Cúi xuống mỗi phận người

Cúi xuống mỗi phận người
TP - Từ cuối năm 2009 tới nay, trên ba mươi hộ dân ở xã Hòa Thắng ngoại thành TP. Buôn Ma Thuột và xã Ea H’Đing, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk đã gửi hàng nghìn lá đơn kêu cứu, khiếu nại, tố cáo về hành vi lừa đảo của một nhóm 'cò' ngân hàng dưới bàn tay thao túng của Nguyễn Thị Hoa.

> Tự tử theo vợ vì 'sập bẫy cò ngân hàng'
> Kỳ 1: Từ lá thư tuyệt mệnh của người vợ trẻ
> Kỳ 2: Lần tìm đường dây 'cò' ngân hàng
> Kỳ cuối: Ai bảo vệ dân nghèo?
> Ngân hàng kỷ luật nhân viên và tiếp tục đòi nợ

Họ đã nhận được gì ?

Khá nhiều phiếu chuyển đơn, từ chỗ nọ sang chỗ kia gửi về. Điều người dân trông chờ nhất, là công văn trả lời chính thức của các cơ quan có trách nhiệm mang tính giải thích và động viên, rằng chúng tôi đang xử lý vụ việc theo hướng nào, tiến trình tới đâu, trong lúc chờ đợi bà con nên làm gì? Nhưng họ chờ hoài không thấy.

Họ đến gõ cửa các cơ quan báo đài. Phóng viên tìm mọi cách liên lạc với nhà chức trách, nhưng chờ từ năm này qua năm khác cụm từ nhận được chỉ là: “vẫn chưa xong”, “đang điều tra chưa kết thúc”!?

Trong lá thư tuyệt mệnh để lại trước lúc ra chòi rẫy treo cổ tự vẫn ngày 29-8-2010, chị Đào Thị Phúc, 26 tuổi viết: “Anh tha lỗi cho em không làm tròn trách nhiệm một người vợ và một người mẹ. Nay em quyết định ra đi để tìm riêng cho mình một lối thoát. Trên cõi vĩnh hằng em sẽ phù hộ cho mẹ và anh cùng hai con, 2 con nhỏ dại chứ em còn sống làm cả đời cũng không trả nổi món nợ vay của ngân hàng về món tiền mà bà Hoa đã lừa lấy mất. Còn kiện thì luật pháp mấy ai tin. Đã gởi đơn đi đủ cả các nơi, đến Trung ương cũng chẳng làm gì. Từ tháng 12 năm 2009 đến bây giờ họ có xử đâu ?”...

Những người vướng nợ với ngân hàng trong vụ “cò lừa” ở buôn Sang B sau thời gian dịu dần nỗi đau xót trước cái chết của chị Phúc lại bắt đầu lo lắng khi thấy cán bộ tín dụng tìm tới đòi nợ. Mới đây, hành vi nhảy giếng tự vẫn bỏ lại hai đứa con thơ dại của anh Nguyễn Hậu (chồng chị Đào Thị Phúc vào tối 3-4-2011) để lại thư tuyệt mệnh có dòng viết:

“Con mong làm sao sự ra đi của con có lay động tới chính quyền hay không. Nếu như sự ra đi của con mà làm lay động được chính quyền giúp đỡ để bà Hoa trả tiền thì hai má (mẹ ruột và mẹ vợ-PV) hãy lấy số tiền đó nuôi giùm hai cháu cho nó nên người...”, khiến nhiều người dự đám tang anh phải rơi nước mắt.

Anh Hậu, chị Phúc, là nạn nhân liên quan vụ án này đã về bên kia thế giới đều có chung sự yếu đuối, tuyệt vọng của người đã đánh mất niềm tin mà lẽ ra họ phải được trang bị để dù khốn khó thế nào đi nữa, cũng gắng sức vượt qua! Nếu như họ sớm nhận được sự giúp đỡ “cúi xuống thật gần” để nâng đỡ, xoa dịu, sẻ chia, hướng dẫn chu đáo tận tình, ấm lòng hơn từ những người kề cận, từ xã hội và những nhà chức trách thì sự thể có lẽ đã không đến mức như thế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG