Chật vật tìm 'cửa' vay tiền

Sau Tết, các ngân hàng vẫn chưa hết căng thanh khoản. Ảnh: Hồng Vĩnh
Sau Tết, các ngân hàng vẫn chưa hết căng thanh khoản. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sau Tết, tiền gửi tại các NHTM đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, do chính sách tín dụng vẫn thắt chặt, các nhà băng đều thận trọng và từ chối nhiều khoản cho vay. Vậy tiền đang đi đâu?

> Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: 'Làm những gì đã hứa!'

Sau Tết, các ngân hàng vẫn chưa hết căng thanh khoản. Ảnh: Hồng Vĩnh
Sau Tết, các ngân hàng vẫn chưa hết căng thanh khoản.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Vay tiêu dùng, đầu tư đều khó

Cần tiền hoàn thiện nốt căn biệt thự mới xây, từ trước Tết chị Hạnh ở quận Tây Hồ (Hà Nội) đã hỏi vay tại một số ngân hàng, nhưng không được, dù có tài sản thế chấp, giấy tờ sổ đỏ đầy đủ, lại có quan hệ với cán bộ ngân hàng.

Đến một chi nhánh của Techcombank, chị hỏi vay 2 tỷ đồng nhưng chỉ được gật đầu cho vay 1 tỷ, với lãi suất 22%/năm. Lãi suất quá cao, chị tới chỗ giám đốc chi nhánh một NHTMNN, nơi khá dồi dào tiền, ông này cũng lắc đầu nói chị cố chờ hết quý I. “Quan điểm chỉ đạo của ngân hàng mẹ là không thêm bất cứ khoản vay tín dụng tiêu dùng nào lúc này, nên chúng tôi không thể cho vay”- Ông nói.

Cũng tương tự, một cá nhân có nhu cầu vay tiền đóng học cho con tại nước ngoài kể, trước Tết chị cũng dạm hỏi vay một chi nhánh Agribank, nhưng cũng nhận được câu trả lời gắng chờ hết tháng 3 này xem sao. “Trong khi khoản đóng học cho con thì đến ngày giờ không thể chờ được, tôi phải tìm cách khác xoay xở”- chị than.

Không chỉ cá nhân vay tiêu dùng gặp khó, ngay cả với các doanh nghiệp có nhu cầu cũng đều nhận được câu trả lời, chờ hết quý I. Ông Phương, một doanh nghiệp trong ngành nhựa đang có nhu cầu vay 5 tỷ đồng tín chấp bằng chính tài khoản giao dịch tại chính ngân hàng nơi Cty ông mở tài khoản, để hoàn thiện cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh, nhưng cũng nhận được lời khuyên từ giám đốc khối khách hàng một ngân hàng, cố gắng chờ chút hoặc chỉ có thể giải ngân 2 tỷ, số còn lại nhận vào tháng sau.

Theo thông tin từ các NHTM, từ đầu năm đến nay do không tìm được nguồn vay từ tiền đồng, khá đông khách hàng có nhu cầu đang chuyển hướng sang vay ngoại tệ. Với mức lãi suất phổ biến 5-6%/năm ngay cả khi đã tính trượt giá VND, du di trong khoảng 2-3% trong năm 2012 như lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói, thì nhiều khách hàng cho rằng vẫn thấp hơn chút đỉnh so với mức lãi suất 18-19%.

Vì sao đi vay tiền đồng với lãi suất cao mà vẫn khó? Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo ABBank cho hay tại thời điểm này không chỉ ngân hàng ông mà hầu hết các ngân hàng đều đóng cửa với các khoản vay tiêu dùng. Ngay cả với USD tại thời điểm này cũng khó mà vay vì nguồn tiền gửi ngoại tệ phần lớn đã sử dụng. Tại thời điểm này, ngân hàng chủ yếu cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, nhưng cũng chỉ cho vay ngắn hạn đầu tư vào khối thương mại, dịch vụ và những món vay quay vòng vốn nhanh.

“Chúng tôi vừa giải ngân món vay vài chục tỷ đồng cho một doanh nghiệp làm ăn tốt. Nhưng với doanh nghiệp bất động sản tuyệt đối không”, ông nói. Hiện lãi suất cho vay thương mại dịch vụ vẫn trên 20%/năm.

Tiền nằm đâu?

Trước và sau Tết Nhâm Thìn, PV Tiền Phong đã có dịp trao đổi với lãnh đạo NHNN cũng như các NHTM. Câu hỏi đặt ra: vì sao số dư tiền gửi cuối 2011 có tăng, tăng trưởng tín dụng thấp (cung tiền cho ra rất hạn hẹp), NHTM vẫn căng thẳng về thanh khoản, vậy tiền đang ở đâu? Câu trả lời từ một người có trách nhiệm từng có thâm niên lâu trong ngành ngân hàng: “Tiền nằm trong chính hệ thống ngân hàng”.

Bất động sản tê liệt, tiền chưa vào chứng khoán, thị trường vàng, ngoại tệ cũng yên ắng, tiền ở ngân hàng vậy tại sao lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có lúc vọt lên tới hơn 30%? “Vì tiền chỉ dồi dào ở các ngân hàng lớn, và lúc này đa phần được sử dụng kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cực cao (có lúc lên tới 30%) hoặc nằm im bất động”, ông này nói.

Tại sao NHNN không ra tay can thiệp, bơm tiền? Chiều 1-2, một lãnh đạo NHNN chia sẻ: “Tất cả những điều trên chúng tôi đều biết. Câu chuyện ở chỗ đây là thời điểm NHNN đang tập trung lo “dọn dẹp” những vấn đề liên quan đến thanh khoản, chuẩn bị cho một đợt sáp nhập ngân hàng yếu. Ngay khi xử lý được, NHNN sẽ bơm tiền ra nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát và làm sao bơm cho đúng địa chỉ”- Ông khẳng định.

Cũng theo ông, báo cáo từ các NHTM gửi về cho thấy nhiều NHTM trước Tết gặp khó khăn thanh khoản khi dòng vốn huy động sụt giảm mạnh, thì chỉ trong 2 ngày sau Tết, lượng tiền của dân tại ngân hàng khá khả quan. Lãi suất thị trường liên ngân hàng qua Tết cũng giảm nhẹ vì cầu vay liên ngân hàng không tăng, một số ngân hàng chào lãi suất khá thấp cho những đầu mối vay có uy tín nhưng nhiều ngân hàng không có nhu cầu.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cũng lo

Trao đổi với Tiền Phong ngay tại phiên đánh cồng khai xuân thị trường chứng khoán, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng không giấu được sự lo ngại trước những khó khăn của khối các doanh nghiệp đang niêm yết. Theo người đứng đầu ngành chứng khoán, doanh nghiệp thực sự đang đói vốn, nếu cứ thắt chặt tiền tệ quá, e sẽ có những hậu quả.

“NHNN cần phải nới thay vì tiếp tục siết tín dụng. Thật khó cho cơ quan điều hành tiền tệ vì làm sao rót vốn vào đúng địa chỉ. Nhưng nếu cứ thắt thế này, nhiều doanh nghiệp sẽ ngạt thở không chịu được”- Ông e ngại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG