Canh chừng hải phận
Nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng và Quảng Ngãi vẫn đang nổ máy xuất bến thẳng tiến Hoàng Sa, bởi thời điểm này là mùa thu hoạch lớn nhất trong năm.
Thuyền trưởng Lê Văn Phước (tàu của xã An Vĩnh - Lý Sơn, Quảng Ngãi) đang chuẩn bị xuất bến, nói: “Mới trúng mẻ cá vừa xong, anh em ai cũng phấn khởi. Chỉ chờ 2 thuyền viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào nữa là lên đường”.
Cũng như chuyến trước, tàu anh Phước lại ra Hoàng Sa đánh bắt. Anh Phước không thể nhớ nổi bao nhiêu lần ra Hoàng Sa, và đã từng bị bắt giữ. Dù gần đây, nhiều ngư dân chuyển sang ngư trường Trường Sa, nhưng anh và nhiều thuyền trưởng khác vẫn kiên định không bỏ Hoàng Sa.
Thuyền trưởng Huỳnh Văn Chứa (tàu QNg 96338 - An Hải - Lý Sơn) khẳng định: “Nếu ngay cả chính mình còn không dám ra Hoàng Sa thì mãi mãi sẽ không còn có cơ hội ra đó. Vì thế, với sự khuyến khích của chính quyền, đặc biệt sự trợ giúp của lực lượng Bộ đội Biên phòng, chúng tôi yên tâm ra Hoàng Sa, dù ở đó là biết bao thách thức”.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, ông Võ Xuân Huyện, người trước đây là Chủ tịch huyện đảo này, cho hay, gần như tàu cá nào của ngư dân Lý Sơn ra Hoàng Sa cũng ít nhất một lần bị phía Trung Quốc bắt phạt.
“Lý Sơn là tiền đồn của Hoàng Sa, bởi thế ngư dân Lý Sơn luôn ý thức được, chính họ là con cháu hùng binh thủa trước nên cần phải bám giữ ngư trường quan trọng này” - ông Huyện nói.
“Chúng tôi cùng liên kết đi thành tổ đội 4-5 tàu thuyền với nhau để vừa đánh bắt, vừa cảnh giới và bảo vệ nhau” - ông Nguyễn Đình Châu (Sơn Trà, Đà Nẵng), thuyền trưởng tàu Đna… TS nói trước giờ ra khơi.
Bên cạnh, tàu QNg… của thuyền trưởng Phạm Lệ (Đức Phổ, Quảng Ngãi) cũng chuẩn bị trực chỉ hướng Hoàng Sa thẳng tiến.
Ông Lệ cho biết, từ đây chỉ mất vài trăm hải lý là tới. Đi bình thường mất hơn ngày nhưng giờ muốn cho chắc phải mất thêm nửa ngày để canh chừng các loại tàu lạ, tàu chiến.
Ngư dân Lê Văn Chiến (tàu Đna…) cho biết: Chúng tôi ngoài việc đánh bắt luôn nghe ngóng canh chừng tàu nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. Anh Chiến là một trong số ngư dân được Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen vì thành tích đóng góp bảo vệ chủ quyền trên biển.
Biên phòng sát cánh ngư dân
Đồn Biên phòng 248 hằng năm luôn mở lớp tập huấn cho hàng trăm ngư dân về phương thức tự vệ, duy trì liên lạc và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và đẩy đuổi tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận Việt Nam.
Thiếu tá Trần Hữu Thanh - Đồn trưởng cho biết: “Giữa đồn và ngư dân có thỏa thuận nguyên tắc kết nối thông tin 24/24. Đa phần các vụ việc phát hiện tàu lạ, sau khi được thông báo, chúng tôi hướng dẫn bà con cách thức tổ chức đẩy đuổi, để họ không tiến sát vào ngư trường mình. Đồng thời, chúng tôi thông báo cho Hải đội 2 xuất tàu làm nhiệm vụ” - Thiếu tá Thanh nói.
Hải đội 2 - đơn vị vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng là hải đội của BĐBP Đà Nẵng, với công tác tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển Đà Nẵng.
Thiếu úy Nguyễn Tống Khiêm, người nhiều lần làm nhiệm vụ đẩy đuổi tàu Trung Quốc, kể: Chúng ta tuyên truyền với ngư dân Trung Quốc là chủ yếu. Khi tiếp cận hiện trường, mở băng tiếng Trung, phát tuyên truyền cho họ hiểu. Thời gian gần đây, đa phần họ đã biết sợ, thấy tàu biên phòng là bỏ đi ngay.