Xuất bản SGK: Lợi nhuận khổng lồ, sao vẫn tăng giá?

Xuất bản SGK: Lợi nhuận khổng lồ, sao vẫn tăng giá?
Bộ GD-ĐT khẳng định vấn đề tăng hay không tăng giá sách giáo khoa sẽ được quyết định cuối tuần này. Nhưng thực tế, sách giáo khoa mới với giá bán tăng gần 10% so với năm học trước đã có mặt tại các cửa hàng sách - thiết bị giáo dục.
Xuất bản SGK: Lợi nhuận khổng lồ, sao vẫn tăng giá? ảnh 1

Những thông tin về tăng giá sách chỉ vừa mới được Nhà xuất bản Giáo Dục (NXBGD) thông tin vào cuối tháng 4/2008, thời điểm mà việc in ấn đã đi được một quãng đường dài. Thậm chí, một số nhà in đã gần hoàn tất số lượng in của mình.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ trương tăng giá sách giáo khoa đã được NXBGD đưa ra ngay từ đầu năm.

Cán bộ một nhà in cho biết, ngay từ khi triển khai in, NXBGD đã yêu cầu in thẳng giá bán mới lên bìa sách. Và đến thời điểm này, nhà in của ông đã hoàn tất hơn 80% công việc in ấn, bàn giao sách giáo khoa.

Giá in thành phẩm chỉ tăng 5%?

Một vấn đề khác liên quan trực tiếp đến sách giáo khoa là giấy và công in. Trên thực tế giá giấy trong thời gian qua có tăng, song tình hình có "nguy cấp" đến mức phải tăng giá sách giáo khoa trong thời điểm hiện nay?

Tìm hiểu qui trình xuất bản sách giáo khoa, chúng tôi được biết hằng năm sau hội nghị tổng kết năm học, NXBGD đều có ký một hợp đồng giao ước với Tổng công ty Giấy Việt Nam về việc đảm bảo nguồn cung ứng giấy và giá cả cho việc in ấn sách giáo khoa.

Về phía các nhà in, sau khi trúng thầu in một gói thầu nào đó sẽ phải tự liên hệ với công ty giấy để tìm nguồn cung ứng giấy cho mình. Cán bộ phụ trách sản xuất thị trường một nhà in có in sách giáo khoa cho hay do giá giấy tăng nên giá thành sản phẩm của nhà in này tăng khoảng 5%. Nghe tỉ lệ này, chúng tôi hỏi ông về tỉ lệ 10% mà NXBGD đề nghị tăng giá sách giáo khoa vì lý do giá giấy, ông chỉ cười mà không nhận xét gì.

Sau khi thuyết phục một số nhà in cho phép tiếp cận với bảng giá in ấn sách giáo khoa bất thành, chúng tôi đành phải vào vai khách hàng đến một nhà in đang in sách giáo khoa cho NXBGD để đặt vấn đề in sách.

Yêu cầu đặt ra là in một cuốn sách với tất cả các thông số giống hệt cuốn Lịch sử lớp 9. Để đảm bảo khách quan, chúng tôi đưa ra số lượng in ít hơn số lượng in thật của cuốn sách này 20.000 bản (số lượng in càng nhiều, giá thành càng giảm). Sau nhiều ngày tính toán, công ty này đưa ra cho chúng tôi giá thành 7.725 đồng/cuốn.

Trong khi đó, giá bán của cuốn Lịch sử lớp 9 năm 2008 do NXBGD phát hành là 9.400 đồng/cuốn. Dĩ nhiên, với một khách hàng riêng lẻ và xa lạ như chúng tôi, chắc chắn sẽ không có được giá in ưu đãi từ phía nhà in như đối với NXBGD.

Tuy nhiên, với giá 7.725 đồng/cuốn và giá bán là 9.400 đồng/cuốn, chúng tôi vẫn còn 1.675 đồng/cuốn để thanh toán các chi phí khác và dành cho chiết khấu. Nếu mang con số này nhân với hàng trăm ngàn bản chỉ cho mỗi đầu sách trên, số tiền sẽ không nhỏ. Trong khi số lượng sách giáo khoa mà NXBGD phát hành trong năm học 2008 - 2009 lên đến 90 triệu bản!

