Cán bộ cấp cao nghĩ về chủ quyền

Ra với Trường Sa
Ra với Trường Sa
TP - Cán bộ cấp cao suy nghĩ về chủ quyền quốc gia có gì khác người dân? Nên ứng phó với Trung Quốc ra sao quanh vấn đề biển Đông? Nguyên Ủy viên thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị (1997-2001), giai đoạn Việt Nam và Trung Quốc tích cực đàm phán ký Hiệp định Biên giới và Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ cùng bạn đọc Tiền Phong.

> Việt Nam không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền

Ra với Trường Sa
Ra với Trường Sa. Ảnh: X.T.
 

Ông Phạm Thế Duyệt nói: “Vừa rồi, liên quan xung đột giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam trên biển Đông, các nhà lãnh đạo của ta, cũng như dưới góc độ ngoại giao, đã thể hiện thái độ rõ ràng, thẳng thắn, tôi cho thế là được. Còn đối với nhân dân, nhất là những cán bộ đảng viên về hưu, cần được thông tin rộng rãi, kịp thời để người dân hiểu biết tình hình cần thiết, cơ bản, từ đó đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước, khỏi có những băn khoăn, suy nghĩ khác.

Không nên chỉ dừng lại ở một vài phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại ngoại giao là xong, mà nhân dân mong được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để từ đó hiểu hết vấn đề. Chỉ khi hiểu đúng, mới có hành động đúng được”.

Từ kinh nghiệm cùng Bộ Chính trị lãnh chỉ đạo việc đàm phán Hiệp định biên giới và Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, chúng ta nên giải quyết vấn đề trên biển Đông ra sao, thưa ông?

Nguyên tắc bất biến là bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền đất nước. Cái gì cũng có cách giải quyết của nó. Trước đây, khi đàm phán Hiệp định biên giới, rồi Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, cũng vất vả lắm chứ. Cả nghìn cây số phải phân định, và nay đã có ranh giới rõ ràng, không phải dựa vào Công ước giữa nhà Mãn Thanh và Pháp ký trước đây nữa. Để làm được điều đó, phải dựa trên tinh thần hai Đảng, hai nhà nước anh em, cùng nằm trong hệ thống XHCN cả, nên cùng cộng đồng trách nhiệm để bàn bạc, giải quyết.

Bên cạnh đó, khi đi vào bàn bạc cụ thể, không phải mọi địa điểm đều có thể cưa đôi được, nên cũng phải có sự du di, mình thiệt chỗ này thì lợi chỗ kia. Ví dụ như trên đất liền, một vài nơi như Tục Lãm (Quảng Ninh), Thác Bản Giốc (Cao Bằng), khi bàn bạc rất khó khăn, nhưng rồi cũng giải quyết được tương đối, tất nhiên là nó cũng không thể tuyệt đối được.

Tôi cũng đến tận nơi xem, tất cả những vấn đề như thế đó là những kinh nghiệm, ta cần phải chủ động, bàn bạc với phía bạn. Hay là biên giới của ta với Campuchia, Lào, cũng có những luận điệu xuyên tạc này khác. Nhưng mình có quan điểm chính nghĩa đúng đắn về lãnh thổ quốc gia, thì bạn bè bao giờ cũng đi đến việc thống nhất được.

Tất nhiên trên biển thì có khó khăn hơn, nhưng khó khăn gì thì cũng phải có nguyên tắc của nó. Vịnh Bắc Bộ, biên giới trên biển vài ngàn cây số, khi giải quyết dù muốn hay không cũng phải căn cứ vào luật pháp quốc tế, tất nhiên không thể chính xác tuyệt đối. Có căn cứ để xem xét lãnh hải, thềm lục địa, quyền tài phán... Chứ còn giữa biển khơi mênh mông như thế, ai cũng nhận chủ quyền của mình cả, thì phải xem xét căn cứ.

Ví dụ như chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhìn lại lịch sử ta có căn cứ xác đáng hơn họ, thì mình cũng phải bàn bạc. Quan điểm của tôi là, dù có anh em, bạn bè, đồng chí thì mọi việc cũng phải bàn bạc cho nó rành mạch.

Ông Phạm Thế Duyệt
Ông Phạm Thế Duyệt .
 

Cần nói thẳng

Thời ông làm thường trực Bộ Chính trị, vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa có đặt ra với các nhà lãnh đạo Trung Quốc không?

Có đặt ra, nhưng chúng ta mới giải quyết được vấn đề cơ bản trên bộ, sau đó đến Vịnh Bắc Bộ, rồi mới đến biển Đông. Nhưng đáng ra, sau phân định biên giới, Vịnh Bắc Bộ, mình phải làm liên tục, chủ động thúc đẩy bàn bạc nốt vấn đề biển Đông, thì có thể sẽ giải quyết được. Tôi cho rằng, nếu chủ động, tích cực, thì mọi việc cũng sẽ tìm được lời giải, bớt đi được cái phức tạp.

Tôi tin là Đảng ta, các đồng chí lãnh đạo hiện nay, cũng sẽ phát huy truyền thống, kinh nghiệm của các đồng chí lãnh đạo đi trước để tìm hướng giải quyết. Mà tôi cũng nghĩ lãnh đạo Trung Quốc cũng nghĩ như thế. Phần lớn các lãnh đạo của Trung Quốc hiện nay, tôi cũng từng gặp cả, khi gặp họ đều thể hiện thiện chí với ta cả, họ cũng mong muốn làm sao để cho quan hệ làm hai nước tốt lên.

