Xung đột Nga - Ukraine ngày 31/3: Ukraine cải tiến máy bay không người lái để gây sát thương ngay cả khi bị bắn rơi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắt đầu trang bị cho các máy bay không người lái (UAV) của nước này những thiết bị có thể kích nổ tự động sau khi rơi, một chỉ huy trung đội trinh sát của nhóm Zapad (Nga) tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 31/3: Ukraine cải tiến máy bay không người lái để gây sát thương ngay cả khi bị bắn rơi ảnh 1

(Ảnh: Avia Pro)

Cụ thể, quân đội Ukraine được cho là đã cải thiện chiến thuật của mình bằng cách lắp các thiết bị nổ nhỏ trên máy bay không người lái. Các thiết bị này sẽ phát nổ khi có ai đó mở hoặc di chuyển xác UAV bị rơi.

Theo vị chỉ huy người Nga, những thiết bị như vậy gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quân nhân Nga nếu họ cố gắng thu thập máy bay không người lái bị bắn hạ trên chiến trường. Điều này làm phức tạp thêm nhiệm vụ của các đơn vị khi thu thập thiết bị của đối phương để phân tích.

Ông kêu gọi các binh sĩ cần hết sức thận trọng khi xử lý xác UAV để tránh tổn thất do các vụ nổ bất ngờ.

Ngày nay, việc sử dụng máy bay không người lái được coi là một yếu tố quan trọng trong các hoạt động chiến đấu của cả Nga và Ukraine. Tháng 3/2025, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo việc phá hủy hàng trăm UAV của Ukraine trong một tháng, bao gồm 66 chiếc trong đêm 31/3.

Lực lượng vũ trang Ukraine cũng đang tăng cường sản xuất máy bay không người lái. Theo truyền thông địa phương, hơn 2025 máy bay không người lái FPV đã được lắp ráp trong quý đầu tiên của năm nay. Một số trong đó được trang bị hệ thống phòng thủ mới, chẳng hạn như thiết bị nổ tự động. Công nghệ này có thể được vay mượn từ kinh nghiệm trong các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Nga cáo buộc Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn

Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/3 cáo buộc Ukraine một lần nữa vi phạm lệnh tạm dừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, bằng cách tiến hành hai cuộc tấn công vào lưới điện ở tỉnh Bryansk, biên giới Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong 30 ngày sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào đầu tháng này. Thỏa thuận sau đó đã được Kiev xác nhận.

Tuy nhiên, Mátxcơva đã lập tức cáo buộc Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn, với một số vụ việc tương tự xảy ra trong những ngày tiếp theo.

Trong một tuyên bố vào ngày 31/3, Bộ Quốc phòng Nga ám chỉ rằng Kiev không thay đổi cách tiếp cận của mình đối với lệnh tạm dừng tấn công cơ sở năng lượng. "Trong 24 giờ qua, lực lượng vũ trang Ukraine vẫn tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga”, trích tuyên bố.

Một cuộc tấn công đã được báo cáo vào tối 30/3, nhắm vào một cơ sở ở tỉnh Bryansk và liên quan đến một cuộc pháo kích vào một chi nhánh của công ty năng lượng Rosseti Centre - Bryanskenergo.

“Do dây điện trên bị đứt, đường dây cao thế đã bị ngắt kết nối và các hộ gia đình ở quận Suzemsky đã bị cắt nguồn cung cấp năng lượng”.

Chưa đầy nửa giờ sau, một máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công một trạm biến áp điện trong cùng khu vực, cũng dẫn đến tình trạng mất điện.

“Các cuộc tấn công liên tục có chủ đích của lực lượng vũ trang Ukraine vào các cơ sở năng lượng của Nga cho thấy Kiev hoàn toàn không có khả năng tuân thủ bất kỳ nghĩa vụ nào liên quan đến việc giải quyết xung đột ở Ukraine”, bộ này nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Trump giận Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cảm thấy "tức giận" với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và cảnh báo sẽ áp thuế quan thứ cấp đối với những nước mua dầu Nga nếu Mátxcơva cản trở nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Trả lời phỏng vấn NBC News, Tổng thống Trump thừa nhận ông cảm thấy tức giận khi Tổng thống Nga Putin hạ thấp uy tín của lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump đã áp dụng lập trường ôn hoà hơn với Nga khi ông cố gắng làm trung gian chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm của Mátxcơva ở Ukraine.

Những bình luận thẳng thừng của ông Trump về Tổng thống Putin hôm 30/3 đã phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của lãnh đạo Mỹ về việc Nga thiếu thiện chí ngừng bắn.

"Nếu Nga và tôi không thể đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, và nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga, thì tôi sẽ áp thuế quan thứ cấp đối với dầu mỏ, đối với tất cả dầu mỏ xuất phát từ Nga. Điều đó có nghĩa là nếu bạn mua dầu từ Nga, bạn không thể kinh doanh tại Mỹ”, ông Trump nói, đồng thời cảnh báo có thể áp dụng các biện pháp thương mại mới trong vòng một tháng.

Sau đó, Tổng thống Trump nhắc lại rằng ông thất vọng với người đồng cấp Nga Putin, nhưng nói thêm: "Tôi nghĩ chúng ta đang đạt được tiến triển, từng bước một".

Mátxcơva hiện chưa bình luận về những phát biểu mới nhất của ông Trump. Nga coi các lệnh trừng phạt và hạn chế của phương Tây là "bất hợp pháp”, được đưa ra để phương Tây tận dụng lợi thế kinh tế trong cuộc cạnh tranh với Nga.

Tổng thống Trump nói với NBC News rằng ông dự định sẽ nói chuyện với Tổng thống Nga Putin trong tuần này. Hai nhà lãnh đạo đã có hai cuộc điện đàm trong những tháng gần đây.

Nhà Trắng không bình luận về thời điểm diễn ra cuộc gọi hoặc liệu ông Trump có nói chuyện với ông Zelensky hay không.

Ông Trump nói rằng Tổng thống Putin biết ông đang tức giận. Nhưng ông Trump khẳng định “tôi có mối quan hệ rất tốt với ông ấy”, và "cơn tức giận sẽ nhanh chóng tan biến nếu ông ấy làm điều đúng đắn".

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, nước này không nhập khẩu bất kỳ thùng dầu thô nào của Nga kể từ tháng 4/2022. Trước đó, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã liên tục mua dầu Nga nhưng với số lượng không ổn định. Mức cao nhất là 98,1 triệu thùng vào năm 2010 và mức thấp nhất là 6,6 triệu thùng vào năm 2014.

Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia mua dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng 35% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ vào năm 2024.

Theo Pravda, Avia Pro, RT
MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm