> Hà Nội thưởng Tết cao nhất hơn 67 triệu đồng
TS Dũng đề xuất tách ra 2 loại thuế để tính hiệu quả hoạt động của DNNN. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh. |
Ông nhìn nhận như thế nào về chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay?
Đầu vào của DNNN cơ bản là nguồn từ nhà nước chứ không phải do vốn kinh doanh của DN. Nhà nước giao vốn, tài sản cho DNNN kinh doanh. Hơn nữa, DNNN còn kinh doanh trong những lĩnh vực rất có ưu thế, lợi thế cạnh tranh, sản xuất những sản phẩm có tính chất đặc biệt như khai thác khoáng sản, dầu khí, than... Đó là những lĩnh vực gần như kinh doanh độc quyền.
Thế nhưng, hiện nay chúng ta không phân biệt rõ giữa vốn sở hữu và hoạt động sản xuất kinh doanh trên vốn sở hữu đó. Dẫn đến, có sự không minh bạch trong đánh giá hiệu quả kinh doanh của DNNN. Cụ thể hơn là giá trị gia tăng của DNNN là gì không rõ.
Đáng ra, DNNN phải chia tiền lương trên cơ sở giá trị gia tăng của mình nhưng thực tế họ đang tính lương trên tổng doanh thu, vốn của nhà nước. Dẫn đến DNNN ăn vào chi phí chứ không phải hiệu quả. Cái gốc vấn đề là ở chỗ này. DNNN đẩy đơn giá tiền lương tối thiểu cao lên. Trong khi tổng quỹ lương thì nhà nước lại thỏa thuận với họ. Nói tóm lại, lương DNNN đang ăn vào tài sản chứ không phải ăn vào hiệu quả, vậy nên kinh doanh thua lỗ vẫn lương cao.
Như vậy, theo ông bất cập này bắt nguồn từ hệ thống chính sách của nhà nước trong phê duyệt đơn giá tiền lương của DNNN?
Có nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng là có vấn đề về chính sách, cơ chế. Nhà nước không kiểm soát được, đặc biệt là lỗ, lãi và phân bổ đầu ra của DNNN. Hiện cơ quan quản lý tiền lương mới chỉ quản lý đầu vào. Tức là cho DNNN tính hệ số, đơn giá (đầu vào) nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh có lỗ thì cũng đã chia từ đầu kia rồi. Nếu tính lương trên cơ sở giá trị gia tăng thì lỗ chổng vó lấy đâu tiền mà chi lương, lương bằng không chứ không thể cao như vậy.
Cơ chế như vậy mới có chuyện DN tìm cách giải thích lỗ là do giá nhà nước không để cho theo thị trường. Trong khi, đơn vị lại đi kinh doanh ngoài ngành. Tất cả những điều này đều không rõ ràng và ngụy biện. Theo tôi, phải làm rõ phần nào DNNN có được do lợi thế độc quyền, chứ hiện nay không biết hiệu quả thế nào, chỉ biết lương rất cao.
TS Nguyễn Hữu Dũng. |
Vậy cải cách tiền lương lần này cần xác định lại lương DNNN như thế nào, thưa ông?
Cải cách tiền lương trong DNNN phải gắn liền với giám sát toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt giám sát kết quả đầu ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nếu giám sát lương không thì chỉ chiếm 8% doanh thu còn hơn 90% kia không bao giờ quản được. Tiếp đến, phải thực hiện nguyên tắc rất quan trọng là trả lương theo năng suất lao động và kết quả đầu ra của DN.
Kết quả đầu ra không phải là doanh thu mà là giá trị gia tăng, lợi nhuận. Thêm nữa, phải giám sát được thu nhập bằng cách minh bạch trong hạch toán nếu không DN sẽ có 2 sổ, khi xin duyệt lương họ báo lãi, xin vốn nhà nước thì lại kêu lỗ, tức là thế nào cũng giải thích được.
Lương của EVN, SCIC chỉ được công bố khi có kết quả kiểm toán. Vậy với tất cả các DNNN khác, có cần phải kiểm toán hằng năm?
Rõ ràng phải tăng cường giám sát. Có rất nhiều giám sát, quan trọng nhất là giám sát báo cáo tài chính. Đây là nghiệp vụ mà Bộ Tài chính phải làm. Báo cáo tài chính phải trung thực và được kiểm toán. Ngoài ra, cần điều tiết bằng thuế. Với những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cần phải đánh thuế cao trước khi xác định giá trị gia tăng, như khai thác than, dầu khí.
Tôi đề xuất tách ra 2 loại thuế để tính hiệu quả hoạt động của DNNN. Ví như ngành Điện, phần hạ tầng xây dựng nhà máy do nhà nước đầu tư tách riêng ra. Còn tập đoàn kinh doanh thì phải theo giá thị trường để tính sát lợi nhuận. Điều tiết bằng công cụ thuế và tài chính thì mới làm rõ được hiệu quả sản xuất kinh doanh, tương ứng là tiền lương.
Hiện nay, dư luận phản ứng lương quá cao thì DNNN đều dựa vào lý là đã được Bộ LĐ,TB&XH và Bộ Tài chính chấp thuận?
Bất cập chính là ở đó. Các bộ mới chỉ nhằm vào quản lý tiền lương nhưng ở đây phải đồng bộ, từ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh mới giải quyết được bài toán tiền lương tổng thể cho DNNN.
Một lỗ hổng nữa là tiền lương của người đại diện vốn nhà nước tại các DN?
Đại diện vốn tức là thay mặt nhà nước để quản lý các DNNN. Về nguyên tắc, đó là những công chức, viên chức, cho họ cơ chế tiền lương của công chức nhưng nguồn lại do DN trả, và DN nâng tiền lương thực trả lên quá cao. Hiện nay đang nhập nhằng giữa vấn đề chủ sở hữu và hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
Cảm ơn ông.
Lương chủ tịch tập đoàn nhà nước: Bằng 73 lần lương tối thiểu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết như vậy, tại Hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013- 2020” do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức ngày 26- 12. Theo tính toán của ông Thăng, với cơ chế trả lương hiện nay, lương Chủ tịch tập đoàn nhà nước bằng 73 lần so với mức lương tối thiểu, tương đương 61 triệu đồng/tháng. Năm 2012 nếu tăng lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng thì mức lương này sẽ tăng lên là 77 triệu đồng/tháng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, phải đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN, như Trung Quốc chỉ “nắm to bỏ nhỏ” đối với DNNN. “Nhiều người nói DNNN là nơi tiêu tiền của quan chức, trong khi chúng ta cải cách DNNN quá chậm chạp”- Ông Phúc nói. |
Ngọc Tiến (ghi)