Lỗ do chi hoa hồng bất thường

Thực hư lỗ, lãi vẫn sàng sê tranh cãi. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thực hư lỗ, lãi vẫn sàng sê tranh cãi. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sau gần 2 tháng kiểm tra 4 đầu mối kinh doanh xăng dầu, hôm qua 19-12, Bộ Tài chính công bố kết quả, cho thấy việc giảm giá thời điểm 26-8 là đúng. Đồng thời khẳng định, phần lỗ cả ngàn tỷ đồng do các DN chi vượt định mức (trong đó phần lớn là do chi hoa hồng cho đại lý), nên các doanh nghiệp tự chịu.

> Đồng loạt kiểm tra các cửa hàng xăng dầu, gas
> Ngày mai công khai kết quả thanh tra giá xăng dầu

Thực hư lỗ, lãi vẫn sàng sê tranh cãi. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thực hư lỗ, lãi vẫn sàng sê tranh cãi. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Tách bạch lỗ, lãi

Kết quả kinh doanh xăng của 4 DN được đoàn kiểm tra chia làm 2 giai đoạn. Tính từ đầu năm đến 30-6, thì Petrolimex kinh doanh xăng dầu lỗ hơn 1.800 tỷ đồng (trong đó có 516 tỷ lỗ, do tính chi phí vượt định mức, trong đó có phần cho thù lao đại lý); PV Oil (thuộc PVN) lỗ hơn 346 tỷ đồng, trong đó có hơn 147 tỷ đồng lỗ do trích vượt định mức; SaiGonPetro lãi hơn 156 tỷ đồng. Còn giai đoạn từ 1-7 đến 26-8, theo Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai, nếu DN thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi.

Cụ thể, từ 1-7 đến 26-8, Petrolimex báo cáo ước lãi 130 tỷ đồng; SaigonPetro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện theo chi phí định mức kinh doanh (600 đồng/lít xăng) để tính giá cơ sở thì thành lãi 48 tỷ đồng; Cty TMDK Đồng Tháp báo lỗ 55,23 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện theo đúng định mức thì cũng có lãi 22 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính ở thời điểm ngày 26-8, khi Bộ Tài chính quyết định giảm giá xăng 500 đồng/lít, thì các DN xăng dầu đang có lãi, chứ không phải lỗ như lãnh đạo Petrolimex và Bộ Công Thương từng khẳng định.

Theo bà Vũ Thị Mai, một trong những nguyên nhân gây lỗ, do cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN đầu mối, khi đẩy thù lao đại lý lên cao để chiếm giữ thị phần. Việc nâng mức thù lao đại lý như trên tuy không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng nhưng sẽ làm giảm lãi hoặc tăng lỗ.

Ông Lê Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, trưởng đoàn kiểm tra Petrolimex, cho biết: “Việc trích thù lao cho đại lý của Cty mẹ Petrolimex rất bất thường, không nhất quán. Đơn cử, mức chi thù lao đại lý của Cty xăng dầu B12 (thuộc Petrolimex) với xăng là 210 đồng/lít (tháng 3-2011) nhưng có khi lên tới 630 đồng/lít (tháng 6-2011); Với dầu diesel là 130 đồng (tháng 3-2011) trong khi lại lên tới 830 đồng (tháng 7-2011). Với PVOil cũng tương tự, thù lao cho đại lý vùng 1 có lúc cao nhất lên tới 900 đồng/lít xăng.

Đại lý xăng dầu hưởng lợi lớn do được trích hoa hồng cao bất thường. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại lý xăng dầu hưởng lợi lớn do được trích hoa hồng cao bất thường. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Lỗ DN tự chịu

Theo quy định hiện hành, mỗi lít xăng dầu các DN đầu mối chỉ được tính chi phí định mức 600 đồng (trong đó có cả chi phí hoa hồng cho đại lý). Nay theo kết quả kiểm tra, các DN đầu mối đều trích vượt định mức, gây lỗ lớn. Khoản lỗ do chi vượt định mức ai chịu?

Trả lời Tiền Phong tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định: “Khoản chi vượt này người tiêu dùng không phải chịu, Nhà nước cũng không cấp bù, DN phải tự trang trải. Trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh của DN, trong giá cơ sở để điều hành, tổ giám sát điều hành vẫn tính mức chi phí kinh doanh là 600 đồng/lit đối với xăng dầu”.

Kết quả kiểm tra cho thấy cơ chế trích, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá tại một số DN còn bất cập và khó kiểm soát. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, cần đưa Quỹ bình ổn giá về bộ này quản lý.

 

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tiền Phong, thì từ đầu năm tới nay, Bộ Tài chính đã áp dụng chi phí định mức 800 đồng/lít xăng dầu, vì định mức 600 đồng đã quá lạc hậu? Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định: “Để kết luận định mức kinh doanh 600 đồng/lit xăng dầu còn phù hợp không, cần phải có một cuộc khảo sát. Do không có một quy định để tính giá kinh doanh nên mới để xảy ra kết quả này. Kết quả kiểm tra này cho thấy cần phải có quy định rõ ràng”- Bà Mai kết luận.

Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa, cho biết: Trên thực tế Bộ Công Thương cũng có trao đổi với Bộ Tài chính và DN để thỏa thuận một mức mới, nhưng để thay đổi là bao nhiêu thì phải có khảo sát, đánh giá thực tế. “Trong khi chưa có quyết định mới bằng văn bản, thì phải tính theo mức cũ. Nhà nước không thể điều hành bằng cách thỏa thuận với DN. Các Bộ cũng không điều hành bằng việc thỏa thuận miệng với nhau”- ông Thỏa nói.

Theo bà Mai, kết quả báo cáo có những thời điểm DN đầu mối chỉ chi 100 đồng/lít thù lao cho đại lý, có thời điểm lại lên tới gần 1.000 đồng/lít. “Tại sao vượt cao vậy trong khi người tiêu dùng còn phải chia sẻ mức tăng giá, Chính phủ phải kiềm chế giá để chống lạm phát. Thị trường xăng dầu đang do một nhóm DN thống lĩnh thị trường chi phối. Nếu không khống chế sẽ có những cạnh tranh không bình đẳng, do đó nhất thiết phải có sự quản lý của cơ quan nhà nước đối với chi phí”, bà Mai nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.