Xuất khẩu tôm năm 2025 dự báo đạt 5,6 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việt Nam từng là nước xuất khẩu (XK) tôm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngành tôm Ấn Độ và Ecuador vươn lên mạnh mẽ, tôm Việt tụt xuống xếp thứ 3. Nhưng những diễn biến phức tạp thời gian qua cho thấy dự báo trước đây rằng XK tôm khả năng đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 là mức phấn đấu quá tầm, thay vào đó là nhận định ở mức 5,6 tỷ USD, tăng 9%/năm…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2015 về trước, Việt Nam từng là nước XK tôm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tôm Ấn Độ đã trỗi dậy mạnh mẽ từ năm 2015, tôm Ecuador đột phá từ năm 2018, khiến tôm Việt đang xếp thứ 3 thế giới.

Tuy nhiên, khoảng cách tỷ trọng top 3 này không chênh lệch nhiều. Cụ thể, trong 26-28 tỷ USD giá trị nhập khẩu tôm toàn thế giới hàng năm, Ấn Độ chiếm 15,7%, Ecuador chiếm 14% và Việt Nam chiếm 13,6%.

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN), nguyên Chủ tịch VASEP, điểm đáng kể là sự vươn mình ngành tôm hai nước nói trên ít nhiều gắn liền sự phát triển công nghệ chế tạo thiết bị đông lạnh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Diện tích nuôi tôm của Việt Nam trên 740.000ha, sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm, tập trung ở ĐBSCL (trên 80%). Tôm sú Việt Nam đứng đầu thế giới với trên 250.000 tấn. Sản lượng tôm tăng 10%/năm.

Các thị trường chính tiêu thụ tôm Việt là Hoa Kỳ (20-23%), Nhật Bản (16-18%), EU (15-20%), Trung Quốc (13-15%), Hàn Quốc (9-10%). Tôm Việt Nam có thứ hạng cao ở các thị trường lớn. Trong đó, chiếm vị trí số 1 ở Nhật Bản, thứ 2 ở EU, thứ 5 ở Hoa Kỳ, thứ 4 ở Trung Quốc, số 1 ở Hàn Quốc, số 1 ở Úc…

Kim ngạch XK tôm khoảng 3,8 tỷ USD/năm, đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Ecuador. Trong 5 năm qua, XK tôm Việt Nam tăng trưởng 5%/năm. Kim ngạch XK tôm chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch XK thủy sản.

Xuất khẩu tôm năm 2025 dự báo đạt 5,6 tỷ USD ảnh 1

Nuôi tôm thâm canh ở ĐBSCL.

Về triển vọng 5 năm tới, theo VASEP, đến năm 2025 XK tôm đạt kim ngạch 5,6 tỷ USD, tăng trưởng 9% hàng năm. Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, nhận định này hoàn toàn có cơ sở mặc dù con số tăng trưởng 9%/năm cũng là chỉ tiêu phấn đấu đầy vất vả.

Theo ông Lực, năm 2017 có nhận định về khả năng kim ngạch XK tôm năm 2025 đạt 10 tỷ USD, những những diễn biến phức tạp thời gian qua cho thấy mức phấn đấu này là quá tầm, không phù hợp. Cụ thể, về sản phẩm, chắc chắn các DN tôm sẽ linh hoạt thâm nhập từng thị trường theo lợi thế của mình và hạn chế thế mạnh của đối thủ.

Về thị trường, xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Song song coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Úc, Canada… Tuy nhiên, hàng năm, thị trường nào dẫn dắt sẽ tùy thuộc tình hình cụ thể, bởi ở các thị trường chính, lớn thì tôm Việt vẫn còn những hạn chế nhất định…

“Sự năng động, linh hoạt lẫn cần cù, chịu khó của các thành viên trong chuỗi giá trị con tôm chúng ta là một tài sản, một lợi thế quý báu để ngành tôm bứt phá trong các năm tới. Chẳng những sẽ đạt vượt mức chỉ tiêu đề ra mà còn đưa ngành tôm Việt vượt qua hai đối thủ lớn, vươn lên hàng đầu thế giới trong tương lai gần” – nguyên Chủ tịch VASEP nhận định.

Với kim ngạch XK năm 2021 ước đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2020, tôm vẫn là mặt hàng chủ lực của XK thủy sản Việt Nam. Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP, những yếu tố quan trọng giúp cho XK tôm vẫn thành công trong năm 2021 là Việt Nam đã tận dụng cơ hội khi Ấn Độ, Indonesia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, nhu cầu sử dụng tôm vẫn cao, thị trường tiêu thụ ổn định…

MỚI - NÓNG