Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters) |
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Scholz tới thủ đô của Ukraine sau hai năm rưỡi. Chuyến thăm diễn ra ngay sau cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc điện đàm đã vấp phải sự chỉ trích từ Kiev.
Ông Scholz trước đó đã đến thăm Kiev vào tháng 6/2022 cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý khi đó là Mario Draghi. Đây là chuyến thăm Kiev đầu tiên của ba nhà lãnh đạo châu Âu kể từ khi xung đột toàn diện nổ ra.
Mỹ nói Ukraine tự quyết định về việc nhượng bộ lãnh thổ
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Ukraine phải tự quyết định về việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để chấm dứt xung đột.
"Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng nhất là Ukraine phải tự quyết định vận mệnh và số phận của mình, chứ không phải bị bên ngoài, bao gồm cả Mỹ, áp đặt", ông Sullivan nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC. "Về lãnh thổ, an ninh hoặc các yếu tố khác, tôi sẽ không bình luận một cách công khai. Tôi nghĩ Tổng thống Zelensky nên là người lên tiếng, vì xét cho cùng, chúng ta đang nói về đất nước của ông ấy".
Theo ông Sullivan, Kiev hiểu rằng xung đột cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán. "Trong suốt năm 2024, chúng tôi đã rất tích cực trao đổi với Tổng thống Zelensky và nhóm của ông về hình thức đàm phán. Điều quan trọng nhất trong năm nay là cố gắng cung cấp cho Ukraine càng nhiều công cụ càng tốt để họ có thể tham gia đàm phán, và cảm thấy rằng họ có thể đạt được kết quả mà họ mong muốn", ông Sullivan nói.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Sky News vào ngày 29/11, rằng "giai đoạn nóng" của cuộc xung đột có thể kết thúc nếu các vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát được "nằm dưới chiếc ô của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".
Nga giành thêm hai khu định cư ở Donetsk trong một ngày
Lực lượng vũ trang Nga đã giành quyền kiểm soát Petrovka và Ilyinka thuộc Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
"Nhóm tác chiến phía nam đã giành được khu định cư Ilyinka. Nhóm tác chiến trung tâm giành được khu định cư Petrovka. Cả hai đều thuộc Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk", trích thông báo.
Theo bộ này, các quân nhân Nga cũng đã tấn công cơ sở hạ tầng của các sân bay quân sự, xưởng lắp ráp máy bay không người lái và nhà kho của Ukraine.
Ngoài ra, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 55 máy bay không người lái của Ukraine trong 24 giờ qua.
Theo thống kê của quân đội Nga, kể từ khi xung đột bùng phát đến nay, Ukraine đã mất tổng cộng 649 máy bay, 283 trực thăng, 37.013 máy bay không người lái, 586 hệ thống tên lửa phòng không, 19.577 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 1.497 bệ phóng rocket đa nòng, 18.807 pháo và súng cối dã chiến, 28.905 đơn vị xe quân sự đặc biệt.
Các quan chức châu Âu thăm Kiev, thể hiện sự đoàn kết với Ukraine
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và quan chức đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas đã đến Kiev vào ngày 1/12, để gửi thông điệp ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Chuyến thăm của các quan chức châu Âu diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang phải vật lộn để đối phó với các cuộc tấn công dữ dội của Nga, và phải đối mặt với sự bất ổn trong chính sách của Mỹ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng tới.
"Ngay từ ngày đầu tiên của cuộc xung đột, EU đã sát cánh cùng Ukraine", ông Costa viết trên X, đăng kèm hình ảnh các quan chức châu Âu đến Kiev bằng tàu hỏa. "Ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, chúng tôi đã tái khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển của mình đối với người dân Ukraine".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa. Ông Costa vừa nhậm chức hôm 29/11. (Ảnh: Reuters) |
Cả bà Kallas và ông Costa đều là những người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát tháng 2/2022. Tuy nhiên, không ai có thể đưa ra những cam kết cụ thể về tăng cường viện trợ.
EU cho biết, các tổ chức và quốc gia thành viên của khối đã cung cấp khoảng 133 tỷ đô la viện trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát. Nhưng sự hỗ trợ trong tương lai vẫn chưa chắc chắn, đặc biệt là nếu ông Trump cắt giảm sự hỗ trợ của Mỹ.
Ông Trump đã chỉ trích quy mô viện trợ của Mỹ cho Kiev, và tuyên bố sẽ tìm cách chấm dứt xung đột nhanh chóng, nhưng không nêu rõ cách thức cụ thể.
"Trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi nhậm chức, thông điệp của tôi rất rõ ràng: Liên minh châu Âu muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này", bà Kallas viết trên X. "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được điều đó".
Với tư cách là thủ tướng Estonia, quốc gia giáp biên giới với Nga, bà Kallas nổi lên như một trong những nhà phê bình Nga gay gắt nhất.
Ông Costa, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, có nhiệm vụ điều phối công việc của lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và chủ trì các hội nghị thượng đỉnh của họ với tư cách Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Tại một buổi lễ ở Brussels vào thứ sáu, ông cho biết mọi người đều mong muốn hòa bình sau hơn 1.000 ngày xung đột Ukraine - Nga. "Hòa bình không có nghĩa là đầu hàng", ông nói thêm.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã chỉ trích các lãnh đạo mới của EU vì đến thăm Kiev vào ngày đầu tiên nhậm chức. Trong một bài đăng trên X, ông lập luận rằng sự xuất hiện tại thủ đô Ukraine của bà Kaja Kallas và ông Antonio Costa báo hiệu cam kết kéo dài cuộc xung đột Ukraine.
“Costa, tân lãnh đạo Hội đồng châu Âu và ‘nhà ngoại giao hàng đầu của EU’ có thái độ bài Nga Kallas đã đến Kiev vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Điều này cho thấy ưu tiên của họ là kéo dài chiến tranh, chứ không phải đảm bảo phúc lợi của EU. Người dân châu Âu có vui không?”, ông Medvedev hỏi.