Hơn 1.400 lao động đã về nước

Hơn 1.400 lao động đã về nước
TP - Ngày 1-3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đã có 1.442 lao động từ Libya về nước an toàn và dự kiến trong ngày 2 và 3-1, sẽ có thêm khoảng 1.000 lao động nữa được chủ sử dụng lao động đặt vé máy bay về Việt Nam.

> Thức ăn đã có, quá cảnh thuận lợi

Vào lúc 14 giờ 45 phút ngày 1-3, chuyến bay mang số hiệu QR614 từ Doha (UAE) chở 50 lao động Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Số lao động này do Cty Isalco và Cty JV Net đưa đi. Cùng với 60 lao động về nước trong tối 28-2 và 32 lao động về nước trong sáng 1-3, số lao động Việt Nam tại Libya về nước tính đến 16 giờ ngày 1-3 là 1.075 người.

Trong tối 1-3, có thêm 49 lao động được đưa về nước bằng máy bay thương mại và 318 lao động được đưa về từ Cairo (Ai Cập) bằng chuyên cơ của Vietnam Airlines. Như vậy, tính đến hết ngày 1-3, đã có 1.442 lao động từ Libya về đến Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, theo dự kiến, trong hai ngày 2 và 3-3, sẽ có thêm khoảng 1.000 lao động nữa được chủ sử dụng lao động đặt vé máy bay để về Việt Nam. Các đối tác và chủ sử dụng lao động Việt Nam đã và đang triển khai đưa 9.189 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng Libya (Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia, Hy Lạp, Algeria…). Trong đó, có tổng cộng 6.196 lao động Việt Nam đã được sơ tán sang các nước thứ ba.

Cụ thể, 841 lao động đã sang Ai Cập (100 lao động đã về nước); 943 lao động đang làm thủ tục nhập cảnh Hy Lạp; 1.519 lao động đã nhập cảnh Malta (450 lao động đã về nước); 800 lao động đã sang Tunisia; 1.801 lao động đã sang Thổ Nhĩ Kỳ; 292 lao động đã sang Algeria.

Ngoài ra, còn có hơn 1.000 lao động Việt Nam đang được tập trung tại bến cảng Benghazi (Libya) để sơ tán sang Malta, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp; 300 lao động Việt Nam đang tập trung tại khu vực gần biên giới Libya và Ai Cập; khoảng 700 lao động đang di chuyển tập trung tại biên giới Tunisia, Algeri số còn lại đang tập trung tại sân bay Tripoli và cảng biển Tripoli (Libya).

Cùng ngày, ông Phạm Sỹ Tam - Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, ở sân bay Cairo vẫn còn hàng trăm lao động đang chờ để về nước, phần lớn họ bị mất hộ chiếu. Nhiều lao động đã trải qua một tuần mệt mỏi do đói, rét nên sau khi được cấp giấy thông hành, nguyện vọng của lao động là muốn về nước sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, theo ông Tam, việc mua vé máy bay cho lao động gặp khó khăn do sân bay Cairo đang tập trung rất đông lao động các nước chờ sơ tán. Trong khi đó, thủ đô Cairo vẫn đang có lệnh giới nghiêm từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước, hiện không chỉ Libya mà tình hình tại Bahrain và Oman - nơi đang có rất nhiều lao động Việt Nam làm việc cũng đang xảy ra các cuộc biểu tình chống đối Chính phủ.

Cục đã chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn cấp rà soát lao động đưa đi làm việc tại Bahrain và Oman cũng như địa chỉ và điện thoại liên hệ của đối tác. Các doanh nghiệp có lao động tại Bahrain và Oman cần sớm báo cáo Cục số lao động và phương án hỗ trợ lao động khi cần thiết.

Cùng ngày, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã ra văn bản chỉ đạo doanh nghiệp theo dõi sát tình hình, đồng thời báo cáo ngay Đại sứ quán Việt Nam tại Cô-oét để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý kịp thời. Các cán bộ đại diện của doanh nghiệp cũng cần khuyến cáo lao động tránh xa những địa điểm có biểu tình để phòng tránh thương vong.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG