Chính phủ khóa mới dự kiến có 27 thành viên

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (bìa trái) và các đại biểu tại hành lang Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (bìa trái) và các đại biểu tại hành lang Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sáng 1- 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội quyết định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó Thủ tướng nhiệm kỳ khóa XIII (2011- 2016).

> Giới thiệu Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình làm Tổng kiểm toán Nhà nước
> Tuần này, ra mắt Chính phủ mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (bìa trái) và các đại biểu tại hành lang Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (bìa trái) và các đại biểu tại hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Một số công việc còn trùng lắp

Đánh giá việc sắp xếp cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XII được sắp xếp, điều chỉnh tinh gọn, hợp lý hơn trên cơ sở sắp xếp lại một số bộ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và chuyển tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước vào các bộ thích hợp để bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước phù hợp với Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết, đến nay một số công việc phân công chưa được rõ, chưa thực sự phù hợp, còn trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm giữa một số bộ, ngành. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế; quản lý hành chính trên một số lĩnh vực vẫn chưa thực sự thông suốt từ trung ương đến cơ sở.

Thực tiễn đang đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó cần đặc biệt quan tâm quản lý chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ chế phối hợp để quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn, nhất là đối với một số lĩnh vực đang đặt ra rất bức xúc như: Dự báo kinh tế vĩ mô; hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển; quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và doanh nghiệp nhà nước…

Chính phủ có 22 bộ, cơ quan ngang bộ

Về phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu mục tiêu, xác định rõ nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ quản lý chuyên ngành, bộ quản lý tổng hợp, HĐQT các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của cả hệ thống hành chính Nhà nước, từ Chính phủ đến UBND các cấp.

Việc tổ chức các cơ quan chuyên môn của các UBND phải bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, có tính đến đặc thù kinh tế -xã hội của địa phương. Chuyển phù hợp các dịch vụ công mà Nhà nước không cần nắm giữ để các tổ chức xã hội và doanh nghiệp thực hiện nhằm từng bước tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả của hệ thống hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIII giữ như khóa XII, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Ngoài ra, còn có 8 cơ quan thuộc Chính phủ nhưng không làm chức năng quản lý nhà nước.

Về số lượng các Phó Thủ tướng, sẽ giảm một Phó Thủ tướng so với khóa XII. Trong đó, một Phó Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo Khối Kinh tế tổng hợp và chính sách phát triển nông thôn; một Phó Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo Khối Kinh tế ngành và phát triển sản xuất; một Phó Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo Khối Văn hóa xã hội, khoa học và giáo dục; và một Phó Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo khối Nội chính và trực tiếp làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng.

Theo Thủ tướng, việc một Phó Thủ tướng trực tiếp làm Bộ trưởng Ngoại giao như khóa XII là rất cần thiết cho công tác đối ngoại, nhưng để có thêm thời gian chuẩn bị tại kỳ họp này đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Khi có đủ điều kiện Thủ tướng sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn việc bổ nhiệm chức danh Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trước mắt, Thủ tướng sẽ dành thời gian thích hợp để chỉ đạo Khối công tác đối ngoại.

Như vậy, Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII sẽ có 27 thành viên, gồm: Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng và 22 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Lượng hóa tiêu chí thành lập tổng cục

Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với những nội dung trong tờ trình của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, một số bộ có tình trạng hình thành mới các tổng cục, cục thuộc bộ, tạo nên tầng nấc trong quản lý, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả không cao.

Có ý kiến đề nghị, trong phân công nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm, tránh tình trạng trùng lắp, chồng chéo công việc giữa các phó thủ tướng, giữa phó thủ tướng với bộ trưởng cũng như các thành viên khác của Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ nhiệm kỳ tới cần khẩn trương rà soát cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, sớm khắc phục những hạn chế, bất cập; rà soát để tiếp tục tái cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; lượng hóa các tiêu chí được phép thành lập tổng cục, cục thuộc bộ. Đối với tổng cục, cục không đáp ứng đẩy đủ tiêu chí thì kiên quyết sửa đổi, cơ cấu, sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của bộ, yêu cầu cải cách hành chính.

Sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có Tờ trình về nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, sau khi trao đổi với Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu và đề nghị Quốc hội bầu ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ông Đinh Tiến Dũng sinh ngày 10-5-1961, quê quán xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cử nhân kinh tế, thạc sỹ Quản trị kinh doanh. 

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Nguyễn Văn Luật: Nên có báo cáo về số biên chế trong các bộ, ngành

Chính phủ khóa mới dự kiến có 27 thành viên ảnh 2
 

Tôi tán thành với tờ trình của Chính phủ về cơ cấu tổ chức và số Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại kỳ họp này Quốc hội cũng xem xét chủ trương nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992. Do vậy, cơ cấu Chính phủ khóa XIII cơ bản giữ nguyên để chờ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, trên cơ sở đó sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ. Khi đó, cơ cấu tổ chức Chính phủ sẽ hoàn thiện hơn.

Lẽ ra, Chính phủ nên có báo cáo với Quốc hội về số biên chế cán bộ công chức trong các bộ, ngành tăng giảm ra sao trong nhiệm kỳ khóa XII. Như vậy thì đại biểu và cử tri đỡ băn khoăn. Bởi có ý kiến cho rằng, số tổng cục, cục, vụ của một số bộ tăng, dẫn đến biên chế tăng, như vậy hiệu quả cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy chưa đáp ứng được yêu cầu.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường ( Hà Nội): Cơ cấu Chính phủ như tờ trình của Thủ tướng là hợp lý

Chính phủ khóa mới dự kiến có 27 thành viên ảnh 3

Tôi cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ trình đề án về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ XIII trên cơ sở cơ cấu Chính phủ khóa XII là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Bởi lẽ, Đảng, Nhà nước đang có chủ trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và trên thực tế cơ cấu Chính phủ khóa XII đã được tinh gọn và hợp lý hơn nhiệm kỳ trước đó bởi một số Bộ đã được tổ chức lại theo mô hình bộ đa ngành, tình trạng chia cắt hay chồng chéo trong điều hành và phân rõ trách nhiệm từng bước được khắc phục.

Nhiệm vụ của Chính phủ khóa này là rất nặng nề, nhưng tôi tin tưởng Chính phủ sẽ sớm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, xử lý tốt một số điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để Việt Nam sớm quay lại với đà tăng trưởng một cách bền vững hơn.

Phùng Sưởng - Ngọc Tiến ghi

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bộ Công an thông tin về vụ việc chuyển nhượng khu đất ‘vàng’ của Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam
Bộ Công an thông tin về vụ việc chuyển nhượng khu đất ‘vàng’ của Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam
TPO - Chiều 26/12, tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), đã cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).