Y đức trụ nổi không?

Y đức trụ nổi không?
TP - Vào Google tìm cụm từ “lạm dụng xét nghiệm” cho ngay tắp lự hơn nửa triệu kết quả, đọc thấy có nhiều vị đại biểu Quốc hội đã rất bức xúc về tình trạng này từ nhiều năm về trước.

> Thanh toán BHYT theo định suất giảm lạm dụng xét nghiệm

Tại phiên họp sáng 21-5-2008, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự lo ngại về thực trạng này, về những biến tướng của chủ trương “xã hội hóa y tế”.

Như vậy, tính tới phiên giải trình của Bộ Y tế trước Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vào ngày 16-6 này, vấn nạn lạm dụng xét nghiệm để “móc túi” bệnh nhân đã tồn tại và phát triển qua nhiều đời bộ trưởng Y tế.

Nguyên nhân đã được báo chí phân tích nhiều, tựu trung lại là do tư nhân (trong đó có cả y, bác sĩ) góp vốn mua máy tranh thủ thu hồi vốn, lấy lãi càng nhanh càng tốt, trong khi quy trình khám chữa bệnh thiếu quy chuẩn; lạm dụng xét nghiệm để lấy tiền từ bảo hiểm y tế.

Chưa kể giữa các cơ sở y tế, không biết vô tình hay cố ý, đều không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, trong năm 2010, số lượng các xét nghiệm vẫn tăng dần đều, chụp CT scan tăng gần 10% so với năm 2009, nội soi tăng 24,5%, xét nghiệm sinh hóa tăng 12,4%.

Không ít bệnh viện có tình trạng chỉ định xét nghiệm hàng loạt về máu, nước tiểu, siêu âm, điện tim, X-quang cho tất cả bệnh nhân có bảo hiểm y tế không phân biệt bệnh lý.

Nguyên nhân đã được mổ xẻ, phát hiện khá rõ từ lâu, song lạ là tình trạng “đè bệnh nhân ra xét nghiệm” đủ thứ vẫn diễn ra vô tội vạ.

Báo Tiền Phong ngày 13-6 -2012 nêu trường hợp một bệnh nhân bị ngã xe sưng tí đầu gối mà phải thực hiện tới... 12 xét nghiệm, chiếu chụp cận lâm sàng tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đến nỗi anh này phải thốt lên “đã chụp X-quang lại còn bắt đi siêu âm đầu gối”.

Những chuyện “cười ra nước mắt” đại loại như trên không hề hiếm, thậm chí khá phổ biến ở khắp nơi, bất chấp quy định phạt nặng bác sĩ lạm dụng xét nghiệm trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế mà Chính phủ mới ban hành.

Mới đây, trong buổi giao lưu trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để khắc phục tình trạng trên về lâu dài Bộ Y tế sẽ khoán, thanh toán trọn gói cho các ca bệnh.

Tuy nhiên, bà Tiến nói lộ trình đó phải làm dần dần, ở các nước nhanh nhất cũng phải mất tới 10 năm.

Chưa biết trong phiên giải trình vào cuối tuần này trước Quốc hội, bà bộ trưởng Y tế sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp, chính sách gì để tiến tới chặn đứng chiêu làm giàu trên thân xác bệnh nhân bằng lạm dụng xét nghiệm.

Song thiết nghĩ, chừng nào bác sĩ còn nhận được hoa hồng từ chỉ định chiếu chụp, từ kê đơn bốc thuốc, chừng đó chủ trương “xã hội hóa khám chữa bệnh” còn bị lợi dụng.

Và khi ấy y đức của không ít thầy thuốc cũng khó mà trụ vững trước những khoản hoa hồng béo bở. Việc nhiều bác sĩ dần quen với chuyện nhận phong bì chỉ sau 1 đến 3 năm công tác, theo một báo cáo mới đây, càng làm cho chúng ta thêm lo ngại.

Cuối cùng, chỉ hàng triệu bệnh nhân nghèo lãnh đủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.