Những người thầm lặng trong ngày 30-4

Ông Bảy Ước (đứng thứ 3 từ phải qua) trong buổi phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh
Ông Bảy Ước (đứng thứ 3 từ phải qua) trong buổi phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh
TP - Quê ở Hưng Yên, năm 1967 ông Trịnh Ngọc Ước (Bảy Ước) nhập ngũ và được biên chế vào trung đoàn 66, sư đoàn 306. Năm 1967, ông cùng đơn vị đánh vào Khe Sanh, Quảng Trị sau đó tham gia giải phóng Đà Nẵng rồi được lệnh hành quân vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

> Kỷ niệm 36 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam
> Sài Gòn ! Sài Gòn

Ông Bảy Ước hiện nay đã nghỉ hưu
Ông Bảy Ước hiện nay đã nghỉ hưu.

Ngày 30-4-1975, đơn vị ông có mặt sớm nhất tại Dinh Độc Lập, ông là người chứng kiến cuộc ghi âm và phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh.

Sáng 30-4-1975, Trung đoàn 66 tiến về Sài Gòn sau khi đã đánh chiếm giải phóng căn cứ Nước Trong (tại huyện Long Thành, Đồng Nai). Có mặt trong đội hình Trung đoàn 66, ông Bảy Ước cùng đơn vị hành quân đến ngã tư Hàng Xanh thì không biết đường đến Dinh Độc Lập. Đang hỏi thăm đường, thì một bác trên 60 tuổi xung phong lên xe dẫn đường, trên tay bác cầm một gói nhỏ được bao bọc bởi tờ giấy báo. Nhờ vậy, cả đoàn xe nhanh chóng tiến về Dinh Độc lập, xe qua cầu Thị Nghè, rẽ qua sở thú Thảo Cầm Viên rồi thẳng tiến về Dinh Độc Lập.

Đến công viên trước Dinh Độc Lập, trong không khí xúc động, chúng tôi không kịp cảm ơn, không kịp hỏi tên, thì bác dẫn đường nhảy xuống xe, để lại gói đồ rồi nhanh chóng hoà vào đám đông dân chúng đang chào đón bộ đội bên đường. Mở gói đồ ra, chúng tôi bất ngờ đó là một lá cờ hai màu xanh và đỏ của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam.

Anh lái xe tên Vân quê ở Thanh Hoá cầm cờ cùng chúng tôi tiến vào Dinh Độc Lập khi đó đã bị xe tăng húc đổ cổng. Đến sảnh Dinh Độc Lập, trong khi chúng tôi cùng các cán bộ Trung đoàn 66 trao đổi với đại diện của chính quyền Sài Gòn, thì anh Vân cầm cờ cùng một số chiến sĩ chạy lên ban công dinh đứng phất cờ reo mừng chiến thắng.

Ông Bảy Ước (đứng thứ 3 từ phải qua) trong buổi phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh
Ông Bảy Ước (đứng thứ 3 từ phải qua) trong buổi phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.

Ông Bảy Ước khẳng định đó là một trong những lá cờ đầu tiên của quân giải phóng được phất trên Dinh Độc Lập, sau đó là lá cờ do anh Bùi Quang Thận mang lên treo ở cột cờ trên nóc dinh.

Một vấn đề khác chúng tôi cũng may mắn có nhờ được người dân Sài Gòn giúp đỡ đó là khi chúng tôi đưa Tổng thống Dương Văn Minh qua đài phát thanh Sài Gòn để phát lời đầu hàng hàng vô điều kiện. Đến đài, các nhân viên đài đã bỏ đi hết, chỉ còn một bác lao công. Nhờ bác đi tìm, một số nhân viên quay trở lại đài và tích cực hợp tác. Chúng tôi nhanh chóng phát đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh vào lúc 10 giờ 45’ ngày 30-4-1975.

Rời quân ngũ sau ngày giải phóng, ông Bảy Ước công tác tại UBND tỉnh Đồng Nai cho đến ngày nghỉ hưu. Nói về sự kiện 30-4-1975, ông Bảy Ước cho rằng Đây là một chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam, tôi là một người lính may mắn chứng kiến thời khắc sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.

Đã có quá nhiều sự kiện lịch sử về ngày chiến thắng này được mọi ngươì biết đến. Tôi chỉ nhắc đến những người dân Sài Gòn đã góp sức thầm lặng trong ngày chiến thắng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.