Chương trình có sự tham gia của 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội đến từ các trường đại học, tổ chức trong và ngoài nước. Tại hội thảo, các chuyên gia cùng chia sẻ, thảo luận nhằm rà soát và xây dựng khung pháp lý về nghề CTXH cho phù hợp bối cảnh Việt Nam, xây dựng và phát triển các dịch vụ CTXH cho thanh thiếu nhi, đổi mới và phát triển đào tạo CTXH theo hướng thực hành.
PGS.TS Nguyễn Khắc Bình, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, hiện nay, cả nước có 22 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, 25 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng và 3 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ thạc sỹ ngành CTXH. “Nhu cầu xã hội đối với ngành CTXH rất lớn, gần 9 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 170.000 người nghiện ma túy, 15.000 người bán dâm, 22% gia đình có bạo lực…Tuy nhiên, hiện chỉ có 162.000 cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, chỉ có một ít cán bộ được đào tạo ở trình độ đại học, cao đẳng, còn lại đa số chưa qua đào tạo cơ bản, chủ yếu tác nghiệp dựa vào lòng nhiệt tình hoặc từ những khóa tập huấn ngắn hạn”, PGS.TS Nguyễn Khắc Bình nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, ngành CTXH ở Việt Nam đang trên đà phát triển và đã có nhiều đóng góp cho xã hội. Để tiếp tục hội nhập và phát triển có hiệu quả ngành CTXH Việt Nam cần đưa ra nhiều giải pháp, phương án đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó thanh niên đóng vai trò xung kích tạo nên những bước đột phá. Và cán bộ Đoàn phải là những nhân viên CTXH thực thụ, sâu sát với đoàn viên, thanh thiếu niên, kịp thời hỗ trợ những trường hợp khó khăn.