(Ảnh: Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine) |
Trên hai mặt trận này, lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi tổng cộng 104 cuộc tấn công.
Ở Pokrovsk, quân đội Nga tiến hành 61 cuộc tấn công gần các khu định cư Myroliubivka, Promin, Lysivka, Krutyi Yar, Dachenke, Zhovte, Chumatske, Novyi Trud và Pustynka. Lực lượng Nga đã thả năm quả bom dẫn đường xuống Myroliubivka, Dachenke và Lysivka.
Ở Kurakhove, quân đội Nga cố gắng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine 43 lần. Lực lượng phòng thủ của Ukraine đã ngăn chặn quân Nga gần các khu định cư Sontsivka, Berestky, Novodmytrivka, Kurakhove, Dalnie, Yelyzavetivka, Romanivka, Antonivka, Uspenivka và Dachne.
Nga, Ukraine phóng 180 máy bay không người lái vào đối phương
Quân đội Nga bị cáo buộc tấn công Ukraine bằng 132 máy bay không người lái trong đêm 28 rạng sáng 29/11.
Lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 88 chiếc trong số đó. 41 máy bay không người lái biến mất khỏi radar, và một chiếc quay trở lại Nga.
Cùng lúc đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố có khoảng 50 máy bay không người lái tấn công lãnh thổ Nga trong đêm 28 rạng sáng 29/11. 47 máy bay không người lái đã bị đánh chặn.
Tổng thống Putin so sánh tên lửa đạn đạo Oreshnik với thiên thạch
Phát biểu ngày 28/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin so sánh sức mạnh tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik mới của Nga với một vụ va chạm thiên thạch. Ông nói thêm rằng vũ khí siêu thanh này có khả năng tấn công thành công các mục tiêu kiên cố.
Mátxcơva đã có một số tên lửa Oreshnik trong kho và bắt đầu đưa hệ thống vũ khí tiên tiến này vào sản xuất hàng loạt.
"Tác động của tên lửa Oreshnik giống như thiên thạch rơi xuống. Chúng ta đã từng biết nhiều vụ thiên thạch rơi xuống và hậu quả của nó. Nhiều hồ nước đã được hình thành", ông Putin nói.
"Hệ thống Oreshnik cũng có hàng chục đầu đạn tự dẫn, có khả năng bắn trúng mục tiêu trong khi di chuyển nhanh hơn 10 lần so với tốc độ âm thanh".
Nga phá hủy hàng loạt bệ phóng ATACMS bằng tên lửa Iskander
Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/11 đã công bố một đoạn video và cho biết, tên lửa đạn đạo Iskander của quân đội nước này đã bắn trúng năm bệ phóng tên lửa của Ukraine ở vùng Sumy, trong đó gồm các bệ phóng được sử dụng để bắn tên lửa tầm xa ATACMS.
"Hai bệ phóng MLRS và một xe vận chuyển-nạp đạn đã bị phá hủy gần khu định cư Tokari (cách thành phố Sumy khoảng 8 km về phía tây bắc), và ba bệ phóng HIMARS đã bị phá hủy gần khu định cư Maly Bobrik (cách Sumy khoảng 20 km về phía đông nam)", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
(Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga) |
Video do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp cho thấy tên lửa Iskander phá hủy ba bệ phóng HIMARS của Ukraine tại Sumy. Hệ thống này có thể mang theo ống phóng chứa sáu tên lửa phóng loạt có điều khiển.
Đầu tuần này, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby xác nhận Ukraine được phép sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công lãnh thổ Nga. Mátxcơva cho biết việc Kiev sử dụng vũ khí tầm xa sẽ thay đổi bản chất xung đột và khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành bên liên quan trực tiếp.
Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Mátxcơva có quyền tấn công các quốc gia cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để chống lại Nga.
Hà Lan chuyển khẩn cấp 3 bệ phóng Patriot cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans ngày 28/11 thông báo về việc chuyển giao ba bệ phóng tên lửa Patriot cho Ukraine.
"Người dân Ukraine phải đối mặt với mùa đông khó khăn khi các cuộc không kích của Nga vẫn tiếp diễn. Đó là lý do vì sao chúng tôi chuyển khẩn cấp ba bệ phóng tên lửa Patriot cho Kiev", ông Ruben Brekelmans nhấn mạnh.
Chính phủ Ukraine bày tỏ sự biết ơn Hà Lan, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các bệ phóng tên lửa này trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và người dân khỏi những mối đe dọa từ trên không.
Việc Ukraine được phương Tây bổ sung thêm bệ phóng tên lửa diễn ra vào thời điểm mạng lưới phòng không của Ukraine đang chịu áp lực rất lớn với việc Nga liên tục phóng tên lửa hành trình và máy bay không người lái vào nhiều vùng lãnh thổ Ukraine.
Patriot là một trong những hệ thống phòng không tối tân của Mỹ, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, cũng như máy bay chiến đấu và các thiết bị không người lái.
Hệ thống Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa đánh chặn, trong đó có hai loại chính là PAC-2 và PAC-3. Tên lửa PAC-2 là mẫu cũ hơn, có hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay, trong khi tên lửa PAC-3 được đánh giá là đặc biệt hiệu quả trong việc phòng thủ chống lại các công nghệ tên lửa ngày tinh vi bao gồm tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo.
Tên lửa PAC-3 có chiều dài 5,21 m, trọng lượng 312 kg, được trang bị một động cơ kép xung lực, có thể bắn hạ tên lửa đang bay tới ở độ cao 40 km với tốc độ bay đạt Mach 5.
Một trong những điểm chính của hệ thống Patriot là khả năng tích hợp với các hệ thống phòng không khác, tạo ra mạng lưới phòng thủ nhiều lớp.
Mặc dù các hệ thống Patriot rất cần thiết trong việc chống lại các mối đe dọa tên lửa của Nga, nhưng nó lại đòi hỏi mức hỗ trợ kỹ thuật cao, bao gồm nguồn cung cấp tên lửa ổn định, bảo dưỡng và người vận hành.