Thủ tướng đối thoại với đại diện công nhân Đồng bằng Sông Hồng

Yêu cầu xử lý nạn 'chặt chém' giá điện, nước

Trước cuộc đối thoại Thủ tướng đã đến thăm và tìm hiểu cuộc sống của công nhân ở Đồng Văn - Hà Nam. Ảnh: H.N.
Trước cuộc đối thoại Thủ tướng đã đến thăm và tìm hiểu cuộc sống của công nhân ở Đồng Văn - Hà Nam. Ảnh: H.N.
TP - Mở đầu phiên đối thoại, Thủ tướng mong muốn công nhân trao đổi thẳng thắn những khó khăn, vướng mắc của mình.

Tôi muốn nghe trực tiếp ý kiến thẳng thắn của công nhân, những tâm tư nguyện vọng, cùng trao đổi bàn những nội dung để phát triển, hỗ trợ công nhân, để năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Ngay lập tức, nhiều công nhân đã bày tỏ ý kiến về gánh nặng học hành, nhà cửa, tiền điện, khám chữa bệnh. “Hiện tại, người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, tức là giá cao hơn so với quy định chung rất nhiều. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết kiến nghị này”, công nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền - Công ty TNHH NMS Việt Nam (Hà Nam) nói. Cho rằng, việc “công nhân bị áp giá điện cao” là trái pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch EVN giải đáp, làm rõ vấn đề trên.

Trả lời về nội dung trên, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN khẳng định: “Việc tăng giá điện đối với công nhân như thế là không đúng quy định pháp luật. EVN sẽ phối hợp địa phương kiểm tra việc áp giá, các quy định của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Thành nói. Thủ tướng yêu cầu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN, kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng nhiều chủ nhà trọ thu giá điện, nước sai quy định.

Đối với vấn đề nhà ở, trường học, công nhân Phạm Thị Khuyên (Công ty Canon Bắc Thăng Long - Hà Nội) cho biết chị đã làm một năm rồi, mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. “Để làm việc có năng suất cao thì công nhân cần yên tâm làm việc. Nhưng khó khăn đối với công nhân ngoại tỉnh là vấn đề nhà ở và trường học cho con. Thành phố Hà Nội mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ, công nhân phải thuê nhà trọ, gửi con ở các trường tư thục nên đời sống rất khó khăn”, chị Khuyên bày tỏ. “Thủ tướng đã có quyết định về đầu tư xây dựng các thiết chế. Hà Nội đất không thiếu nên cần phải tính”, Thủ tướng nói.

Được Thủ tướng mời phát biểu, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội coi xây dựng thiết chế cho công nhân là quan trọng. Trong năm 2017 sau đối thoại, từ nguyện vọng của công nhân thì đã xây 1 trường mầm non ở xã Kim Chung, có quy mô 300 cháu. Thành phố cũng đã giao UBND huyện Đông Anh mở thêm các trường, và cuối năm nay sẽ có thêm 2 trường nữa. Còn nhà ở, thành phố phấn đấu trong tháng 8/2018 sẽ khởi công một số chung cư, bán với giá 200-300 triệu đồng/căn 35m2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông đã vào thăm các khu trọ ở Đồng Văn, Duy Tiên (Hà Nam) và thấy dân làm nhà trọ sạch, an toàn nhưng giá thuê chỉ 1-1,1 triệu đồng/tháng. Do đó, Thủ tướng lưu ý, mức giá cho công nhân thuê phải phù hợp. Đồng thời quan tâm xây dựng hệ thống các nhà trẻ, không nên để công nhân gửi con ở các điểm ngoài công lập vì nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.

Khát vọng vươn lên

Đề cập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nhân Đoàn Văn Vương - Cty TNHH Youngone (Nam Định) đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp để bảo việc làm, thu nhập của người lao động trong cuộc cách mạng này. Thủ tướng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt. “Chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội. Nhiều việc làm mất đi nhưng phải làm xuất hiện những việc làm mới tốt hơn”, Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, cách mạng 4.0 tạo ra thách thức nhưng cũng luôn đi đôi với thời cơ, ai chủ động, có trí tuệ và quyết tâm vươn lên sẽ biến thách thức thành thành công.

Về vấn đề bảng lương, công nhân Trần Thị Thanh (Hưng Yên) bày tỏ băn khoăn trước việc Chính phủ chuẩn bị sửa đổi, cắt bỏ thang, bảng lương, điều này sẽ ảnh hưởng đến người lao động, và có thể doanh nghiệp sẽ ép lương người lao động. “Chính phủ có giải pháp gì để bảo đảm quyền lợi cho công nhân, lao động?”, công nhân Trần Thị Thanh nêu ý kiến. Về nội dung này, Thủ tướng cho rằng, việc sửa đổi các quy định hay không thì cũng nhằm tập trung nâng cao năng suất. “Năng suất đi liền chất lượng phúc lợi, năng suất anh cao thì tiền lương, thu nhập sẽ cao. Và với chính sách tiền lương mới, vai trò công đoàn cần thể hiện rõ hơn”, Thủ tướng nói.

Trong hơn 100 phút đối thoại cởi mở, thẳng thắn với 1.000 công nhân, lao động đại diện khu vực Đồng bằng sông Hồng, sáng 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần lưu ý “công nhân phải có khát vọng vươn lên, chịu khó học tập, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0”, biến thách thức thành cơ hội đưa đất nước đi lên... 

MỚI - NÓNG