ích cho cả công trình địa bạ mà tôi đang làm”.
Nguyễn Đình Đầu nói với tác giả cuốn sách: “Chúng tôi sẽ dịch cuốn sách của anh, nhưng chúng tôi sẽ không có tiền trả tác quyền cho anh đâu”. Thật bất ngờ, tác giả cuốn sách nói: “Ông không phải trả tiền cho tôi mà tôi sẽ trả tiền cho các ông”.
Đấy là cuốn sách khó dịch. Nó được viết bằng tiếng Pháp, nên các địa danh, nhân vật của Việt Nam và Trung Quốc, phần bị Âu hóa, phần thì phiên âm từ tiếng các địa phương của Trung Quốc, trở nên rắc rối. Cuốn sách sử học lại được viết bằng một ngôn ngữ sắc sảo giàu tính văn chương và tính tư tưởng. Nguyễn Đình Đầu đã phải lập một nhóm gồm 5 người để dịch cuốn sách. Yoshiharu Tsuboi trả họ 500 USD tiền dịch.
“Chúng tôi cứ theo lối Xã hội Chủ nghĩa thời đó, chia đều, mỗi người 100 USD. Lúc đó số tiền ấy rất lớn. Chúng tôi làm việc vô cùng nghiêm túc. Trong nhóm chúng tôi có tôi, giáo sư Trần Văn Giàu, nhà sử học Bùi Trân Phượng… Chúng tôi muốn có cuốn sách dịch tốt nhất có thể, cho Yoshiharu Tsuboi - Nguyễn Đình Đầu hồi tưởng - Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở đó.
Cuốn sách dịch 6 tháng mới xong. Xong rồi, in ở đâu? Nhiều vấn đề quá mới mẻ đã làm cho người ta e ngại. May nhờ những người có uy tín như giáo sư Trần Văn Giàu, ông Trần Bạch Đằng lên tiếng, nên năm 1990, Ban Khoa học xã hội Thành uỷ TPHCM đã xuất bản cuốn sách”.
Chủ trương là vậy, còn kinh phí ở đâu chẳng ai biết. Thế là, Yoshiharu Tsuboi lại đưa tiếp tiền để đi in sách.
Cuốn sách “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, 1847-1885” đã ra đời như thế. Không chỉ bỏ hàng chục năm trời nghiên cứu, viết sách, Yoshiharu Tsuboi còn bỏ tiền túi ra để đưa cuốn sách đến với người đọc Việt Nam. Tác giả nói: “Khi tôi viết, tôi đã mong có nhiều người Việt Nam đọc cuốn sách của tôi”.
Đặt Việt Nam vào thế bình đẳng
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen nhớ lại những ngày tham gia dịch sách. Bùi Trân Phượng dịch các chương III, IV, V. Tiến sĩ nói: “Tác giả đặt tên cuốn sách rất hay. Người Trung Quốc luôn coi mình là trung tâm, các nước xung quanh là chư hầu. Nhưng, với cách đặt tên cuốn sách, tác giả đã đặt Việt Nam vào thế bình đẳng, ngang hàng với Trung Quốc và Pháp”.
Giáo sư tiến sĩ Yoshiharu Tsuboi sinh năm 1948, nguyên giảng viên luật đại học Tokyo, bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1973. Hiện ông là giáo sư lịch sử chính trị và xã hội Đông Nam Á, đại học Waseda - Tokyo. Không chỉ là một trong những nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam hàng đầu của Nhật Bản, giáo sư còn tích cực làm cầu nối hữu nghị văn hóa và kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam. |
Tiến sĩ Yoshiharu Tsuboi tiết lộ: “Lúc đầu tôi đặt tên cuốn sách là Nước Đại Nam ở giữa Trung Quốc và Pháp. Nhưng sau đó tôi chọn cái tên Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, như thế sẽ khẳng định được vị thế độc lập của Việt Nam”.
Thật bất ngờ, sau khi ra đời, cuốn sách gây tiếng vang lớn, sách bán hết rất nhanh. Tuy vậy, theo dịch giả Nguyễn Đình Đầu, việc tái bản gặp nhiều trở ngại. Những quan niệm lịch sử mới mẻ vẫn còn gặp phải cái nhìn e dè.
Nhà văn Nguyên Ngọc nói, thời điểm đó, nhiều quan niệm sai lầm về lịch sử còn tồn tại, nhất là sự đánh giá về vai trò của nhà Nguyễn trong việc để Pháp xâm lược. “Tiến sĩ Yoshiharu Tsuboi lại không nghiên cứu Việt Nam (lúc đó - PV) như một thực thể chính trị phong kiến, mà ông nghiên cứu toàn diện về một bản thể xã hội Việt Nam. Thất bại không chỉ do triều đình nhà Nguyễn, mà nó còn bắt nguồn từ sâu hơn, có căn nguyên lịch sử lâu dài. Bản thân vua Tự Đức không thể là nguyên nhân của mọi thất bại. Ông cũng chỉ là một nạn nhân”.