Từng lời cả chục tỉ đồng/năm

Liên quan đến vấn đề lợi nhuận, chúng tôi tìm lại những con số biết nói từ chính NXBGD. Từ năm 2002 đến ngày 30/6/2006, NXBGD đã phát hành một số lượng sách khổng lồ: 891 triệu bản. Trong đó, sách giáo dục hơn 821 triệu bản.

Nhờ số lượng khổng lồ và có lẽ nhờ cả vào tính chất phát hành, NXBGD đạt doanh thu bình quân 800 - 900 tỉ đồng/năm, lợi nhuận trước thuế có năm đạt tới 93,8 tỉ đồng.

Một điểm mấu chốt mà NXBGD cố tình lờ đi là chính NXB này thừa nhận giá bán sách giáo khoa được xây dựng trên cơ sở giá thành kế hoạch và lợi nhuận định mức theo phương án ổn định giá bán từ năm 2002 - 2010.

Trước thông tin về thị trường sách giáo khoa tăng giá, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu: "Tôi không biết việc này. Bán sách theo giá mới vào thời điểm này là do thị trường, không phải chủ trương như vậy".

Cũng theo Thứ trưởng Luận, vào thời điểm này hầu như ngày nào lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng phải họp cập nhật thông tin để báo cáo Chính phủ xung quanh vấn đề giá sách giáo khoa.

Thế nhưng trong khi Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan vẫn đang bàn, thì thực tế sách giáo khoa đã đến tay người mua theo giá mới.

NXBGD giải thích giá bán sách được xây dựng ổn định trong 10 năm, nghĩa là giá bán sách đã bao gồm cả các chi phí phát sinh, sẽ tăng trong những năm tiếp theo như giá giấy tăng, các chi phí về tiền lương, tiền điện, xăng dầu cũng tăng 5 - 8%/năm.

Thêm vào đó, NXBGD còn dự báo trong giai đoạn 2007 - 2012, số lượng sách giáo khoa phát hành sẽ giảm khoảng 40% làm giá thành đơn vị sản phẩm tăng... Do vậy, khi xây dựng giá, NXBGD tính đến các yếu tố đó nhằm đảm bảo giữ giá ổn định trong giai đoạn dài!

Thế nhưng, mới ở nửa đầu năm 2008, khi tình hình giá giấy biến động, có nguy cơ ảnh hưởng đến lợi nhuận của mình, NXBGD đã ngay lập tức đòi tăng giá bán sách giáo khoa!

Do độc quyền phát hành?

Ngày 8/5, trong vai đại diện một công ty phát hành, chúng tôi đến Chi nhánh NXBGD tại TP.HCM để xin được đăng ký phát hành sách giáo khoa. Vào đến phòng phát hành, chưa kịp trình bày nhiều, một nhân viên ở đây đã chỉ chúng tôi đến Công ty Cổ phần Sách và thiết bị trường học TP.HCM.

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một công ty phát hành đề nghị không nêu tên nói ông phát sợ khi phải đăng ký mua sách giáo khoa, mỗi lần mua sách cứ như đi năn nỉ. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cơ chế phát hành "đặc biệt", đó là chỉ có các công ty sách và thiết bị trường học mới được nhận hàng từ NXBGD.

Thông qua các công ty này, phụ huynh, học sinh phải gánh thêm một chi phí vô lý là chiết khấu giá thành. Năm 2007, mức chiết khấu bình quân trên cả nước là 24% giá bìa. Chưa biết trong năm 2008, mức chiết khấu này có giảm hay không. Tuy nhiên, khi bán lại cho các đơn vị phát hành khác, tỉ lệ chiết khấu này còn rất thấp.

Ngày 9/5, đến cửa hàng của Công ty Cổ phần Sách và thiết bị trường học TP.HCM, chúng tôi thấy thông báo được đóng dấu đỏ về việc giảm chiết khấu cho các đại lý cấp 2. Theo đó, mức chiết khấu sách giáo khoa cho các đại lý cấp 2 trên toàn miền Nam chỉ còn 11%.

Chúng tôi thử hỏi mua sách trực tiếp về bán tại nhà sách, một nhân viên của công ty khẳng định chiết khấu cũng chỉ 11%. Như vậy, chỉ việc nhận và phân phối lại sách, các công ty sách và thiết bị trường học cũng đã có một món lợi kếch sù với không dưới 10% giá bìa.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT và NXBGD, tỉ lệ chiết khấu giá thành sách giáo khoa cao hơn so với mặt bằng chung của cả khu vực đến 4%!

Theo Hùng Thuật
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG