>Thưởng Tết: Kẻ chắc có, người lo… không
Mặc dù theo quy định, đến ngày 20-12 mới là hạn cuối báo cáo tình hình lương, thưởng, chăm lo tết nhưng tính đến hết ngày 14-12, thông tin từ các quận huyện trên địa bàn TP cho thấy mức thưởng tết năm nay không bằng năm ngoái.
Giảm mạnh
Theo ông Nguyễn Hữu Long - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 4, hiện có 214 DN trên địa bàn quận xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng với mức cao nhất 15 triệu đồng, thấp nhất 800.000 đồng/người. So với năm ngoái (mức cao nhất đạt 20 triệu đồng, thấp nhất 1 triệu đồng/người) thì năm nay mức thưởng tết đã thấp hơn.
Theo báo cáo thống kê của liên đoàn lao động các quận huyện, nếu như năm ngoái mức thưởng tết phổ biến là bằng một tháng lương thì năm nay nhiều DN đề xuất mức thưởng tết chưa bằng mức lương cơ bản, thậm chí nhiều nơi mức thưởng còn chưa bằng mức lương tối thiểu.
Cụ thể, tại quận 2 và 6, mức thưởng thấp nhất chỉ 2 triệu đồng/ người. Tại quận Gò Vấp, theo ông Giang Văn Nam - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động quận, mức thưởng tết năm nay không tăng, thậm chí còn thấp hơn năm trước, dao động từ 2-3,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tấn Định, phó Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM, cho hay tính đến ngày 14-12, đã có 146 DN báo cáo mức trả lương, thưởng tết. Trong đó, với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng cao nhất hơn 217,3 triệu đồng, DN có mức thưởng cao thứ nhì đạt 83,9 triệu đồng, thấp nhất hơn 2,1 triệu đồng (bằng mức lương tối thiểu). Khu vực DN trong nước có mức thưởng cao nhất trên 70 triệu đồng, mức thấp nhất 2,1 triệu đồng.
Như vậy, mức thưởng bình quân của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài là 4,4 triệu đồng, mức thưởng bình quân của khối DN trong nước là 2,8 triệu đồng. Về ngành nghề, năm nay khối DN điện, điện tử có mức thưởng bình quân cao nhất (5 triệu đồng), kế đến là DN cơ khí 3,55 triệu đồng, tiếp đó là DN may mặc, da giày 3,4 triệu đồng. Mức bình quân thấp nhất là nhóm DN kinh doanh thực phẩm: 2,5 triệu đồng.
Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động quận 11, địa bàn quận hiện có Công ty TNHH Việt Thắng, Công ty may Minh Phụng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và sẽ thu hẹp sản xuất, gây ảnh hưởng khoảng 100 lao động. Tại huyện Củ Chi, hiện có hai DN dự kiến không có khả năng trả lương, thưởng đúng hạn gây ảnh hưởng đến 1.030 lao động.
Cá biệt có Công ty Việt Star hứa thưởng tết nhưng lại xin “nợ” tiền thưởng đến tháng 3-2013 mới trả. Tại quận Bình Thạnh, hiện có một DN cho biết sẽ giải thể vào ngày 1-1-2013 và cho công nhân nghỉ việc. DN này cũng không có khả năng thưởng tết.
Bắt đầu điều chỉnh lương tối thiểu
Ngày 14-12, Công ty Freetrend (KCX Linh Trung 1) đã chính thức công bố mức điều chỉnh lương tối thiểu cho công nhân. Mức điều chỉnh từ 2,7 triệu đồng lên 3 triệu đồng/người/tháng, đồng thời vẫn duy trì các khoản phụ cấp đã có. Đây cũng là DN đầu tiên trong KCX Linh Trung 1 công bố mức điều chỉnh.
Tại quận Bình Tân, Công ty nhựa Duy Tân với quy mô trên 2.000 lao động đã điều chỉnh lương tối thiểu từ 2,2 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Thanh Sang, đại diện Liên đoàn Lao động huyện Củ Chi, cho biết: “Các DN trên địa bàn đều chủ động điều chỉnh lên mức trên 2,4 triệu đồng/tháng.
Gia đình chị Phạm Thị Hường, công nhân Công ty liên doanh Bohemia Sài Gòn (Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM), tranh thủ sắm đồ tết cho con. |
Trường hợp những DN khó khăn lắm cũng đã chuẩn bị mức điều chỉnh tăng thêm từ 100.000-200.000 đồng/tháng. Riêng Công ty Pouyuen (quy mô trên 70.000 lao động) cho biết sẽ công bố mức điều chỉnh lương tối thiểu vào ngày 17-12.
Ông Vương Phước Thiện, chủ tịch công đoàn các KCX-KCN, nhận định: “Tình hình chung là các DN trong khu sẽ căn cứ vào mức điều chỉnh của những DN lớn như Freetrend, Pouyuen... rồi sau đó mới tính toán lại để điều chỉnh cho DN mình theo nguyên tắc không quá cao hoặc quá thấp hơn những DN lớn”.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Thủ Đức, mặt bằng lương chung ở các DN khu vực Thủ Đức là từ 2,5- 2,8 triệu đồng, cộng các khoản phụ cấp thì đạt khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Nhiều DN đã chuẩn bị mức điều chỉnh lương tối thiểu từ 2,5-2,7 triệu đồng, trong khi mức điều chỉnh thực tế theo nghị định 103/2012/NĐ-CP lại thấp hơn dự đoán nên hầu như các DN đều đã chuẩn bị sẵn sàng phương án thực hiện.
Ráng giữ chân công nhân Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, cho biết so với năm ngoái, mức thưởng dành cho người lao động trực tiếp và gián tiếp của công ty tăng gần 20%. “Bình quân mỗi người lao động sẽ nhận được mức thưởng tết khoảng 9,9 triệu đồng và sẽ được trả trước tết nửa tháng để họ đi mua sắm” - ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, mức thưởng tết nói trên tương ứng với hai tháng lương bình quân thực nhận của người lao động “và là mức khá tốt trong ngành hiện nay” - ông Hùng nhận xét. Cũng tăng mức thưởng lên 20% so với năm ngoái, ông Nguyễn Đình Kim, giám đốc DNTN giày Á Châu (Asia), cho hay mức thưởng tết bình quân của người lao động năm nay của Asia khoảng 7 triệu đồng/người. Có 900 công nhân làm việc, ông Kim cho biết ngoài khoản thưởng tết nói trên, công ty còn dành tặng mỗi công nhân một phần quà tết trị giá xấp xỉ 1 triệu đồng/phần quà. Dù chỉ còn khoảng 100 công nhân, kể cả nhân viên hành chính, nhưng ông Phùng Đình Ngọ, giám đốc Công ty may Bình Hòa, vẫn cố gắng đảm bảo mức lương tháng 13 thưởng tết cho người lao động bình quân 3-4 triệu đồng/người, một phần quà từ 500.000-1 triệu đồng/phần cho những ai có đóng góp hiệu quả cho công ty. “Năm nay DN vừa và nhỏ như chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Nhưng cũng phải ráng để người lao động có thêm chút thu nhập vì ai đi làm cũng mong được có chút gì vào dịp lễ tết” - ông Ngọ trầm ngâm nói. T.V.Nghi |
Theo Mai Hương
Tuổi trẻ