Xung đột Nga - Ukraine ngày 5/7: Ukraine xác nhận tấn công nhà máy thuốc súng quan trọng của Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một máy bay không người lái cảm tử của Ukraine đã tấn công nhà máy thuốc súng Tambov ở thành phố Kotovsk (vùng Tambov, Nga), Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine xác nhận.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 5/7: Ukraine xác nhận tấn công nhà máy thuốc súng quan trọng của Nga ảnh 1

Hình ảnh được cho là từ vụ tấn công. Ảnh: Pravda

Vụ tấn công diễn ra sáng 4/7. Thông tin về mức độ thiệt hại của vụ việc đang được xác định.

Người dân địa phương đã chia sẻ đoạn video cho thấy cảnh nhà máy bị tấn công, sau đó là một vụ nổ và lửa bùng lên.

Tuy nhiên, chính quyền Nga phủ nhận việc nhà máy thuốc súng bị tấn công. Maksim Yegorov, người đứng đầu vùng Tambov, cho biết: "Cả hai chiếc máy bay không người lái đều đã bị bắn hạ. Không có thương vong hay thiệt hại. Tình hình đang được kiểm soát".

Trước đó, quân đội Ukraine từng tấn công nhà máy thuốc súng Tambov trong đêm 18 rạng sáng 19/1. Một máy bay không người lái cảm tử đã phát nổ tại địa điểm gần xưởng trộn thuốc súng.

Nhà máy cũng từng bị máy bay không người lái tấn công vào tháng 11/2023.

Nguồn tin của Pravda cho biết Nhà máy thuốc súng Tambov là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ở Nga sản xuất đạn dược và thuốc súng cho vũ khí nhỏ. Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhà máy này đã tăng sản lượng lên 30%. Nhà máy đã bị áp lệnh trừng phạt từ tháng 3/2023.

Hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu Nga làm giảm khả năng của quân đội Ukraine

Tướng Andrey Semyonov - Tư lệnh Lực lượng Phòng không và Tên lửa Nga cho biết kể từ khi xung đột bùng phát đến nay, các hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu của Nga đã làm giảm đáng kể khả năng tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông Semyonov nói thêm rằng trong bối cảnh lực lượng Ukraine tăng cường sử dụng tên lửa hiện đại do các nước phương Tây sản xuất, lực lượng phòng không Nga đã nhanh chóng phát triển các phương pháp và điều chỉnh hệ thống phòng không để chống lại các cuộc tấn công tên lửa của đối phương.

Nga bắn hạ 50 máy bay không người lái Ukraine trong đêm

Bộ Quốc phòng Nga đưa tin, các hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 50 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trên ba khu vực chỉ trong một đêm.

"Vào đêm 4, rạng sáng ngày 5/7, Ukraine đã nỗ lực thực hiện hàng loạt cuộc tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Các hệ thống phòng Nga đã phá hủy 14 UAV ở Krasnodar, 26 UAV ở vùng Zaporozhye, đồng thời vô hiệu hóa 10 UAV ở Rostov", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Thống đốc Krasnodar Veniamin Kondratyev cho biết, một số máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở Primorsko-Akhtarsk. Các mảnh vỡ rơi xuống khiến một tòa nhà ba tầng bị hư hại và 6 người bị thương.

Tại Rostov, sau khi các mảnh vỡ của máy bay không người lái rơi xuống, một số đám cháy nhỏ đã được ghi nhận ở tả ngạn sông Đông và thành phố Azov.

Trong một diễn biến liên quan, phía Ukraine thông báo lực lượng vũ trang nước này đã bắn hạ 32 máy bay không người lái do Nga phóng trong đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5.

"Phòng không Ukraine đã bắn hạ tất cả 32 máy bay không người lái Shahed ở các tỉnh Mykolaiv, Odesa, Kherson, Dnipropetrovsk, Kiev, Chernihiv và Cherkasy. Cuộc tấn công đã bị máy bay chiến đấu, đơn vị tên lửa phòng không, các nhóm hỏa lực cơ động và các đơn vị tác chiến điện tử của Ukraine đẩy lùi", không quân Ukraine cho biết.

Tổng thống Nga Putin nói Mỹ phải chịu trách nhiệm về xung đột Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/7 cho biết Nga sẽ tiếp tục ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine bất chấp thực tế rằng cuộc khủng hoảng là do hành động của Mỹ gây ra.

Mátxcơva từng nhiều lần tuyên bố quyết định tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine được thúc đẩy bởi tham vọng trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev, cũng như cuộc xung đột đang diễn ra nhằm vào người dân Donbass - những người đã tuyên bố ly khai sau cuộc đảo chính ở Ukraine hồi năm 2014.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thủ đô Astana của Kazakhstan hôm 4/7, Tổng thống Nga Putin cho biết Mátxcơva đã nhiều lần đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, điều này đã bị Kiev và những người ủng hộ nước này phớt lờ hoặc bác bỏ.

Tổng thống Putin nói: “Nga luôn ủng hộ và tiếp tục ủng hộ một giải pháp chính trị, ngoại giao hòa bình cho tình hình ở Ukraine - một cuộc khủng hoảng nảy sinh do chính sách của Mỹ và các nước đồng minh”.

Ông lưu ý rằng Nga đã trình bày kế hoạch mới nhất của mình vào tháng trước. Kế hoạch này có thể chấm dứt “ngay lập tức” các hành động thù địch, cứu sống vô số người dân và hai bên có thể bắt đầu đàm phán nếu Kiev và những người ủng hộ phương Tây chấp nhận.

Tổng thống Putin đề cập đến lời hứa trước đó của ông, rằng sẽ ra lệnh ngừng bắn nếu Ukraine rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố chủ quyền, cam kết không tìm cách trở thành thành viên NATO và hoàn tất quá trình phi quân sự hóa, “phi phát xít hóa”.

Đề xuất này đã bị cả Kiev và những nước đồng minh từ chối. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết lời đề nghị của ông vẫn sẽ có hiệu lực, trong khi Điện Kremlin khuyến khích giới lãnh đạo Ukraine “suy nghĩ về điều đó”.

“Đơn giản là chúng ta không thể tuyên bố ngừng bắn”, ông Putin nói. “Chúng ta không thể cho phép đối thủ lợi dụng lệnh ngừng bắn này để cải thiện vị trí, tự vũ trang, bổ sung quân đội”.

Trước đó, Tổng thống Putin chỉ ra rằng việc Ukraine không chấp nhận các đề xuất của Nga đã dẫn đến việc nước này mất chủ quyền đối với các khu vực Kherson và Zaporozhye ngay từ đầu cuộc xung đột. Tổng thống Nga trước đó cũng lưu ý rằng Mátxcơva đã chuẩn bị rút quân khỏi các vùng lãnh thổ này nếu được hứa duy trì tuyến đường trên đất liền không gián đoạn tới bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, đến nay, lời đề nghị này đã không còn được bàn đến, vì hai khu vực này đã chính thức trở thành một phần của Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý, dù Ukraine không công nhận.

Theo Pravda, Tass
MỚI - NÓNG
Tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long Ảnh: Hoà Hội
Bổ sung nhân tạo nước dưới đất
TP - Luật Tài nguyên nước vừa có hiệu lực quy định ba trường hợp phải bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm phục hồi nguồn nước dưới đất tại những khu vực bị suy thoái, cạn kiệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam được nhận định “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn”. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT, về quy định bổ sung nhân tạo nước dưới đất.