Khi đời “thực” hơn

Khi đời “thực” hơn
TP - “Cuộc sống xung quanh chúng ta không bao giờ xấu hơn hay đẹp hơn mà chỉ thực hơn thôi”. Câu kết bài văn phạm quy của một nữ sinh lớp 12 ở đất cảng Hải Phòng đang xôn xao dư luận với vô số phản hồi.

> Bài văn lạ xôn xao Hải Phòng

> Nữ sinh viết bài văn "yêu thầy" đòi tự tử

Người khen văn tài. Người ngậm ngùi thương cảm sau phút lắng lòng. Người lo ngại hậu quả không hay sẽ phát tán ra học đường. Không ít ý kiến chê trách cô bé học trò làm hoen ố hình ảnh người thầy…

Bài văn dài tới gần ba ngàn chữ mang hình hài của một truyện ngắn.

Tạm loại bỏ khả năng tác giả sao chép hoặc phóng tác từ nhan nhản những câu chuyện “yêu thầy” có nút thắt/mở tương tự trên mạng. Để suy ngẫm về Xấu - Đẹp và Thực - một tam giác đủ rộng bao quát cõi nhân sinh.

Hành vi “yêu” thầy chỉ là cái cớ, là vết xước tâm lý đầy day dứt, hoang mang của một nữ sinh 18 tuổi bước vào đời mà chưa kịp định thần sau nỗi ám ảnh bi kịch tuổi thơ. Với những ai đã qua tuổi “bất hoặc”, thì những cái thực hơn trong đời sống này mang những giá trị khác hơn là giá trị của sự nhận thức mà những cô cậu bé học trò lứa tuổi này hướng đến và sẽ phải trải qua.

Có cảm giác cô đơn. Như tuổi trẻ bây giờ không ít cô đơn, hoang mang giữa nhiều chiều thế giới. Thế giới thực và ảo, thế giới phẳng nhưng cũng đầy khúc khuỷu thâm u, thế giới của thể xác, của giới tính và tâm hồn, thế giới kim tiền mang nhiều dối lừa dưới vỏ ngoài hào nhoáng… Thế giới này mỗi năm chỉ có một Ngày Nói Dối. Nhưng sự thực thì không phải ngày nào cũng có.

Tuy vậy, bên những cái thực xa xót, bẽ bàng, những cái thực đầy ngộ nhận, thì cũng có những cái thực buộc phải đối diện để tỉnh ngộ, những cái thực tốt đẹp.

Như những người trẻ trong tiểu thuyết Rừng Na Uy của Haruki Murakami yêu và chết một cách hoang hoải, để rồi cuối cùng bước qua được những ngộ nhận để đến với nhau bằng tình yêu đích thực. Như truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu mà mỗi học sinh lớp 12 đều đang học.

Bức ảnh lãng mạn người nghệ sĩ chụp con thuyền bồng bềnh trong sương sớm, nhưng khi cận cảnh thì con thuyền ấy lại đang chở trong nó tấn bi kịch đời người. Người vợ nhẫn nhục chấp nhận đòn roi của chồng chỉ vì những đứa con cần nơi nương tựa.

Đó là cái thực hơn của đời sống khi cận cảnh. Nhưng đằng sau đó, cao hơn bi kịch, lại chính là sự hy sinh lớn lao của người mẹ, chỉ để cho những đứa con - thế hệ sau được bình yên với hy vọng cuộc sống của chúng sẽ tốt đẹp hơn.

Cuộc sống có nhiều thời điểm xấu đi, nhưng rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Cái đẹp hơn ấy là cứu cánh vĩnh hằng mà con người hướng đến, khi những cái thực hơn khiến con người trở nên Người hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG