Băn khoăn dùng ngoại cảm tìm mộ

Băn khoăn dùng ngoại cảm tìm mộ
TP - Ngày 19-7, tại hội thảo về Đề án “Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hòa Bình, nhiều ý kiến lo ngại việc đưa ngoại cảm vào đề án như một biện pháp để tìm hài cốt, bởi dễ bị lợi dụng, gây hệ lụy xấu...

Giám định ADN
> Có những thân nhân liệt sỹ không thể chờ lâu hơn nữa

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh, để xác định tên tuổi, quê quán cho gần 500.000 liệt sỹ vô danh là một vấn đề lớn, rất khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà làm bừa, làm ẩu như đang diễn ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh (hiện đang nổi lên nhiều người tự xưng là nhà ngoại cảm).

Có trường hợp liệt sỹ hy sinh ở Nam bộ lại dẫn đến Quảng Trị để tìm hay hy sinh ở Quảng Bình lại đưa vào tận Tây Nguyên để tìm hài cốt. “Đó là hiện tượng lợi dụng thân nhân liệt sỹ để làm ăn phi pháp. Nếu xác định mộ liệt sỹ nhưng không tìm thấy di vật gắn với hài cốt được tìm kiếm, cất bốc mà vẫn cho đó là liệt sỹ thì số liệt sỹ thật sẽ bị liệt sỹ ảo theo ngoại cảm khỏa lấp. Từ đó, số liệt sỹ hy sinh thực tế chúng ta sẽ không quy tập, cất bốc được” - ông Lĩnh nói. Vì thế, việc giám định hài cốt liệt sỹ bằng ADN sẽ được coi là biện pháp chủ đạo.

Trước mắt, Thứ trưởng Lĩnh cho rằng không nên làm đồng loạt, những mộ liệt sỹ có tranh cãi, gia đình liệt sỹ nào có nhu cầu cấp bách... sẽ được ưu tiên giám định ADN trước. Sau đó, sẽ thí điểm, nhân rộng việc giám định ADN ra các tỉnh, thành có số lượng liệt sỹ đông. Ngoài các trung tâm giám định ADN thuộc các bộ Quốc phòng, Công an, KH&CN... đã tiến hành giám định ADN hài cốt liệt sỹ lâu nay, việc trung tâm nào được giám định ADN phải do Nhà nước chỉ đạo, điều hành.

Ông Nguyễn Lê Cát - Trưởng khoa Xét nghiệm Viện Pháp y Quân đội cho rằng, việc lấy mẫu để xét nghiệm ADN là rất quan trọng, cần phải có cơ quan chuyên môn thực hiện. Sau khi đề án được Chính phủ phê duyệt, sẽ đem áp dụng tại một số nghĩa trang. “Nên cân nhắc việc đưa các nhà ngoại cảm vào Đề án vì đây là vấn đề rất nhạy cảm, không được nhiều nhà khoa học đồng tình vì kết quả thu được rất thấp. Trong khi đó, việc giám định ADN để định danh hài cốt liệt sỹ cho tỷ lệ chính xác rất cao” - ông Cát nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Công Huấn - Viện Công nghệ sinh học cũng cho rằng, phương pháp ngoại cảm chưa có đủ cơ sở khoa học để tin là đúng hay không đúng. Nếu đưa vào Đề án dễ khiến người ta ngộ nhận và sẽ xảy ra nhiều hệ lụy không hay trong xã hội.

Hỗ trợ kinh phí giám định ADN

Về vấn đề nhiều thân nhân liệt sỹ đã chi tiền cho việc giám định hài cốt liệt sỹ sẽ được Đề án hỗ trợ thế nào? Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho biết, nhiều gia đình nhờ nhà ngoại cảm tìm kiếm hài cốt nhưng vẫn không tin nên đưa đi giám định ADN. Sau đó, hầu hết kết quả đều được trả lời là không đúng nên gia đình thân nhân bị tốn kém là có thật. Tới đây, việc giám định ADN sẽ do các địa phương giới thiệu đến các trung tâm giám định của các bộ hoặc các trung tâm giám định có hợp đồng với Bộ LĐ-TB&XH, chi phí sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Với những gia đình đã tự bỏ tiền đi giám định sau này trong Đề án sẽ phân loại và có hình thức hỗ trợ phù hợp.

Về kinh phí triển khai đề án, bà Đỗ Thị Thúy Hằng, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Đề án xác định quy trình 2011-2012 lấy mẫu hài cốt mới và từ 2012-2018 lấy mẫu hài cốt trong các nghĩa trang là quy trình có tính khả thi cao. “Vấn đề là thân nhân gia đình liệt sỹ sẽ được hỗ trợ gì khi giám định ADN. Còn về phía Nhà nước, vẫn có thể chi từ 300-400 tỷ đồng/năm để lấy mẫu hài cốt liệt sỹ” - bà Hằng nói.

Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho rằng, thuận lợi lớn nhất của đề án là được Đảng và Nhà nước ủng hộ, được sự đồng tình của nhân dân nên các bộ ngành liên quan cần phải sớm hoàn tất Đề án để sớm trình Chính phủ vào cuối năm nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG