Xung đột Nga - Ukraine ngày 28/3: Pháp lên phương án triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hãng thông tấn AP đưa tin, Pháp đang cân nhắc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu ở cách xa tiền tuyến tại Ukraine.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 28/3: Pháp lên phương án triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình ở Ukraine ảnh 1

(Ảnh: Pravda)

Theo AP, các chỉ huy và quan chức quân sự châu Âu đang cân nhắc một loạt lựa chọn để chuẩn bị trình lên lãnh đạo các nước.

Một trong những lựa chọn mà Pháp ủng hộ là triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình ở trung tâm Ukraine, dọc theo Sông Dnipro, cách xa tiền tuyến.

Các lựa chọn khác đang được cân nhắc bao gồm triển khai lực lượng hỗ trợ ở xa hơn, có thể là phía tây Ukraine hoặc ở một quốc gia láng giềng.

Giới chức Anh cho biết, nhóm này có thể bao gồm từ 10.000 đến 30.000 quân - một con số đáng kể đối với những quốc gia đã cắt giảm lực lượng vũ trang kể từ Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/3 tuyên bố, lực lượng châu Âu sẽ không được triển khai ở tiền tuyến tại Ukraine, cũng như không trực tiếp đối đầu với lực lượng Nga.

Họ sẽ đóng vai trò là "lực lượng ngăn cản Nga tấn công lần nữa”. Và bằng cách kiểm soát các thị trấn quan trọng, các căn cứ chiến lược, lực lượng này sẽ đánh dấu sự ủng hộ rõ ràng từ một số chính phủ và đồng minh châu Âu đối với Kiev, ông Macron nói.

"Vì vậy, chúng tôi không ở tiền tuyến, chúng tôi không tham chiến, nhưng chúng tôi ở đó để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài. Đó là một cách tiếp cận hòa bình", ông nói.

Ukraine dồn dập pháo kích Belgorod

Quân đội Ukraine đã tấn công 11 quận thuộc tỉnh biên giới Belgorod của Nga bằng 50 máy bay không người lái (UAV) và 15 quả đạn trong ngày qua, Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết trên Telegram ngày 28/3.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội nước này đã bắn hạ 78 UAV của Ukraine trong đêm, bao gồm 32 chiếc ở Voronezh, 19 chiếc ở Saratov, 17 chiếc ở Kursk, sáu chiếc ở Belgorod, hai chiếc ở Lipetsk, một chiếc ở Rostov và một chiếc ở Tambov.

Tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh dần biến mất khỏi xung đột Nga - Ukraine

Trong vài tháng qua, tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow mà Anh cung cấp cho Ukraine dần vắng bóng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, theo tạp chí quân sự Bulgarian Military.

Tên lửa Storm Shadow được ca ngợi là vũ khí giúp Ukraine thay đổi cục diện cuộc chiến sau khi được Mỹ và Anh "bật đèn xanh" cho việc sử dụng vũ khí này tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, loại tên lửa này đã dần biến mất khỏi cuộc xung đột.

Điều này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi từ giới quan sát quân sự: Liệu Ukraine đã ngừng sử dụng Storm Shadow hay nguồn cung không đủ đáp ứng?

Dựa trên thông tin tình báo nguồn mở, sự hạn chế về mặt hậu cần của Ukraine cũng như các biện pháp đối phó của Nga dường như là nguyên nhân chính kéo loại vũ khí tối tân này chìm vào bóng tối.

Cần nhắc lại rằng, khi Ukraine lần đầu sử dụng vũ khí này để tấn công các mục tiêu của Nga ở tỉnh Kursk và Bryansk hồi tháng 11/2024, tác động của nó diễn ra ngay lập tức và không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2024, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ lại chỉ ra rằng, Ukraine có thể đã "gần như cạn kiệt" kho tên lửa này và không có nguồn cung cấp mới từ Anh hoặc Pháp. Sự khan hiếm này có thể do kho dự trữ của phương Tây không thể đáp ứng được nhu cầu của Ukraine. Ngoài ra, mỗi quả Storm Shadow có giá lên tới 2 triệu USD và việc sản xuất tên lửa mất khá nhiều thời gian.

Mặt khác, hệ thống phòng không của Nga bao gồm S-400 và Pantsir-S1 cũng là một trong những nguyên nhân khiến vũ khí tối tân của Ukraine không còn xuất hiện.

Từ cuối năm 2024, truyền thông Nga đưa tin về việc đánh chặn tên lửa ở Crimea, Kursk và những nơi khác. Ngày 12/1/2025, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắn hạ sáu chiếc Storm Shadow trong một nỗ lực tấn công vào tỉnh Bryansk.

Theo Pravda, AP, Tass
MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Thêm một dư chấn ở Mandalay

Thêm một dư chấn ở Mandalay

TPO - Mandalay, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất 7.7 độ trưa 28/3 vừa hứng chịu thêm một dư chấn có độ lớn 4.1, có khả năng gây rung chấn nhẹ trên bề mặt.