Nhưng dư luận cảm nhận chung, khi lãnh đạo cao cấp hai nước gặp nhau, có vẻ như hữu hảo. Nhưng thực tế, giữa nói và làm chưa hẳn đi với nhau?

“Tôi là người có điều kiện cùng các đồng chí lãnh đạo tham gia công việc của đất nước, càng thấy Trung Quốc và Việt Nam không thể để xảy ra chuyện mất lòng dân được. Việc làm ảnh hưởng đến lòng dân, thì đó là điều không thể nói là thiệt thòi mà là có lỗi lớn, chứ không đơn giản.

Muốn thế, phải tiếp cận với nhau, phải làm rõ ra. Còn về nguyên tắc, là phải bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ. Còn làm thế nào, hai bên nên từng bước đi đến thống nhất với nhau, đừng để nó chậm”. Ông Phạm Thế Duyệt nói.

 

Cái này thì cũng cần phải đánh giá cho đúng. Nhưng mà đất nước nào cũng vậy thôi, ở dưới có thể có những nhận thức không đúng, nhưng không thể để thành xu thế được. Cho nên, có cái gì mà nó khác với ý đồ chỉ đạo của cấp trên thì trên phải tỏ thái độ, không bao giờ lặng yên, chấp nhận cái chuyện cho rằng đấy là việc của dưới làm. Nếu có chuyện đó xảy ra, thì tôi cho rằng không đúng.

Những lãnh đạo của hai nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc ở dưới có những việc diễn ra, nhất là diễn ra có tính liên tục, phổ biến, rộng rãi, có ý đồ, thì cái đó đừng nên tránh né. Khi gặp gỡ nhau, tôi nghĩ cũng phải nói thẳng thắn, chẳng việc gì phải ngại.

Thời ông còn công tác, khi Trung ương, Bộ Chính trị họp bàn về những vấn đề liên quan đến chủ quyền, phân định biên giới giữa ta và Trung Quốc, thì nguyên tắc quan trọng nhất mà mình đặt ra là gì?

Nguyên tắc là giữ vững chủ quyền lãnh thổ, đất đai. Cụ Lý Thường Kiệt xưa cũng đã tuyên bố rồi “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, phải rõ ràng. Tôi biết, hiện các đồng chí đương chức, có nhiều việc phải làm, rất vất vả. Nhưng mà càng khó khăn càng phải chủ động, càng tích cực tiếp cận giải quyết cho đến nơi đến chốn, thì cái đó mới là điều tốt.

Với tình hình thế giới hiện nay, giữ được ổn định là cái tốt. Chứ còn để xảy ra chuyện này, chuyện kia, thì không thể nói là tốt được.

Nước to, nước bé

Thưa ông, ông có e ngại gì khi phân định biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, vì ta là nước nhỏ, họ là nước lớn, nên ta dễ bị ép không?

Nói cái đó thì nhất định cũng phải nghĩ đến. Không thể nói mình không phải lo lắng gì. Nhưng tôi cũng phải nói lại là Việt Nam khác, quan hệ của ta với Trung Quốc khác, có quan hệ nào mà được đúc kết tới 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Chỉ có hai nước XHCN mới đề ra được cái đó, đâu dễ gì. Từ những quan điểm đó, mới suy nghĩ nên ứng xử thế nào cho đúng. Chứ đừng nghĩ, hơi tí lại lấy thịt đè người, trưng lực lượng đánh nhau.

Còn tôi nói vấn đề là Việt Nam có bài học sâu sắc lắm, cả mấy ngàn năm lịch sử, tuy ta không phải là nước to, lúc nào cũng là nước bé, nhưng chưa khi nào ta chịu khuất phục. Những chuyện đó ta cũng có bài học cả rồi, từ đời Trần, Lý, Lê đến Quang Trung… đều thế cả. Còn thời đại Hồ Chi Minh, đế quốc Pháp, Mỹ to thế ta có thua không? Ta vẫn nói là đánh thắng hai đế quốc to đấy chứ.

Lo thì rất lo chứ sao không lo. Không lo làm sao mà Bác Hồ phải ký Tạm ước năm 1946, hay Hiệp định sơ bộ…, để chuẩn bị lực lượng, biết là nó đánh mình, thì mình cũng phải có mưu lược. Ta lo chứ ta không sợ.

Có gì khác giữa suy nghĩ, ý thức về chủ quyền quốc gia giữa một người dân bình thường với một người lãnh đạo Đảng, nhà nước, thưa ông?

Sao lại không? Khác nhau nhiều chứ. Các đồng chí lãnh đạo, đều là những người tiêu biểu của dân, được dân, được Đảng tín nhiệm bầu ra cả. Nên các đồng chí đều là những người mẫu mực, trước suy nghĩ của dân, ý thức cao trước dân, biết cách tập hợp trí tuệ của dân, để tạo thành trí tuệ của bộ máy lãnh đạo, quyết đáp những vấn đề đúng đắn. Càng ở vị trí cao, thì ý thức, trách nhiệm với chủ quyền đất nước càng lớn.

Còn ông biểu hiện chủ quyền ra sao?

Tôi nói từ nãy giờ cũng là thể hiện lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền rồi đó thôi (cười!). Có mâu thuẫn gì thì hai nước cũng phải gặp nhau bàn cho rõ, thẳng thắn đấu tranh cho rõ, hợp lý, thuận tình, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.