Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm của ngành thủy sản thu hẹp dần. Trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 863 triệu USD, chỉ còn giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp trong kim ngạch ngành thủy sản, xuất khẩu tôm đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP -cho rằng, xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm và năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Mỹ.
Hiện, khối lượng nhập khẩu tôm từ thị trường này bắt đầu hồi phục, song giá nhập vẫn thấp hơn khoảng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. "Điều đáng mừng, vào cuối năm, nhu cầu thủy sản từ thị trường này thường tăng cao do phục vụ các dịp lễ nên dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Mỹ sẽ khả quan hơn trong 2 tháng còn lại", ông Hòe nói.
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đang hồi phục đáng kể trong những tháng cuối năm. |
Với cá tra, theo đại diện VASEP, tính đến hết tháng 10 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu mặt hàng này đang có tín hiệu tích cực sau chương trình thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và an toàn thực phẩm Mỹ đánh giá tốt về độ an toàn thực phẩm của cá tra.
Đặc biệt, phía Mỹ đang tìm mua khoảng 2,7 triệu tấn phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ ba Mỹ vào năm nay, sau thương vụ mua gần 42 triệu USD vào tháng 3.
Cùng với đó, thị trường Trung Quốc có hồi phục đáng kể. Doanh số bán cá tra phile tẩm bột vẫn tăng, khi mà sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn các nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc với giá 5,4 - 6,8 USD/suất (khoảng 130.000 - 160.000 đồng). Sản phẩm này cũng nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc.
Đáng chú ý nhất là xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ đang tăng trưởng đến 2 con số. Theo đó, trong tháng 10 xuất khẩu cá ngừ tăng hơn 13%, giúp mặt hàng này mang về khoảng hơn 700 triệu USD từ đầu năm đến nay. Cua, ghẹ tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, và trong 10 tháng đạt hơn 160 triệu USD.
Theo VASEP, hiện mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Dự báo xuất khẩu thủy sản quý IV có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm nay lên 9 tỷ USD (đạt mục tiêu đề ra), thấp hơn 17% so với năm ngoái.