Chiều 27/4, Ban Nội chính T.Ư đã tổ chức thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên |
Xử lý nhằm lành mạnh hóa thị trường
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những vi phạm trong hoạt động kinh tế của một số doanh nghiệp thời gian qua, làm sao bảo đảm không hình sự hóa, không để “bắt chuột nhưng làm vỡ bình”, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư cho biết, việc giải quyết vụ án lớn, có liên quan đến doanh nghiệp được xem xét, tính toán kỹ lưỡng.
“Việc xử lý là cần thiết, đã chín muồi và hoàn toàn có lợi. Tuy nhiên, khi xử lý không thể tránh được tác động nào đó nhưng chúng ta đã có chủ trương, biện pháp, giải pháp để các doanh nghiệp trong các vụ án vẫn hoạt động bình thường và những hậu quả có thể xảy ra đã được lường trước và có giải pháp”, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư thông tin.
Từ đó, ông Yên khẳng định, “không có chuyện bắt chuột mà vỡ bình”. Sai đến đâu sẽ xử đến đó. Sự việc có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, mà đã khởi tố thì phải điều tra, mà đã điều tra thì phải truy tố và xét xử. “Chúng ta đã nhất quán nguyên tắc chỉ đạo là: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và hoàn toàn không chịu sự tác động không đúng của bất cứ cơ quan, tổ chức lực lượng có thẩm quyền nào”, ông Yên nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học khẳng định, việc xử lý nhằm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu. “Trong phiên họp sáng nay, nhiều thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo khẳng định, việc xử lý các vi phạm là đúng quy định của pháp luật; xử lý là để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu, vì vừa qua là ảo, không phải giá trị thực”, ông Học thông tin thêm.
Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư |
Tham nhũng có tổ chức, cấu kết tinh vi
Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, việc phát hiện xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quý 1 năm 2022 có những số liệu tăng rất nhiều. Trong đó, 125 vụ án với 259 bị can về tham nhũng bị khởi tố, tăng gấp 2 lần so với thời gian cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành, xem xét xử lý 14 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, còn tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 40 người bị xem xét,
Một điểm đáng chú ý được ông Học nêu ra là thời gian gần đây xử lý đều là cán bộ cấp cao, không còn ở cơ sở, không còn là tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh mà hành vi rất nghiêm trọng, liên quan đến tài sản rất lớn.
"Những vụ án phát hiện, xử lý vừa qua cho thấy, tham ô, tham nhũng không còn riêng lẻ mà có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước và bên ngoài. Đây là vấn đề phải quan tâm", ông Học cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Học, sự phối hợp, kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan chức năng trong thời gian qua rất hiệu quả, đến mức dù cơ quan nào trong các cơ quan phòng chống tham nhũng không muốn làm cũng không được.
Ông dẫn chứng, việc Ủy ban Kiểm tra T.Ư thi hành kỷ luật Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng liên quan đến quá trình thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo. “Thanh tra, kiểm toán nhưng làm không hết trách nhiệm, xử lý không nghiêm thì bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật”, ông Học thông tin.