Ngư dân sẽ được đầu tư tàu lớn

Ngư dân sẽ được đầu tư tàu lớn
TP - Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đang xây dựng hàng loạt chính sách mới hỗ trợ ngư dân, những người đang ngày đêm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng, trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

> Bão số 3 đi nhanh bất ngờ, thiệt hại ít

Chính phủ xác dịnh mục tiêu đến năm 2020 đời sống ngư dân sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay Ảnh: Nam Cường
Chính phủ xác dịnh mục tiêu đến năm 2020 đời sống ngư dân sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay. Ảnh: Nam Cường.
 

Được vay vốn ưu đãi đóng tàu

Kể từ khi Chương trình đánh bắt xa bờ kết thúc, gần như ngư dân không được hỗ trợ vốn, nên có người phải bán cả nhà đi để có tiền đóng tàu. Còn bây giờ thì sao?

Chúng tôi đang xây dựng một chính sách tổng thể hỗ trợ vốn cho ngư dân, có trọng tâm, trọng điểm, chứ không đầu tư dàn trải như chương trình đánh bắt xa bờ. Tức là đầu tư tàu gì, đánh bắt loại gì, phải phù hợp với lợi thế và thế mạnh của địa phương.

Chẳng hạn ở miền Trung, sẽ đầu tư phát triển các nghề ngoài khơi, câu cá ngừ; hay vùng ven bờ thì phát triển câu mực, chụp mực…; Đồng thời sẽ đầu tư cho cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá, kèm theo để phục vụ các thế mạnh đó.

Trước đây, chúng ta cho ngư dân vay vốn dài thì cũng được 1 năm, nhưng như với nghề cá, như thế thì nguy hiểm. Vì không phải năm nào cũng được mùa, có thể vừa đóng xong tàu, lại đúng vào lúc mất mùa, do sóng bão, nguồn lợi giảm đi khiến họ thua thiệt, không sản xuất nữa.

Khi ngừng sản xuất thì lấy tiền đâu mà trả Nhà nước. Cho nên, ngư nghiệp là phải “ngồi lâu câu bền”. Có chính sách vay trung hạn, dài hạn, ít nhất là 3-5 năm. Năm nay ngư dân bị lỗ, nhà nước không thu, mà để dân tiếp tục sản xuất năm tới, để dân trả lãi cho ngân hàng.

Việc cho vay không theo phong trào, mà sẽ duyệt từng đề án cụ thể. Chẳng hạn, ngư dân cần vay thì cứ làm đề án. Chẳng hạn dân muốn làm nghề câu cá ngừ đại dương, tàu bao nhiêu mã lực, lưới câu ra sao… trên cơ sở đó thì mới xét duyệt cho vay.

Sắp tới, những tổ đội đánh cá sẽ được nâng cấp lên, thành các doanh nghiệp tư nhân, hoạt động theo luật doanh nghiệp, khi đó họ sẽ vay vốn, hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Như thế mới làm lớn được.

Dự kiến, Chính phủ sẽ có ưu đãi như thế nào khi ngư dân vay?

Chúng tôi sẽ đề xuất 1-2 năm đầu ngư dân vay vốn không phải trả lãi suất để hỗ trợ khó khăn ban đầu, đến năm thứ 3 mới phải trả một mức lãi suất nào đó. Tổng cục Thủy sản đang nghiên cứu, xây dựng chính sách cụ thể để đề xuất với Chính phủ. Còn nguồn vốn, ngoài vốn trong nước thì có thể vay vốn nước ngoài qua kênh vốn ODA.

Hiện, nguồn vốn đầu tư cho điện, dầu khí… rất nhiều, phần cho nông nghiệp tập trung chủ yếu cho thủy lợi, còn thủy sản rất ít. Thực tế, ngành thủy sản không chỉ đem lại giá trị xuất khẩu cao, mà còn góp phần vào bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của ta.

Trong Chiến lược kinh tế biển, ngoài hỗ trợ chính sách tín dụng, còn có chính sách nào khác, thưa ông?

Có nhiều chính sách khác mà hiện các cơ quan của Bộ NN&PTNT đang xây dựng. Chẳng hạn chính sách về khai thác ra làm sao, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch thế nào, đóng tàu kiểu gì, ở đâu, trang bị thế nào, rồi hệ thống bến cảng cá, khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão... Các đề án giải quyết từng việc một, với nguồn kinh phí cụ thể, để trình Chính phủ duyệt.

Trong hàng loạt chính sách mới, nội dung nào có thể thực hiện ngay?

Sớm nhất có thể thực hiện được là cho người dân vay vốn ưu đãi để phát triển khai thác ngoài khơi, ở địa phương có thế mạnh, giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt ven bờ.

Thứ nữa là phát triển các đội tàu, các xí nghiệp công ích, nhằm hỗ trợ ngư dân trên biển, cung cấp nước đá, xăng dầu, lương thực thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền, thu mua thủy sản với giá bằng với giá trên bờ. Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2020, làm thế nào để đời sống của ngư dân tăng gấp 3 lần hiện nay.

Ông Chu Tiến Vĩnh
Ông Chu Tiến Vĩnh.
 

Hỗ trợ lập các nghiệp đoàn đánh cá

Như ông nói sẽ thành lập doanh nghiệp công ích để hỗ trợ ngư dân?

Ở đây, là doanh nghiệp của nhà nước, hoặc tư nhân, nhưng đầu tư trong lĩnh vực nghề cá, và được hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn, chúng ta đang có khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây (Trường Sa) của Tổng Cty thủy sản Việt Nam, họ đang có đội tàu, làm các dịch vụ như cấp nước đá, xăng dầu, thu mua thủy sản với giá bằng giá trên bờ…cũng được hỗ trợ của Nhà nước.

Gần đây khi xảy ra những chuyện tàu phía Trung Quốc va chạm với tàu Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần thành lập các nghiệp đoàn đánh cá?

Từ trước, chúng ta đã có nghiệp đoàn. Những năm 60 thế kỷ trước, có các đội tàu hùng hậu như Hạ Long, Hải Phòng chẳng hạn, hàng trăm tàu, mỗi tàu hàng nghìn mã lực, tuy nhiên, sau đó bị phá sản. Đúng là hiện nay cần có các nghiệp đoàn đánh cá, để có sự liên kết.

Vừa rồi, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ về việc thành lập lực lượng Kiểm ngư, khi nào lực lượng này có thể ra đời, thưa ông?

Chính phủ về nguyên tắc đã đồng ý cho thành lập lực lượng kiểm ngư. Tuy nhiên, để ra đời được nó thì phải có nghị định. Trong kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ xin ý kiến để xây dựng nghị định về việc thành lập lực lượng kiểm ngư.

Lực lượng này hoạt động như lực lượng kiểm lâm, hỗ trợ cho bà con ngư dân trên biển, về an toàn, ngăn chặn tàu nước ngoài, hay kiểm soát việc sử dụng chất nổ, chất cấm khi khai thác. Lực lượng này nằm ở đâu, bao nhiêu người, chế độ chính sách ra sao, được sử dụng vũ khí, quân phục… ra sao, phải có hành lang pháp lý mới ra đời và đi vào hoạt động được.

Cảm ơn ông.

Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (với tổng kinh phí 57.400 tỷ đồng), đặt mục tiêu đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp 30 - 35% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 - 10 %/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 - 9 tỷ USD.

 
 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG