Theo Bộ NN&PTNT nuôi trồng, xuất khẩu thuỷ sản hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Ngoài dịch bệnh gây thiệt hại cho người nuôi, việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh không theo hướng dẫn, quy định khiến tồn dư cao, gây mất ATTP.
Trước tình trạng trên, ông Phát yêu cầu các địa phương rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, đảm bảo hệ thống điện, thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu lây nhiễm chéo các loại mầm bệnh giữa các ao nuôi, vùng thâm canh, bán thâm canh, quảng cảnh…
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị, các địa phương tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vị phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản
Cùng đó, cần chấn chỉnh công tác giám sát dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thuỷ sản giống lưu thông trong nước, giảm thiểu thủ tục, gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển thuỷ sản giống đi tiêu thụ.
Bộ trưởng NN&PTNT cũng yêu cầu Cục Thú y chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tổ chức giám sát và xử lý dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất tôm, cá tra giống, cơ sở nuôi tôm, cá tra xuất khẩu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đàm phán trực tiếp với các nước để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản…
Ngoài ra, ông Phát cũng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad) phối hợp với Cục Thú y và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) để tháo gỡ các khó khăn, rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản
Nafiqad chủ trì tổ chức điều tra và truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng thủy sản bị cảnh báo, trả về hoặc cấm nhập khẩu do nhiễm hóa chất, kháng sinh, làm căn cứ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.