Xung đột Hamas - Israel: ‘Cơn đau đầu’ mới của ông Biden

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty
TPO - Khi mới nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hy vọng ông có thể chuyển trọng tâm đối ngoại từ Trung Đông sang các khu vực mà ông cho là mối đe dọa mới, như Trung Quốc và Nga.

Nhưng khi cuộc giao tranh quyết liệt nổ ra giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas của Palestine, ông Biden bất ngờ bị kéo trở lại “chiến trường cũ”, và một lần nữa phải đối mặt với những thách thức mà những người tiền nhiệm của ông phải đối mặt suốt nhiều thập kỉ.

Nhà Trắng ủng hộ Israel

Phát biểu hôm thứ Tư, Tổng thống Biden cho biết ông đã có cuộc trò chuyện rất dài với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Biden bày tỏ tin tưởng rằng cuộc đối đầu giữa Israel với nhóm Hamas sẽ sớm chấm dứt.

“Kỳ vọng của tôi là tình trạng này sẽ sớm kết thúc”, ông Biden nói tại Nhà Trắng. “Israel có quyền tự vệ khi các bạn phải hứng hàng nghìn quả rocket nhắm vào lãnh thổ của mình.”

"Sự ủng hộ của Tổng thống đối với an ninh của Israel, với quyền tự vệ chính đáng của nước này và người dân là điều cơ bản và sẽ không bao giờ thay đổi”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói trước đó, ngày 11/5.

Bà lên án các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas, nhưng cũng nhấn mạnh Mỹ lên án chủ nghĩa cực đoan đã gây ra bạo lực cho cả hai bên.

Israel hứng tổng cộng 1.500 quả rocket từ Dải Gaza tính từ đầu tuần. Nguồn: IDF

Xuất hiện trên chương trình The Lead chiều thứ Tư, Gilad Erdan, Đại sứ Israel tại Mỹ cho biết ông "rất, rất vui khi được nghe sự ủng hộ của Tổng thống Biden đối với quyền tự vệ của Israel, và đối với sự an toàn của người dân Israel.”

Thời điểm xảy ra cuộc xung đột mới đặt ra một vấn đề phức tạp với ông Biden. Trước khi bạo lực nổ ra, chính quyền ông Biden đã nỗ lực kéo Iran - kẻ thù của Israel đến bàn đàm phán để nối lại thỏa thuận hạt nhân. Israel phản đối việc này mạnh mẽ đến mức đã cử người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad tới Washington để nói với ông Biden rằng việc tái gia nhập thỏa thuận với Iran sẽ là một sai lầm.

Tổng thống Biden không đề cập đến người Palestine trong các bình luận của mình. Ông Biden đã phải chịu áp lực trong tuần này không chỉ từ các đảng viên Cộng hòa - những người đang thúc giục ông ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn, mà còn từ những người tiến bộ trong chính đảng Dân chủ, những người chỉ trích Israel và hy vọng ông Biden quan tâm đến vấn đề nhân quyền của người Palestine.

Mỹ chưa có đại sứ tại Israel

Ông Biden hiện cũng đang phải đối mặt với câu hỏi về việc vì sao vẫn chưa bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Israel, cũng như ở nhiều quốc gia khác.

Một quan chức chính quyền cấp cao nói với CNN rằng Tổng thống Mỹ đã sẵn sàng công bố một loạt các đại sứ vào cuối tháng Năm, trong đó có đại sứ tại Israel. Kế hoạch của ông Biden là đưa ra danh sách khoảng 10 ứng cử viên, có thể nhiều hơn.

Hôm thứ Tư, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Biden có kế hoạch bổ nhiệm một "đại sứ có trình độ, kinh nghiệm" đến Israel trong "những tuần tới". Tuy nhiên, ông Biden vẫn chậm chạp hơn những người tiền nhiệm trong việc bổ nhiệm một đại sứ hoặc đặc phái viên.

“Rõ ràng tình hình sẽ khả quan hơn nếu Mỹ có đại sứ ở đó”, Joe Lieberman, người từng làm việc cùng ông Biden tại Thượng viện trong gần hai thập kỉ và là người ủng hộ mạnh mẽ Israel, nói.

Cho đến khi Mỹ có đại sứ mới ở Israel, Lieberman nói rằng Tổng thống nên cử một đặc phái viên Mỹ đến khu vực.

“Thời gian là vấn đề cốt yếu”, Lieberman khẳng định. “Sẽ là một động thái mang tính xây dựng nếu có một đặc phái viên tạm thời từ Bộ Ngoại giao, hoặc Hội đồng An ninh Quốc gia đến Trung Đông để khắc phục tình hình trước khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát.”

Xung đột Hamas - Israel: ‘Cơn đau đầu’ mới của ông Biden ảnh 1

Dải Gaza tan hoang khi bị Israel không kích. Ảnh: Shutterstock

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 12/4 cho biết ông đã yêu cầu một quan chức hàng đầu của Bộ ngoại giao "đến khu vực Trung Đông ngay lập tức để gặp các nhà lãnh đạo Israel, Palestine" và thúc giục giảm leo thang.

Quan chức này được xác định là Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Israel và Palestine - ông Hady Amr.

Cũng trong ngày thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nói chuyện với người đồng cấp Israel - Benjamin Gantz. Đây là cuộc điện đàm mới nhất trong loạt các cuộc điện đàm từ Washington tới Israel.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Psaki cho biết đã có 25 cuộc điện đàm và cuộc họp cấp cao giữa các quan chức chính quyền ông Biden và những đối tác trong khu vực Trung Đông kể từ cuối tuần trước.

Ứng viên đại sứ tiềm năng

Tom Nides, cựu thứ trưởng ngoại giao trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, được coi là ứng cử viên hàng đầu để trở thành Đại sứ Mỹ ở Jerusalem, một số nguồn thạo tin cho biết.

Robert Wexler, cựu nghị sĩ Florida, cũng đang được xem xét, nhưng sự liên kết của ông với một công ty vận động hành lang của đảng Cộng hòa đã khiến ông trở thành một lựa chọn ít khả thi hơn

Nides đã có nhiều năm làm việc tại Đồi Capitol, có mối liên hệ chặt chẽ trong cả Hạ viện và Thượng viện.

“Ông ấy rất thích hợp với vai trò ngoại giao này”, Lieberman nói. “Ông ấy sẽ là một đại diện phù hợp cho chính quyền Tổng thống Biden ở Israel và đối với cả chính quyền Palestine.”

Giống với tất cả các ứng viên đại sứ, Nides sẽ phải được Thượng viện thông qua. Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng. Do đó, chính quyền Tổng thống Biden buộc phải sớm đưa ra đề cử, do xung đột ở khu vực Trung Đông ngày càng dâng cao.

Người phát ngôn của Nhà Trắng từ chối bình luận về các ứng viên đại sứ tiềm năng.

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.