Phạm Công Danh vì sao lọt được vào ngân hàng?

Trước khi ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, ông Danh chưa từng kinh doanh ngân hàng. Ông kinh doanh vật liệu xây dựng.
Trước khi ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, ông Danh chưa từng kinh doanh ngân hàng. Ông kinh doanh vật liệu xây dựng.
Những gì mà Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, và các đồng phạm đã thực hiện nhằm rút tiền, gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng này, kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã làm rõ.

Trong bài viết dưới đây, người viết chỉ tập hợp lại những thông tin mà bạn đọc băn khoăn: Phạm Công Danh đã đặt chân vào Ngân hàng Xây dựng như thế nào?

“Tay không bắt giặc?”

Tiền thân của Ngân hàng Xây dựng là Ngân hàng TMCP Đại Tín. Năm 2011, Đại Tín đã có tên trong danh sách chín tổ chức tín dụng yếu kém cần phải tái cơ cấu. Lúc bấy giờ Đại Tín có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng và tổng vốn huy động khoảng trên 10.000 tỉ đồng, nhưng dư nợ cho vay thì luôn cao hơn vốn huy động, nên ngân hàng là đối tượng chào mua vốn thường xuyên trên thị trường liên ngân hàng.

Có thời điểm, theo một số nguồn chuyên kinh doanh tiền đồng liên ngân hàng khi ấy, Đại Tín đã vay các tổ chức tín dụng khác trên liên ngân hàng tới 3.000-4.000 tỉ đồng. Trên thực tế, đó không phải con số lớn đối với các ngân hàng như ACB, Vietcombank hay các đơn vị luôn ở vị trí chào bán vốn khác. Tuy nhiên nó không hề nhỏ với Đại Tín vì vốn của Đại Tín vào năm 2005, thời điểm trào lưu ngân hàng nông thôn chuyển thành đô thị bùng phát, có 70 tỉ đồng.

Cổ đông to nhất của Đại Tín ngày đó là nhóm nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chủ yếu kinh doanh bất động sản. Nhóm nhà đầu tư này nắm giữ khoảng 85-90% cổ phần Đại Tín tùy thời điểm và khách hàng vay vốn đa phần là các công ty có sở hữu cổ phần của ngân hàng.

Rót quá nhiều tín dụng cho bất động sản vào đúng thời điểm thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao, nợ không thu được đúng hạn, Đại Tín rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản là việc tất yếu. Trên báo cáo tài chính, nợ xấu của Đại Tín rất thấp, nhưng con số thực chắc chắn không như báo cáo. Trong cuộc trả lời phỏng vấn người viết bài này vào ngày 28-6-2014 ông Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng, cho biết: “Lỗ lũy kế của ngân hàng là con số lớn, không ai dám nói cụ thể. Lỗ là do khoản nợ xấu cũ không sinh lời, nó là hai chữ số của ngàn tỉ”. Ông Mai thêm: “Số nợ này không tạo ra lợi nhuận, nhưng luôn phải có nguồn huy động để duy trì thanh khoản cho nó. Chi phí duy trì làm lỗ hàng ngày dồn lại. Mỗi ngày mở mắt ra các cổ đông mất đi hàng tỉ đồng”.

Ông Phạm Công Danh và nhóm cổ đông mới tiếp quản Ngân hàng Xây dựng từ đầu năm 2013 và đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 29-7-2014, họ đã rút từ Ngân hàng Xây dựng hơn 18.000 tỉ đồng và gây thiệt hại cho ngân hàng 9.000 tỉ đồng, theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Nằm trong danh sách các ngân hàng yếu kém, Đại Tín bị đặt trong tình trạng kiểm soát của thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cụ thể là của thanh tra, giám sát chi nhánh NHNN Long An. Trong bối cảnh đó, sau khi đối chiếu công nợ của nhóm khách hàng “sân sau” vay tiền tại đây, đánh giá lại giá trị tài sản thế chấp cùng với giá trị cổ phần, cổ phiếu nắm giữ của họ, cơ quan quản lý hướng tới việc tìm nhóm nhà đầu tư mới có khả năng tài chính, bỏ tiền vào Đại Tín để vực dậy ngân hàng, thay cho nhóm cũ.

Về mặt lý thuyết, nhóm cổ đông mới ngoài tiềm lực tài chính (có tiền thực sự) để giải quyết những khoản nợ xấu, đồng thời có vốn cho Đại Tín hoạt động tiếp, phải có trình độ, kinh nghiệm trong quản trị, kinh doanh ngân hàng. Những “tay mơ”, “kẻ ngoại đạo” chưa từng làm quen với môi trường kinh doanh ngân hàng đương nhiên không thể là ứng cử viên cho Đại Tín.

Sau những cuộc thương lượng có xung đột, va chạm giữa nhóm cổ đông cũ và mới, tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh và nhóm cổ đông mới đã nhận gánh toàn bộ các khoản nợ của nhóm cổ đông cũ, đi kèm với số cổ phần do nhóm này chuyển nhượng. Tham vấn một quan chức NHNN về sự thay đổi vị trí “ông chủ” trên, liệu nhóm cổ đông mới có trả cho nhóm cũ số tiền nào không, ông nói “có lẽ là không. Nhóm mới phải bỏ tiền vào tăng vốn và giải quyết nợ xấu”.

4.500 tỉ đồng từ đâu ra?

Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, khi Đại Tín đã đổi sang tên mới Xây dựng, ông Mai nói tháng 11-2013 các cổ đông mới đã bỏ thêm 4.500 tỉ đồng vào ngân hàng để tăng vốn lên 7.500 tỉ đồng. Ông Mai khẳng định tiền đã chuyển vào tài khoản phong tỏa ở ngân hàng theo quy định pháp luật.

Sau cuộc phỏng vấn, chúng tôi đã kiểm tra thông tin tăng vốn của Ngân hàng Xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (ngân hàng là công ty đại chúng và việc tăng vốn phải tuân thủ quy định Luật Chứng khoán). 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận đầu tháng 1-2014 đã nhận được báo cáo kết quả chào bán cổ phần riêng lẻ số 365/2013/BC-VNCB ngày 25-12-2013 của Ngân hàng Xây dựng. Theo báo cáo, số lượng cổ phần mà Ngân hàng Xây dựng chào bán riêng lẻ thành công là 450 triệu, tương đương 4.500 tỉ đồng mệnh giá.

Tuy nhiên vào lúc đó nguồn tin ở NHNN cho biết NHNN chưa cấp phép cho Ngân hàng Xây dựng tăng vốn thêm 4.500 tỉ đồng.

Như vậy, việc thực hiện các thủ tục để tăng vốn nhưng chưa được cấp phép cho tăng ở Ngân hàng Xây dựng, có thể là có thực. Vấn đề là nhóm cổ đông mới có thực sự có 4.500 tỉ đồng tiền tươi thóc thật, hay họ vay mượn ở đâu, hay họ lấy tiền của chính Ngân hàng Xây dựng theo chiêu thức “lấy mỡ nó rán nó” như một số ông chủ ngân hàng thường tiến hành? 

Nên nhớ ông Danh và nhóm cổ đông mới tiếp quản Ngân hàng Xây dựng từ đầu năm 2013 và đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 29-7-2014, họ đã rút từ Ngân hàng Xây dựng hơn 18.000 tỉ đồng và gây thiệt hại cho ngân hàng 9.000 tỉ đồng theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Trước khi ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, ông Danh chưa từng kinh doanh ngân hàng. Ông kinh doanh vật liệu xây dựng. Không biết kinh nghiệm kinh doanh vật liệu xây dựng có giúp ích gì, hoặc có liên hệ mật thiết nào tới kinh doanh ngân hàng? 

Có điều buôn bán vật liệu xây dựng chắc không phức tạp như nghiệp vụ huy động, cho vay tiền của ngân hàng, cũng không cần có tài sản thế chấp, đảm bảo khoản vay gì cả. Nhưng ông Danh đã học rất nhanh trong thời gian ngắn những thủ thuật như nâng giá trị tài sản thế chấp cao hơn giá trị thật để vay được nhiều tiền ngân hàng.

Theo Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
MỚI - NÓNG