Sau quá trình nghiên cứu khách quan, giáo sư tiến sĩ Yoshiharu Tsuboi thấy thất bại của Việt Nam trước thực dân Pháp trước hết là do thiếu sự đoàn kết, do mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích.
“Vào thời kỳ thế kỷ 19, không chỉ nhà vua mà các quan lại, các miền đều chia rẽ; Nho giáo, Ki - tô giáo xung đột với nhau. Mâu thuẫn xung đột đã khiến Việt Nam không phát huy được sức mạnh để chống lại thực dân Pháp - Tiến sĩ Yoshiharu Tsuboi nói - Thậm chí người Pháp chỉ cần sử dụng một lực lượng không lớn lắm đã có thể đánh thắng được quân đội của triều đình”.
Trong khoa học, việc khẳng định lẽ phải là vấn đề thời gian. Sau lần xuất bản tại TPHCM, các nhà xuất bản ở Hà Nội đã hai lần tái bản cuốn sách. Một điều hiếm thấy đối với tác phẩm nghiên cứu về lịch sử, nhất lại là sách “cổ sử”. Năm 2010, Công ty Truyền thông Nhã Nam quyết định tái bản lần thứ 4 cuốn sách này, trong thời gian ngắn, 2.000 bản sách đã được bán hết.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, cuộc đối đầu giữa Việt Nam với các thế lực Phương Bắc, Phương Tây phải chăng cũng vẫn đang nóng bỏng, đã khiến cho cuốn sách thu hút được sự quan tâm rộng rãi như vậy?
Trong buổi ra mắt cuốn sách trong lần tái bản thứ 4, tại Đại học Hoa Sen TPHCM, tháng 9-2011, Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu vui vẻ cho biết: “Đây là lần đầu tiên có nhà sách ký hợp đồng và trả tiền tác quyền cho tác giả Yoshiharu Tsuboi!”.
Trở lại làm việc nhiều hơn tại Việt Nam
Trở lại Việt Nam lần này, gặp các nhà trí thức và bạn đọc ở TPHCM, Yoshiharu Tsuboi làm chúng tôi ngạc nhiên khi ông mặc bộ đồ gần như đồ bảo hộ lao động. Yoshiharu Tsuboi nói: “Tôi đang cộng tác với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, và làm việc cho Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Tôi có điều kiện trở lại làm việc nhiều hơn tại Việt Nam”.
Ông đã đến Hải Phòng, Huế, với tư cách một cầu nối giữa Nhật Bản với Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế. Ông cũng quan tâm đến các di sản văn hóa Việt Nam, như châu bản triều Nguyễn và các di sản văn hóa khác.
Dường như việc mặc trên mình chiếc áo bảo hộ lao động có nhiều ý nghĩa. Ông nói: “Trong 10 năm gần đây, Trung Quốc và Hàn Quốc có tốc độ phát triển nhanh. Họ là nhà máy khổng lồ sản xuất ra nhiều hàng hóa cho thế giới. Việt Nam qua 20 năm đổi mới rồi, nhưng chưa làm được điều đó. Rất nhiều các công ty buôn bán bất động sản hoạt động để làm lợi cho mình, họ không có tầm nhìn để tạo ra các sản phẩm để đưa ra thế giới”.
Yoshiharu Tsuboi chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi chú ý phát triển nguồn tài nguyên con người. Người Nhật rất nỗ lực”. Ông vẫn lo lắng cho mảnh đất đã hóa tâm hồn của ông, mảnh đất ấy có tên là Việt Nam: “Tôi có cảm giác nhiều người Việt dù có vấn đề, nhưng lại không nỗ lực làm việc. Người trẻ tuổi của Việt Nam cần làm việc nhiều hơn nữa. Dân số Nhật Bản chưa bằng 10% Trung Quốc, người Nhật phải cố gắng làm việc nhiều hơn để không bị bỏ lại phía sau. Người Việt Nam cũng phải như thế thôi”.
Nhiều người cho rằng Việt Nam nên nỗ lực phát triển kinh tế, nhưng theo nhà nghiên cứu Yoshiharu Tsuboi, cái Việt Nam cần nhất hiện nay vẫn là phát triển văn hóa. Một nước có thể nhỏ về diện tích nhưng vẫn rất giàu có về mặt văn hóa.
Phát triển văn hóa, chính là phát triển con người. Trước khi chia tay với bạn đọc của ông ở TPHCM, Yoshiharu Tsuboi nói một câu rất ý nghĩa: “Cần phải tạo ra thật nhiều những con người biết sống trong sạch. Chính họ là sức mạnh cho đất nước Việt Nam”.