‘Ngấm đòn’ lạm phát, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tuột dốc mạnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau thời gian thăng hoa, xuất khẩu thủy sản đang quay đầu giảm sâu do ảnh hưởng lạm phát từ các thị trường. Điều này khiến việc kinh doanh của doanh nghiệp bất ngờ tuột dốc.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ quý IV/2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản đột ngột đảo chiều từ tăng trưởng dương ở mức cao (34-46%) sang âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng.

Trong tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản giảm 31% đạt khoảng 600 triệu USD. Trong đó, cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%; riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.

Đặc biệt xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc – Hồng Kông giảm 55%, châu Âu giảm 35%...

Việc xuất khẩu thủy sản ngấm đòn lạm phát đã khiến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý IV/2022 sụt giảm mạnh. Theo đó, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong quý IV/2022, doanh thu đạt 1.211 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm gần 31% so với quý III/2022. Đặc biệt, do chi phí tài chính cũng gấp 5 lần, dẫn tới lãi sau thuế trong quý 4 chỉ đạt gần 81 tỷ đồng, giảm 26% so với quý IV/2021.

‘Ngấm đòn’ lạm phát, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tuột dốc mạnh ảnh 1

Sau đà tăng trưởng ấn tượng xuất khẩu thủy sản đang tuột dốc do "ngấm đòn" lạm phát

Công ty Thủy sản Việt Nam trong quý IV/2022 cũng sụt giảm hơn 21% doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. Tuy vậy, nhờ tỷ lệ giảm chi phí vốn sâu hơn nên lợi nhuận gộp lại tăng 17,5% lên 33 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh nghiệp số 1 ngành tôm - Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường. Trong quý này, doanh thu của Minh Phú đạt hơn 1.670 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, và giảm 67% so với quý 3/2022. Lợi nhuận sau thuế trong quý đạt khoảng 313 tỷ đồng, giảm 4,5% so với quý trước.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang sau khi chứng kiến đà tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm 2022 cũng sụt giảm 17% doanh thu trong quý IV. Cùng với đó, giá vốn bán hàng/doanh thu thuần và chi phí lãi vay tăng mạnh đã kéo lợi nhuận sau thuế trong quý giảm hơn 76%.

Dự báo về tình hình xuất khẩu trong năm 2023, đại diện VASEP cho rằng, dù tại các thị trường chính đều đang đồng loạt giảm nhưng thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên nhu cầu sắp tới sẽ không thể sụt giảm quá mạnh.

Theo VASEP, xu hướng sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm với lợi thế nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải (vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát).

VASEP kỳ vọng từ quý 2/2023, nhu cầu từ các thị trường sẽ khởi sắc trở lại giúp thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

MỚI - NÓNG