Khó tiếp cận lãi suất ưu tiên

Các DN chế biến thực phẩm tại TPHCM đói vốn đầu tư hàng hóa phục vụ Tết
Các DN chế biến thực phẩm tại TPHCM đói vốn đầu tư hàng hóa phục vụ Tết
TP -Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn cho vay sản xuất và xuất khẩu với mức lãi xuất giảm còn 17-19% năm.

> Nâng cấp niềm tin
> Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi: Mức bảo hiểm quá thấp

Sau hai tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tuyên bố hạ lãi suất ưu tiên.

Các DN chế biến thực phẩm tại TPHCM đói vốn đầu tư hàng hóa phục vụ Tết
Các DN chế biến thực phẩm tại TPHCM đói vốn đầu tư hàng hóa phục vụ Tết.
 

Đầu tháng này, bà Hoàng Diễm, Giám đốc một DN xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp tại TP HCM, đến phòng công chứng tìm hiểu thủ tục thế chấp căn nhà tại quận Bình Thạnh để vay vốn đầu tư hoạt động cung ứng vật tư cho vụ đông-xuân.

Bà cho biết, Ngân hàng Sacombank đã chấp thuận cho bà vay 6 tỷ đồng với lãi suất 20,04%/năm. “Vì là khách hàng thân thiết tôi mới được vay mức đó, còn không thì phải chịu lãi suất cao hơn”-bà Diễm nói. Tuy nhiên, theo bà Diễm, ngân hàng cũng mới chỉ đồng ý cho vay, còn khi nào bố trí được vốn, mới chính thức ký hợp đồng cho vay.

Theo ông Văn Đức Mười-Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), nhu cầu về vốn vay để đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các DN thành viên FFA dịp này là rất lớn, để chuẩn bị hàng hoá cung ứng hàng cho dịp Tết sắp tới.

Riêng Cty Vissan, nơi ông Mười làm Tổng giám đốc, có nhu cầu vay vốn đến 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Mười rất ít trong số 250 DN thành viên FFA tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất 19%/năm trở xuống, dù đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên vay vốn lãi suất thấp.

Tương tự, ông Nguyễn Công Hoàng-Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Cà phê Việt Nam, cho biết nhu cầu vốn của các DN trong ngành cà phê là rất lớn nhưng hầu như vẫn chưa có DN nào trong ngành này có thể vay được với lãi suất thấp như công bố của các NHTM.

Mặc dù nhiều ngân hàng cũng tuyên bố dành một khoản tiền đáng kể cho các DN ngành cà phê hay những ngành liên quan đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản thực phẩm vay với lãi suất ưu đãi nhưng thực tế rất ít DN vay được. Thậm chí, theo ông Hoàng, cho đến thời điểm hiện tại nhiều ngân hàng vẫn cho vay ở mức 24-25%/năm.

Ai giám sát tuyên bố giảm lãi suất?

Đến thời điểm này, có cả chục NHTM công bố dành hàng ngàn tỷ cho DN sản xuất hàng hóa, xuất khẩu vay lãi suất 17-19%/năm. Trong đó có cả những NHTM của nhà nước như: BIDV, Agribank... Tuy nhiên, mới chỉ kiểm chứng qua hai đầu mối hiệp hội trên (nếu được vay, thì những DN thuộc những hiệp hội này đều thuộc diện được ưu tiên), rất ít DN được vay lãi suất thấp như ngân hàng tuyên bố.

Phải chăng các NHTM tuyên bố dành ngàn tỷ cho DN vay lãi suất thấp, chỉ là cú PR, để làm truyền thông, đẹp lòng dư luận. Vì thực tế, không ai giám sát những tuyên bố đó của các NHTM.

Cuối tuần qua, tại TPHCM, Agribank cũng ký thỏa thuận dành 5.000 tỷ đồng cho các DN thuộc Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) vay để mua, chế biến, xuất khẩu cà phê niên vụ 2011-2012. Trả lời Tiền Phong, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo cho biết đây là quan hệ tín dụng thương mại bình thường, không có ưu đãi về lãi suất.

“Còn việc các DN kêu vay vốn khó khăn là bình thường trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong điều kiện đang kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trước đây tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên 20%, nhưng năm nay chỉ khoảng 12-15%, trong khi đó số lượng DN tăng lên hằng năm và tăng trưởng kinh tế cũng tăng lên hằng năm. Bên cạnh đó, có rất nhiều DN mà điều kiện không đáp ứng được, đặc biệt về tài chính và khả năng trả nợ cũng như tài sản đảm bảo trả nợ tiền vay”, ông Bảo nói.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để các NHTM từ chối cho DN vay với lãi suất 19% trở xuống. Thứ nhất, bản thân các ngân hàng không có vốn để cho vay bởi nợ xấu tăng cao, các ngân hàng phải giảm cho vay để tập trung thu hồi nợ.

Thứ hai, việc tăng trưởng tín dụng được khống chế ở mức 20%, trong khi tín dụng của nhiều ngân hàng đã đạt đến ngưỡng này nên không thể tiếp tục cho vay. Thứ ba, một số ngân hàng lớn chọn giải pháp cho các NHTM nhỏ vay lại thay vì cho DN vay nhằm tránh rủi ro lớn từ phía các DN.

Ngân hàng lợi nhuận khủng

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kêu lỗ, hoặc lãi rất ít, thì nhiều ngân hàng lớn công bố kết quả kinh doanh quí III và 9 tháng đầu năm 2011 lãi lớn.

Đứng đầu là Vietinbank (CTG) lợi nhuận trước thuế đạt 1.865 tỉ đồng, lũy kế 9 tháng lên tới 5.540 tỉ đồng; Vietcombank (VCB) đạt 1.350 tỉ đồng, luỹ kế 9 tháng lên tới 4.384 tỉ đồng; NH Sài Gòn Thương Tín (STB), lãi luỹ kế 9 tháng là 1.593 tỉ đồng; Eximbank (EIB) cũng có mức lãi sau thuế 759 tỉ đồng quý III, lũy kế 9 tháng lên tới 2.028 tỉ đồng. Tổng hợp chung, lý do khiến lợi nhuận quý III của các ngân hàng trên tăng đột biến chủ yếu đến từ thu nhập lãi vay.

Tuy nhiên, đi kèm với lợi nhuận cao, nợ xấu cũng tăng, cụ thể: Vietinbank nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) khoảng 1.235 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), lên mức 1.691 tỉ đồng; Nợ nhóm 5 của Vietcombank 9 tháng lên đến 4.949 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ con số này chỉ là 2.093 tỉ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG