Xử lý khủng hoảng

TP - Việc Bộ Y tế đột ngột ra thông báo dừng xét nghiệm chẩn đoán sán dây lợn cùng với những nhận định mâu thuẫn nhau của người đứng đầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho thấy có một sự lúng túng nhất định ở những cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Vụ hàng loạt trẻ dương tính với sán lợn thực ra không phải là vụ việc lớn đầu tiên mà ngành y tế phải đối mặt. Có những dịch bệnh lây lan nhanh và tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn đã từng xảy ra. Nhưng qua theo dõi những vụ việc như vậy, có vẻ như luôn có một sự lúng túng trong việc thông tin, xử lý.

Câu chuyện sán lợn đang rất thời sự và được đông đảo dư luận quan tâm là một ví dụ. Khi các bậc phụ huynh ở Bắc Ninh ồ ạt đưa con về Hà Nội xét nghiệm chẩn đoán sán dây lợn, thấy con số 44/209 trẻ dương tính, giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư vội vã khẳng định tỷ lệ này là con số cao bất thường.

Thông tin này lập tức gây hoang mang, lo lắng cho rất nhiều phụ huynh. Số lượng phụ huynh đưa con về Hà Nội xét nghiệm tăng vọt khiến có thời điểm bệnh viện quá tải. Ngay sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế cử đoàn công tác về Bắc Ninh để chỉ đạo phòng chống bệnh. Thế mà chẳng lâu sau, Bộ Y tế lại phát thông báo dừng xét nghiệm. Rõ ràng những thông tin ban đầu đưa ra về vụ việc là rất vội vã.

Trong khi đó, với chuyện trẻ tử vong do tiêm vắc - xin, không ít lần cơ quan chức năng lúng túng, bị động trong xác định nguyên nhân, cung cấp thông tin đến người dân. Sự chậm trễ thông tin này đã khiến nhiều bà mẹ lo lắng không dám cho con đi tiêm phòng. Trên mạng xã hội thậm chí còn xuất hiện cả một nhóm “tẩy chay vắc - xin”.

Vẫn biết rằng trước một dịch bệnh hay một vụ việc tác động tới số đông, việc chẩn đoán, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp điều trị cần có những bước đi thận trọng, phù hợp, đầy đủ chứng cứ khoa học, không làm người dân hoang mang. Nhưng điều đó không có nghĩa là chậm thông tin, giấu thông tin hay thông tin “vống” lên.

Thông tin vội vàng, thiếu cơ sở sẽ khiến người dân lo lắng. Giấu thông tin sẽ gây tâm lý chủ quan, nguy hiểm. Những điều này ai cũng biết nhưng dường như ngành y tế thường rất lúng túng mỗi khi xuất hiện dịch bệnh hay những vụ việc ảnh hưởng tới sức khỏe của số đông.

Rất hiếm vụ việc mà ngành y tế chủ động thông tin và thông tin kịp thời, đầy đủ, rõ ràng cho công luận. Sự lúng túng đó vô tình khiến thông tin sai lệch biến thành những con virus lan truyền một cách nhanh chóng khiến việc xử lý khó khăn, phức tạp hơn.

Những vấn đề liên quan tới sức khỏe của người dân không chỉ cần được xử lý một cách chuyên nghiệp, khoa học trong chuyên môn mà cũng cần phải phải chuyên nghiệp, khoa học ngay cả trong truyền thông. Cứ xử lý truyền thông theo cách của ngành y tế lâu nay, chưa biết chừng dư luận lại cho rằng ngành y tế yếu kém trong chuyên môn chứ không chỉ là chuyện truyền thông kém.

MỚI - NÓNG